Không ít bé bị nhiễm trùng hoặc ngộ độc vì được băng rốn quá kín, bôi thuốc đỏ, rắc kháng sinh thậm chí là rắc tiêu, đắp chất bẩn, sái á phiện lên rốn.
- Chà bông ‘bẩn’ làm từ đường hóa học Trung Quốc: Tiêu thụ khắp TP.HCM
- Những thức ăn nên tránh của “Mẹ Bầu” trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Bà bầu mất ngủ phải làm sao?
- Giải đáp thắc mắc về tiêm chủng cho trẻ + download sổ tay hướng dẫn tiêm chủng
Với bé mới sinh, chăm sóc rốn đúng cách là việc quan trọng. Khi còn trong bụng mẹ, dây rốn là nơi mang các dưỡng chất và dưỡng khí quý báu từ mẹ sang cho thai nhi và nhờ thế bé lớn lên từng ngày. Đến khi đủ 9 tháng 10 ngày bé cất tiếng khóc chào đời, các thầy thuốc đỡ đẻ cắt rốn cho bé và thế là dấu tích của sự nối kết kỳ diệu giữa mẹ và con ngày nào nay chỉ còn lại cái cuống rốn nhỏ dài độ 4-5 cm.
Bình thường rốn sẽ rụng trong vòng từ 7 đến 10 ngày sau sinh và sau 15 ngày thì cuống rốn liền hoàn toàn. Khi chưa liền, rốn là một ngõ vào quan trọng gây nhiễm trùng tại chỗ và từ ổ nhiễm trùng này vi trùng có thể vào máu gây nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong cho trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Việc chăm sóc rốn cho bé mới sinh hằng ngày rất quan trọng, và gia đình có thể tự thực hiện tại nhà cho con theo các hướng dẫn dưới đây:
1. Chuẩn bị vật liệu chăm sóc rốn
– Que gòn vô trùng.
– Chai cồn 70 độ.
– Gạc vô trùng.
2. Các bước thực hiện chăm sóc rốn
– Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước.
– Tháo băng rốn của trẻ ra.
– Quan sát rốn và vùng da quanh xem có dấu hiệu gì bất thường hay không.
– Rửa tay hoặc sát trùng tay lại bằng dung dịch còn 70 độ.
– Dùng que gòn tẩm cồn sát trùng rốn theo trình tự sau:
+ Chân rốn.
+ Thân cuống rốn.
+ Mặt cắt cuống rốn.
+ Da vùng xung quanh rốn từ trong ra ngoài, rộng khoảng 5 cm.
– Thay que gòn khác cho mỗi lần sát trùng.
– Sau 2 ngày tuổi thì không cần phải băng rốn lại sau khi chăm sóc để rốn mau khô. Có thể băng bằng gạc mỏng nếu rốn còn ướt.
Nếu chưa biết cách chăm sóc rốn, các bà mẹ có thể nhờ nhân viên y tế đến nhà hướng dẫn.
3. Cần đưa trẻ đến khám cơ sở y tế nếu thấy có một trong những dấu hiệu sau:
– Rốn sưng đỏ.
– Rốn rỉ dịch, có mủ hoặc vẫn còn ướt sau khi rụng.
– Rốn có mùi hôi.
– Đỏ vùng da xung quanh rốn.
– Rốn chảy máu.
4. Tránh làm những điều sau khi chăm sóc rốn cho trẻ
– Băng rốn quá chặt và kín vì có thể làm rốn bị nhiễm trùng.
– Bôi hoặc đắp bất kỳ chất gì lên rốn vì vừa có thể gây nhiễm trùng rốn vừa gây ngộ độc (như sái á phiện) hoặc bị ngộ độc thủy ngân do bôi thuốc đỏ.
Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường