Lặng nhìn 80.000 hài nhi “ngủ ngoan” chung một nghĩa trang

Đó là những nghĩa trang dành riêng cho các hài nhi xấu số, được những người nhân đức quy tập lại nằm chung một chỗ. Hầu hết các em còn chưa có tên gọi…


Nghĩa trang luôn là nơi ám ảnh về sự cô đơn, lạnh lẽo, chứa chất những buồn đau. Bất đắc dĩ mới phải đặt chân đến dù có người thân quen nằm bên trong đó hay không.

Tìm đến nghĩa trang Bến Cốc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) hay nghĩa trang Đá Mài (huyện Tân Cương, Thái Nguyên), lại càng là sự vạn bất đắc dĩ, bởi nỗi xót xa dường như nhân lên gấp bội phần, ám ảnh khôn nguôi.

Đó là những nghĩa trang dành riêng cho các hài nhi xấu số, lỗi giờ sinh nên sảy mẹ, lìa cha, được những người nhân đức quy tập lại nằm chung một chỗ. Hầu hết các em còn chưa có tên gọi, bởi linh hồn vừa gửi vào thai nhi còn chưa được sinh ra đã bị ruồng rẫy, cưỡng bức lìa trần.

Hơn 80.000 hài nhi “ngủ ngoan” chung một nghĩa trang

Nghĩa trang Bến Cốc chẳng lấy gì làm rộng rãi, nếu không muốn nói là chật chội, chỉ chừng gần 600 m2. Nhưng theo người quản trang, bà Nguyễn Thị Nhiệm, có đến hơn 80.000 hài nhi đang cùng ngủ yên trong lòng đất.

Bà Nguyễn Thị Nhiệm, người an ủi cho hơn 80.000 hài nhi xấu số ở Bến Cốc.
Bà Nguyễn Thị Nhiệm, người an ủi cho hơn 80.000 hài nhi xấu số ở Bến Cốc.

Chỉ nhẩm đếm những ngôi mộ được xây cất vuông vắn phía trước, con số đã là 49 ngôi. Còn những ngôi mộ mới phủ đậy lên trên bằng tấm bê tông chưa kịp xây cất thì cũng khoảng 20 ngôi nữa.

Phía sau, một số ngôi mộ lớn còn chưa phủ hết cát lên các chiếc tiểu sành cỡ nhỏ xếp chồng lên nhau. Và những hố sâu mới được đào và xây tường bao mà chưa đặt các thi hài xuống đó.

Trên mỗi nấm mộ lớn đều có những bát hương thắp chung cho các linh hồn xấu số, cùng một bình hoa cắm một cành cúc trắng. Cả nghĩa trang chỉ một màu hoa trắng này mà thôi, bởi đó là màu hoa dành cho những người chết khi quá trẻ.

Không phải ngôi mộ nào cũng có bia, bởi chắc phải rất lâu mới có thể viết lên đó những dòng ghi danh hay tưởng niệm phù hợp. Và cũng bởi những hài nhi trong ngôi mộ nào cũng còn chưa có tên.

Cứ mỗi ngôi mộ chứa chừng hơn 1.000 hài nhi trong đó. Có chỗ nhiều hơn, đến gần 2.000 em nằm chung. Chỗ nằm đông nhất của các hài nhi là dưới nền ngôi nhà bày hương lễ tưởng niệm chung cho cả nghĩa trang. Người quản trang ngậm ngùi cho biết, có chừng hơn 30.000 hài nhi đang nằm chung trong đó.

Một góc nghĩa trang hài nhi Bến Cốc.
Một góc nghĩa trang hài nhi Bến Cốc.

Suốt gần 10 năm nay, chính tay bà Nhiệm tham gia chôn cất gần như tất cả hơn 80.000 hài nhi của nghĩa trang, nên bà nhớ rõ các câu chuyện chua xót xung quanh số phận các em.

Các em được đưa về từ các phòng khám thai sản, bệnh viện trên địa bàn và các huyện lân cận. Chính bà và người thân, cùng những người từ tâm khác trong thôn Cốc đã đi xin di thể của các em sau những ca nạo hút thai, đưa về đây mai táng.

Cũng có những em được “cha”, “mẹ” đưa đến nơi, xin được gửi “con” trong nghĩa trang. Họ là những cô gái còn rất trẻ, có thể là học sinh, sinh viên hoặc công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn, nhỡ nhàng nên không muốn hoặc không thể sinh con.

Ám ảnh nhất đối với bà Nhiệm là những dòng nước mắt như mưa gió của một người “bố” trẻ, đưa một hài nhi từ nơi rất xa xôi tìm đến Bến Cốc. Người thanh niên vừa chôn xác “con”, vừa khóc hàng giờ, miệng lẩm bẩm không thôi: “Sao mà ác thế, sao mà ác thế?”.

Họ yêu nhau mà cả hai gia đình đều ngăn cản, bèn quyết cùng nhau làm chuyện đã rồi để ép gia đình. Nhưng sự lạnh lùng của người mẹ (bà), lừa ép con gái mấy lần để phá thai, khiến thêm một hài nhi vô tội phải nằm lạnh lẽo trong nghĩa trang.

Xót xa thân phận con trẻ lỗi giờ sinh

Có đứng một mình giữa nghĩa trang Đá Mài trong cơn mưa chiều tầm tã, bốn bề rừng núi âm u, mùi rác rưởi bốc lên nồng nặc, mới thấy hết những xót xa cho linh hồn các thiên thần bị chối bỏ.

Đá Mài là một bãi rác lớn, tập trung hầu hết chất thải thu gom hàng ngày của tỉnh Thái Nguyên nên dù được xử lý thế nào, thì vẫn không tránh khỏi sự ô nhiễm. Chẳng ai dại gì đem thân thể của người thân đến chốn sơn lam chướng khí này mà chôn cất bao giờ.

Vậy nhưng phía trong của bãi rác vẫn có một nghĩa trang khá rộng rãi, sạch sẽ nằm trên sườn đồi khuất gió, có tường gạch bao quanh. Số ngôi mộ không nhiều, chỉ có 14 ngôi, được xây cất khá cẩn thận.

Đó là mộ của những hài nhi được những người thiện tâm nơi đây chôn cất. Điều đáng nói, trong nghĩa trang chỉ có một ngôi mộ xác định được thân nhân, còn 13 ngôi khác là di thể những đứa trẻ bị bỏ rơi, vô thừa nhận.

Người được coi là quản trang của khu nghĩa trang này là anh Ngô Văn Quyền, một người từng dọc ngang lăn lộn trên trường đời suốt thời trai trẻ. Khi trở lại với đời thường, anh Quyền “định cư” trên bãi rác này với nghề bới rác.

Lần đầu nhìn thấy một thai nhi lẫn trong đống rác, trong lúc mọi người hốt hoảng bỏ chạy vì sợ hãi, anh chỉ thấy câm lặng. Nghĩ số phận hài nhi cũng xót xa như cuộc đời giông bão của mình, anh quyết định tìm nơi cho em an nghỉ.

Những nấm mộ hài nhi ở nghĩa trang Đá Mài.
Những nấm mộ hài nhi ở nghĩa trang Đá Mài.

Từ ngôi mộ đầu tiên đến ngôi mộ thứ 13 của các hài nhi được phát hiện trong bãi rác Đá Mài, anh đều tự tay tắm rửa, mai táng. Cũng tự tay anh dọn dẹp nơi sườn đồi rậm rạp, xin phép chính quyền cho hình thành nghĩa trang này.

Không ai biết những hài nhi ấy đến từ đâu, chỉ biết nó lẫn trong các túi rác được chuyển đến. Mọi người chỉ đoán định rằng, không phải các em bị bỏ rơi từ các cơ sở y tế, mà có thể từ chính người mẹ của các em.

Nhưng em bé trong ngôi mộ thứ 14 thì chính người mẹ của em đưa đến. Một nữ sinh viên trót dại dột, rồi đi phá thai. Không muốn giọt máu của mình phải lẫn vào túi rác đợi người khác tình cờ tìm thấy, cô đến xin được gửi con vào nghĩa trang.

Những giọt nước mắt hối hận, hay khổ đau của người con gái trẻ rũ rượi ôm trên tay xác đứa con mình khiến cơn giận dữ mềm lại, cũng là chút tình cuối cùng còn sót lại đã trỗi dậy trong cô.

Và hài nhi ấy “may mắn” hơn các hài nhi bị bỏ rơi khác, trên nấm mộ có ghi một cái tên, do mẹ của mình đặt cho…

(còn tiếp)

Theo Tấm Gương

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x