Một mình có thai, lại mắc bệnh nan y, gia đình nhiều lần ép chị bỏ đi đứa bé nhưng chị đều tìm cách trốn về bằng được.
- Điều chưa biết bên trong phòng phá thai khủng khiếp nhất Hà Nội
- Nữ sinh phá thai, tự vẫn vì yêu học viên Học viện Cảnh sát
- Nghẹn lòng hình ảnh “mẹ ôm bé chết lưu” lay động triệu trái tim cộng đồng mạng
- Giáng sinh kỳ diệu của “em bé tí hon” chào đời chỉ 453gram
Người phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt ấy là chị Quách Thị Nghĩa (Đội 1, Chiềng Ban, Quang Hiến, Lang Chánh, Thanh Hóa). Với chiều cao khiêm tốn chỉ 1,2 m, nặng 32 kg, trông chị không khác gì một đứa trẻ 8 tuổi mặc dù chị đã đến cái tuổi tứ tuần.
Chị bắt đầu câu chuyện cuộc đời đầy bất hạnh của mình bằng ánh mắt đượm buồn và hàng mi ướt lệ. Chị Nghĩa là con út trong gia đình nghèo có 4 chị em gái. Khi các chị gái của mình sinh ra đều lành lặn khỏe mạnh, thì ngược lại chị Nghĩa ốm yếu bệnh tật và cõng trên mình chiếc lưng gù bẩm sinh to tướng.
Bởi vậy chị luôn mang trong mình tâm lý mặc cảm ít khi ra ngoài, chỉ quanh quẩn trong nhà, phụ giúp bố mẹ những việc đơn giản, vừa sức. Thế nhưng, khi thấy chúng bạn cùng trang lứa vui mừng tổ chức đám cưới rồi hạnh phúc bồng bế những đứa con kháu khỉnh đáng yêu ra đời, trong sâu thẳm tâm hồn người con gái bất hạnh ấy lại nhen nhóm lên một tia hy vọng. “Chẳng có chồng thì thôi, giá mà mình cũng có đứa con để yêu thương, chăm sóc“, chị khao khát.
Ý định ấy sớm vụt tắt khi người mẹ già hiểu được tâm tư của cô con gái rồi mắng té tát vào mặt chị rằng: “Mày có tỉnh táo lại không, bệnh tật thế kia, cái thân mày còn không nuôi nổi, đẻ con ra thì đến nước chết đói cả nhà!“. Thế nhưng, hình ảnh về một đứa trẻ thơ ngây và khao khát được làm mẹ vẫn âm ỉ cháy trong lòng chị.
Cho đến một đêm định mệnh, trong lễ hội đầu xuân năm 1999, chị gặp một người đàn ông hơn chị 3 tuổi. Qua những câu trò chuyện bâng quơ, người đàn ông ấy đã thấu hiểu được suy tư của chị, đem lòng thương cảm mà đồng ý cho chị một đứa con.
Sau cái đêm định mệnh ấy chị đã mang trong mình một sinh linh bé nhỏ, hạnh phúc chưa kịp trọn vẹn thì gia đình phát hiện khi cái thai mới được gần 3 tháng. Cả dòng họ nhất quyết không chấp nhận chuyện ô nhục ấy nên xúm vào mắng nhiếc, thập chí đánh đập để ép chị bỏ đi giọt máu của mình mặc cho chị van xin.
“Hồi ấy năn nỉ mẹ mãi nhưng không được, tôi còn dọa tự tử. Cụ bảo tôi làm ô nhục cả dòng họ nên không còn mặt mũi để nhìn mặt làng xóm. Bố tôi thì không nói năng gì, suốt ngày trầm tư suy nghĩ buồn rầu. Các chị gái thì hết khuyên nhủ đến mắng chửi thậm tệ. Không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng, ngột ngạt“, chị nhớ lại.
Van xin mãi không ai chịu hiểu, cùng quẫn chị nghĩ đến việc tự vẫn. “Có thể hai mẹ con cùng chết sẽ nhẹ lòng hơn nhưng nghĩ lại thấy tội nghiệp đứa con. Cuộc đời tôi chẳng có gì đáng tiếc cả nhưng đứa trẻ trong bụng đâu có tội tình gì“, chị buồn tủi phân trần. Nghĩ đến đấy chị lại cố gắng chịu đựng và quyết tâm giữ bằng được đứa con. Chị bảo: “Là người phụ nữ ai chẳng khao khát được làm mẹ. Có đứa con cuộc đời còn có ý nghĩa, còn có điểm tựa, niềm tin để mà sống“.
Nghĩ là vậy, nhưng để làm việc đó đâu phải dễ, bởi hơn ai hết chính chị hiểu rằng, những lễ giáo phong kiếm hà khắc cộng thêm sự dè bỉu, khinh miệt của người đời sẽ là một rào cản khó có thể vượt qua được. Hơn nữa, bản thân chị lại mang tật bệnh, trong người luôn ốm yếu nên việc để đứa con bé bỏng chào đời dường như là việc quá sức đối với người mẹ bất hạnh này.
Điều khiến chị đau đớn nhất là phía gia đình chị, những người mà chị tưởng rằng sẽ cảm thông, chia sẻ và chấp nhận đứa bé thì họ lại quay lưng lại với chị, bắt chị phá bỏ cái thai bằng mọi giá. “Chị gái tôi bảo thương tôi, sợ tôi không sinh được con, nếu sinh được thì cũng không nuôi nổi nên nhất quyết không cho giữ lại. Chính chị cũng là người năm lần bảy lượt áp tải tôi vào bệnh viện phá thai”, chị buồn tủi.
Lần đầu tiên theo người chị gái vào khoa sản của bệnh viện huyện, chị chỉ biết đau đớn khóc ròng trong bất lực. Thương đứa con bé bỏng sẽ phải chết khi chỉ mới biết quẫy đạp trong bụng mẹ. Tưởng rằng chị đã bất lực phó mặc sự sống của sinh linh bé nhỏ vào tay bác sĩ, nhưng khi bắt đầu bước chân vào phòng phẫu thuật, khát khao làm mẹ trong chị lại trỗi dậy.
“Lúc bác sĩ và y tá bắt đầu vào phòng chuẩn bị đưa tôi lên bàn phẫu thuật, lợi dụng lúc sơ hở tôi đã đẩy cửa lẻn ra ngoài. Vừa bước ra khỏi phòng tôi chạy thục mạng về nhà trong tâm trạng hoảng loạn. Trấn tĩnh lại tôi mới biết trên người vẫn mặc nguyên bộ quần áo bệnh nhân“, chị vẫn run rẩy khi nhắc lại.
Ba ngày sau chị lại bị người thân bắt đến bệnh viện phá thai. Lần này để an toàn gia đình đã cử tới 3 người áp tải (hai chị gái cùng người mẹ). Chị biết rằng lần này chị khó có thể thoát ra được vì vậy chị cố gắng ngoan ngoan nghe lời và tìm cơ hội thoát thân.
“Khi bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật, tôi giả vờ đau bụng gào khóc thảm thiết và quẫy đạp nhất quyết không chịu để vị bác sĩ đụng dao kéo vào cơ thể mình“, chị nhớ lại. Trước thái độ thiếu hợp tác của bệnh nhân bác sĩ ra ngoài và gọi người thân vào để khuyên giải. Nhân cơ hội, chị lại một lần nữa bỏ trốn.
Qua thời gian cái thai cứ lớn dần lên, gia đình sợ mang điều tiếng vì thế càng gay gắt thúc ép chị. Ba lần tiếp sau đó chị Nghĩa lại bị người nhà lôi xềnh xệch đến khoa sản bệnh viện huyện Ngọc Lặc, thậm chí là bệnh viện tỉnh, thế nhưng lần nào cũng bất thành vì chị nhất quyết không chịu đồng ý và liên tục bỏ trốn.
Khi cái thai đã sang đến tháng thứ 6 thì gia đình đành bất lực với chị và khi bác sĩ lắc đầu bảo rằng cái thai quá lớn, nếu phá bỏ chị khó có thể giữ được tính mạng. Lúc đó, chị quỳ xuống ôm lấy chân mẹ van lơn, cuối cùng mẹ chị cũng đành phải gật đầu. Giây phút ấy chị vui mừng, hạnh phúc mà hai hàng nước mắt chảy dài. Vậy là sau 5 lần nỗ lực bỏ trốn khỏi phòng phẫu thuật để bảo vệ đứa con, cuối cùng nguyện vọng được làm mẹ của chị cũng được gia đình chấp nhận mặc dù đó chỉ là miễn cưỡng.
Những khó khăn mà chị vừa trải qua mới chỉ bắt đầu, bởi trước khi sinh bác sĩ nhận định, sức khỏe của chị quá yếu, khó có thể tiến hành phẫu thật và khả năng cứu được cả hai mẹ con là rất ít. Mặc dù vậy chị vẫn bất chấp tất cả, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để đứa con chào đời.
“Trước khi vào phòng mổ sinh, hai mẹ con chỉ được có 31 kg, sức khỏe của tôi lúc ấy rất yếu nhưng chỉ cần nghĩ đến việc mình sẽ sinh ra một đứa trẻ lành lặn đáng yêu là bao nhiêu lo lắng, sợ hãi trong tôi tan biến“, chị nhớ lại cái ngày liều lĩnh ấy. May mắn đã mỉm cười với người mẹ bất hạnh, ca mổ đã thành công, mẹ tròn con vuông. Chị hạnh phúc ôm đứa con vào lòng với hàng lệ chảy dài, chị quyết định đặt tên cho cháu là Quách Thị Nhân, những mong cháu lớn lên thành người.
Sau thời gian ở cữ chị dùng chút sức lực yếu ớt lao vào làm lụng để kiếm tiền nuôi con. Ngày ngày, chị gánh những mớ rau do chính tay mình trồng đem ra chợ bán. Mùa nào thức ấy, nhờ những luống rau ấy mà chị đã nuôi được bé Nhân khôn lớn.
Giờ đây khi cô bé Nhân đã đứng cao hơn mẹ một cái đầu, ngồi nghe mẹ kể lại quãng thời gian liều lĩnh, vất vả để đổi lại sự có mặt của em trên cõi đời này, cô bé nắm lấy tay mẹ mắt rơm rớm cảm động. Mười bốn năm ròng rã trôi qua, giờ đây sức khỏe của chị Nghĩa đã yếu đi nhiều. Thời gian chị nằm viện nhiều hơn ở nhà. Cứ dăm bữa, nửa tháng các chứng bệnh lại thay nhau hành hạ chị. Nhìn thân hình bé nhỏ, gầy gò, yếu ớt của chị khiến ai cũng cảm thấy xót xa.
Bác sĩ Phạm Văn Dương, trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh, cho biết: “Hiện tại sức khỏe của chị Nghĩa rất yếu. Bệnh nhân mắc nhiều chứng bệnh nan y như: xuất hiện cơn đau thắt ngực do thiểu năng mạch vành, nhịp tim chậm, rối loạn vận mạch não, viêm loét dạ dày, tá tràng, xuất hiện u ở vòm họng. Tất cả các chứng bệnh này đều là những bệnh nan y, khó chữa cần có điều kiện để theo dõi để kết hợp chữa trị. Tuy nhiên bệnh nhân từ chối điều trị và có nguyện vọng được xuất viện. Điều này sẽ làm gián đoạn quá trình điều trị, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bệnh nhân và gây ra nhiều hậu quả không thể lường trước“.
Theo Giadinh.net.vn