Chính quyền Trung Quốc mới quyết định bãi bỏ chính sách một con, nhưng đối với nhiều người, nó thực sự không còn ý nghĩa…
- Những chú ý khi chăm sóc mẹ và con sau khi sinh
- Tình người ở nghĩa trang thai nhi Hố Nai
- Bức ảnh siêu âm bụng sau phá thai khiến bà mẹ trẻ “chết lặng”
- Bé đang hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, ho có tiêm phòng được không?
Zheng Thanh gần như suy sụp khi nghe tin rằng Trung Quốc sẽ bãi bỏ chính sách một con. Điều đó đến quá muộn màng khi giờ đây, cô không còn khả năng sinh đứa con thứ hai nữa. Nếu trước đây, Zheng từng nghĩ việc mình tuân thủ theo chính sách một con là niềm vinh dự thì bây giờ, chính quy tắc ấy lại khiến cô rơi vào tình cảnh đáng thương.
Vợ chồng cô cũng như hơn một triệu phụ huynh khác đang sống trong những ngày đau buồn cùng cực vì bị mất đi đứa con duy nhất, đứa con mà chính quyền Trung Quốc cho phép họ được sinh ra.
Chồng của Zheng, anh Fan Guohi, 56 tuổi, đề nghị chính quyền hỗ trợ tinh thần và tài chính cho những gia đình bất hạnh như vợ chồng anh. Con trai một của anh đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi năm 2012. Cú sốc này khiến đời sống tinh thần của đôi vợ chồng trở nên tan nát.
“Gia đình chỉ có một con như sợi chỉ mành treo chuông. Mất con là mất hết hy vọng”, Zheng nói.
Năm 1985, Cui Wenlan buộc phải phá thai khi cô có con lần thứ hai. Trớ trêu thay, người con trai duy nhất của cô đến năm 30 tuổi thì mắc bạo bệnh và qua đời. Hiện, vợ chồng Cui phải sống vất vưởng trong một đất nước mà khi cha mẹ già yếu, họ chẳng còn cách nào khác là phải nương tựa vào con cái.
“Nếu lúc đó chúng tôi được phép sinh con thứ hai thì bây giờ chúng tôi đã không cô đơn như vậy rồi”, người phụ nữ 53 tuổi này cho hay.
Chồng của Cui, anh Gao, cho biết chính quyền đã bồi thường 680 nhân dân tệ mỗi tháng (hơn 3 triệu VND) cho các cặp vợ chồng bị mất con. Nhưng số tiền đó còn kém xa so với những nhu cầu thiết yếu để sống trong một đất nước có rất ít phúc lợi về sức khỏe.
Cui từng bị thương trong một tai nạn xe hơi, nhưng đến nay, cô vẫn không thể thực hiện phẫu thuật vì không có con cái ký giúp các thỏa thuận với bên bệnh viện. Câu chuyện của cô chính là minh chứng cho hệ quả của chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc, chưa kể đến các vấn nạn trầm trọng hơn xuất phát từ chính sách này như cưỡng ép phá thai hay triệt sản.
Trong khu nhà máy nơi Huang Peiyao làm việc, các thanh tra giám sát rất chặt chẽ tình trạng mang thai của nữ nhân viên. Do đó, cô buộc phải phá thai khi mình đang mang đứa con thứ hai. Con trai một của cô sinh năm 1985 và mất năm 2011 vì tai nạn xe hơi. Sau khi mất con, Huang nhận nuôi một bé gái để vượt qua nỗi buồn và tìm kiếm hy vọng mới cho khoảng đời còn lại của mình.
Việc nhận con nuôi đã khiến cô không thể có được bất cứ hỗ trợ tài chính nào từ phía chính quyền như những gia đình mất con khác. Huang giờ đã nghỉ hưu, cô phải sống bằng tiền lương hưu hàng tháng và phải làm việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập nuôi con gái. Huang rất mong muốn chính quyền xem xét và đồng ý cho cô được nhận hỗ trợ tài chính.
Sun “khoe” bản chứng nhận gia đình một con với khẩu hiệu “đầy tự hào”: “Vì sự tiến bộ, chỉ sinh một con là đủ”.
Với quy định khắt khe của chính sách một con, Sun Huanping phải triệt sản sau khi sinh đứa con duy nhất là Li Chao chào đời năm 1987. Nhưng đến năm 2013, anh Chao thiệt mạng trong tai nạn xe hơi.
Mất con, Sun rơi vào tình trạng trầm cảm, cao huyết áp và bị bệnh tiểu đường. Cô cùng chồng là ông Li Guoquan phải sống nhờ vào trợ cấp của chính quyền và tiền lương hàng tháng của ông Li.
Vợ chồng cô Zhang đứng cùng cha mẹ già, họ cầm di ảnh đứa cháu nối dõi nhưng xấu số.
Đôi vợ chồng Jiang Weimao và Zhang Yinxiu còn nhớ như in cái khẩu hiệu tuyên truyền cho chính sách một con trong những năm 1980: “Chỉ một con là tốt nhất, nhà nước sẽ chăm sóc bạn khi về già”. Lúc đó, họ đều đang làm việc trong cùng một nhà máy và sợ sẽ mất việc nếu sinh con thứ hai.
Sau khi sinh anh Tingyi vào năm 1984, Zhang có thai lần nữa và phải đi phá. Năm 2010, anh Tingyi qua đời vì bệnh tiểu đường. Ở tuổi về hưu, hai vợ chồng Zhang vẫn phải sống nhờ ở nhà bố mẹ Zhang tại một vùng ngoại ô thành phố Trương Gia Khẩu.
Những năm tháng giúp con trai chiến đấu với bệnh tiểu đường đã khiến đôi vợ chồng này phải đi vay nợ. Hiện, họ phải sống nhờ vào tiền hưu nhưng nó lại không để trang trải tiền thuốc thang của tuổi già.
Zhang cho biết quyết định bãi bỏ chính sách một con của Trung Quốc bây giờ không có ý nghĩa gì với họ nữa. Nó chỉ khắc sâu thêm nỗi đau trong lòng họ, nỗi đau khi mất đi đứa con trai duy nhất mà thôi.
Theo Xaluan.com