Sao mẹ bỏ con – Kỳ 1 : Nỗi đau & ân hận muộn màng!

Sao mẹ bỏ con? Câu hỏi đắng lòng này không phải thốt ra từ những hài nhi bị chối bỏ bởi mẹ mình, trong những dịch vụ phá thai, nơi người ta giải quyết những lầm lỡ, vụng trộm hoặc vỡ kế hoạch bằng cách “điều hòa”.


Câu hỏi này chúng tôi thốt ra từ nỗi đau bị chối bỏ của những bào thai chưa một lần được khóc tiếng khóc chào đời, nhất là khi nghe tin trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, cao nhất so với các nước trong khu vực. Số liệu được đưa ra tại mít-tinh kỷ niệm ngày Dân số thế giới diễn ra tại TP.HCM hôm 11-7-2013, với chủ đề “Mang thai ở tuổi vị thành niên”.

me-oi-con-muon-duoc-song1

Thật sự, không khó để tìm thông tin liên quan đến việc phá thai ở tuổi vị thành niên. Chỉ cần 0,26 giây tìm kiếm, thông qua công cụ Google, với từ khóa “phá thai tuổi vị thành niên”, người viết bài này có thể thấy ngay 908.000 trang web liên quan. Trong đó, có các tiêu đề như Giật mình chuyện phá thai ở tuổi vị thành niên (An Ninh Thủ Đô); Mang thai sớm: đáng báo động! (Giáo Dục & Thời Đại); Việt Nam: Tỷ lệ nạn phá thai tuổi vị thành niên đứng thứ 5 trên thế giới (Đài PT-TH Hà Nội)…

Đau lòng! Đó là cảm giác khi đọc những nội dung phản ánh về thực trạng ấy từ các báo, những dòng tin cùng bài viết về “nạn phá thai” nhan nhản với mức độ cảnh báo trở nên đậm đặc và hẳn là sẽ làm nhiều người “hết hồn”, đau điếng. Cái đau của việc nhận ra lối sống dễ dãi và cách hành xử quá dễ dàng trước một sinh linh bé bỏng lẽ ra phải được chào đời theo quy luật mang thai, sinh nở và nuôi lớn trong một xã hội văn minh cộng với cái đau của sự thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản lẫn hiểu biết về giá trị nhân văn, làm mẹ, làm cha của người trẻ và cha mẹ các em làm người ta dễ dàng xót xa, xây xẩm.

Câu trả lời được lý giải gần như chung nhất của hiện tượng nạo phá thai của người trẻ chính là: dậy thì sớm, yêu vội, sống thử, thiếu kỹ năng và chọn biện pháp giải quyết “nhanh-gọn-lẹ” trong các trung tâm y tế hoặc bệnh viện công, tư có dịch vụ phá thai với mong muốn chối bỏ càng nhanh càng tốt “sản phẩm” mà chính nó có thể “tố cáo” việc sa đà và cả sa đọa ở lối sống hưởng thụ, dục vọng, thiếu kiềm chế, theo bản năng của người trẻ đó.

Câu trả lời cho câu hỏi “Sao mẹ chối bỏ con?” đó có phải là sự đồng tình của ba hay là do người mẹ không đủ dũng cảm để đối mặt với sai lầm, dễ dãi của mình để rồi con có mặt nhưng không được sinh ra? Người đàn ông sau khi “gây ra” hoặc “tạo ra” đứa con có thể vì vô vàn lý do đã đẩy trách nhiệm giải quyết cho người phụ nữ hoặc phó mặc, để người phụ nữ “tự xử” kết quả của cách mình sống hoặc của lúc yếu lòng nào đó – nên trong phút giây đau đớn, lo sợ, người mẹ đã chọn cách bỏ bào thai. Tưởng là nhanh, gọn, và có thể giải quyết được vấn đề nhưng ai dè, đó là một sai lầm kế tiếp sai lầm của lối sống thiếu bảo hộ, dễ dãi của mình trước dục tình, trước quan hệ nam nữ vốn chỉ dành cho người đủ tuổi và đủ tư cách pháp lý để cùng chịu trách nhiệm với nhau sau khi chuyện đó xảy ra.

pha-thai-phat-phap

Không phải tự nhiên giới luật nhà Phật cũng như pháp luật nhà nước đặt ra tiêu chuẩn của hạnh phúc, an lạc là chung thủy, hay quan hệ một vợ một chồng (cụ thể, đạo đức Phật giáo trong năm giới quý báu đã nhắc ở giới thứ 3 chính là “không tà dâm”). Không tà dâm được diễn dịch như một phát nguyện sống bao gồm ý niệm tới hành động chính là “con nguyện không có quan hệ với người không phải vợ hoặc chồng của con, người không có cam kết lâu dài trong đời sống tình cảm, hôn nhân… của con”.

Vì sao phải gìn giữ? Bởi vì, nếu có quan hệ tình dục giữa nam và nữ thì những hệ lụy khác đi kèm, chẳng hạn như có thai; khi đó, nếu không phải là vợ chồng hoặc người có cam kết lâu dài về mặt tình cảm, quan hệ xã hội như hôn nhân thì khó có thể cùng nhau đón nhận sinh linh bé bỏng ra đời, cũng như không thể chung tay dưỡng nuôi, có trách nhiệm lâu dài với đứa trẻ… Bên cạnh đó, về mặt xã hội, người phụ nữ sẽ phải chịu tác động bởi dư luận, đứa trẻ sinh ra nếu không “danh chánh ngôn thuận” (không có ba mẹ đầy đủ) sao tránh khỏi những đàm tiếu không hay, dẫn tới tâm lý bất thường. Đó là chưa nói những bất thường trong quá trình lớn lên thiếu bàn tay chăm sóc của cả ba và mẹ mà khoa học gọi là “rối loạn tâm lý” rất có thể ảnh hưởng tới chất lượng sống của trẻ…

Chính áp lực ấy cùng bao nhiêu bài toán hóc búa khác mà sau giây phút nông nổi phạm sai lầm, người ta đã tiếp tục phạm sai lầm thứ hai để rồi nỗi đau thể xác và thương tổn tinh thần sẽ cứ thế mà kéo dài ra theo ngày tháng.

Hầu hết những người đã từng đi tới quyết định phá thai, thực hiện hành vi “giết chết” đứa con trong bụng mình đều có chung một nỗi đau, niềm ân hận mà họ bộc bạch trên nhiều bài báo, rằng: “Giá như có cơ hội làm lại, tôi sẽ không bỏ con mình”. Và, xa hơn một chút: “Nếu biết trước có thể xảy ra những chuyện đau lòng như vậy thì tôi sẽ biết gìn giữ đời sống thanh bạch, học kỹ năng sống để tự bảo vệ mình không phải rơi vào tình cảnh lựa chọn đớn đau giữa việc giữ lại đứa con vô tội và bao nhiều dự định cá nhân cùng danh dự gia đình, dòng tộc…”.

Chúc Thiệu

Ý kiến của chuyên gia

chuyen-gia-ly-thi-maiChuyên gia tư vấn tâm lý LÝ THỊ MAI (Giám đốc Công ty Tâm lý học Ứng dụng TP.HCM): Với bất cứ ai, việc phải mang thai ngoài ý muốn cũng đều rất đáng tiếc; với các em gái còn ở tuổi vị thành niên, điều này càng đáng tiếc hơn. Do chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về sức khỏe sinh sản nên không ít em còn rất ngây thơ trong lĩnh vực này. Có em mang thai mà chẳng hề biết mình đang mang thai, có em coi việc nạo thai cũng chỉ đơn giản như cắt móng tay móng chân, chẳng bận tâm suy nghĩ gì cả.

Có em khờ khạo để mang thai ngoài ý muốn đến hai hoặc ba lần, khi trưởng thành mới thấm thía di hại nhưng đã muộn mất rồi. Sức khỏe bị sa sút nghiêm trọng, nguy cơ vô sinh cứ như bản án treo đeo đuổi mãi không thôi và các em dần trở nên rẻ rúng tình yêu, không còn niềm tin với bất cứ ai nữa.

Nhiệt huyết học tập và lao động bị hao mòn nên khả năng tự lập vơi đi rất nhanh, mức sống vật chất khó lòng đầy đủ. Niềm tin vào sự thánh thiện và lòng chung thủy bị hủy hoại, đời sống tinh thần trở nên khô khan và hiu quạnh. Nhìn ở góc độ khác hơn, nhận thức mơ hồ, lối sống vội vã, dễ dãi và buông thả đã và đang làm suy thoái đạo đức của một bộ phận xã hội, hại đơn hại kép nào phải là nhỏ đâu.

Để mang thai ở tuổi vị thành niên, đương nhiên các em gái cũng có lỗi của mình nhưng suy cho cùng, phần lỗi chủ yếu vẫn thuộc về người lớn. Tất cả người lớn của mọi gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội phải dũng cảm nhận lấy trọng trách hướng dẫn cho các cháu. Lơ là với trọng trách này, dư chấn của hệ lụy nhất định sẽ lâu dài và hệ trọng lắm!
chuyengia1.jpg

bac-sy-ngo-thi-anh-dongBác sĩ NGÔ THỊ ÁNH ĐÔNG (Chuyên khoa cấp 1 sản phụ khoa – công tác tại Hội Phòng chống AIDS TP.HCM): Phá thai thì dù lứa tuổi nào cũng không tốt cho sức khỏe. Mà đối với một người chưa trưởng thành đã có thai thì thứ nhất là các cơ quan chưa phát triển được một cách chín muồi, như cổ tử cung, buồng trứng, kinh nguyệt còn lộn xộn.

Ở tuổi vị thành niên thì chưa đủ trưởng thành để mang một cái thai, cổ tử cung và buồng trứng chưa phát triển, không đủ lượng nội tiết để nuôi cái thai, hoặc khi sanh có thể gây tai biến cổ tử cung, xương chậu, xương bẹ chưa kịp nở có thể gây băng huyết sau sanh, rách cổ tử cung.

Nếu thường xuyên nạo phá thai sẽ phải đưa những tác nhân từ bên ngoài vào cổ tử cung, dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm, nguy cơ tai biến như thủng cổ tử cung, thủng bàng quang, thủng ruột, viêm dính tử cung… và có thể gây vô sinh.

Như Danh ghi

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x