Chuyện ngôi mộ gió của các sinh linh bé bỏng bị bỏ rơi

Cứ đến rằm tháng bảy và dịp Tết, chị lại sắm sửa những bộ quần áo hàng mã, dọn dẹp cỏ và chuẩn bị một bữa giỗ chung cho các sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi.


Như một cái duyên đã định, kể từ sinh linh bất hạnh đầu tiên mà chị Phạm Thị Loan (45 tuổi, TP. Huế) vô tình nhìn thấy, thương xót cho số phận mong manh chị đã tự tay mình đi chôn cất cẩn thận. Rồi với những sinh linh tiếp theo bị bỏ rơi, dù là vô tình hay cố ý khi người ta vứt bỏ, chị Loan vẫn âm thầm làm công việc như đã “ấn” vào số phận của mình.

Người mẹ của hơn 100 sinh linh bị bỏ rơi

Ít ai biết chị Phạm Thị Loan, 45 tuổi, sống gần nghĩa trang Ngự Bình, TP Huế, tự nguyện làm công việc nhặt xác những thai nhi bị vứt bỏ để chôn cất cẩn thận. Đã hơn 10 năm nay, chị Loan lặng lẽ tự tay mình chôn cất cho hàng trăm sinh linh tội nghiệp. Cứ đến rằm tháng bảy và dịp Tết, chị lại sắm sửa những bộ quần áo hàng mã, dọn dẹp cỏ và chuẩn bị một bữa giỗ chung cho tất cả các cháu….

Chúng tôi tìm gặp chị Loan tại căn nhà rộng, có nhiều mảnh đất còn trống gần nghĩa trang Ngự Bình, TP Huế, chị mới đi chợ chuẩn bị cho một buổi bán quán nhậu bình dân khi chiều tới. Người phụ nữ có khuôn mặt tròn, đôi mắt bồ câu đen dễ gần và một vóc dáng tảo tần như bao nhiêu người vợ, người mẹ bận rộn khác.

 Chị Loan bên những ngôi mộ vô danh bất hạnh.
Chị Loan bên những ngôi mộ vô danh bất hạnh.

Chị bắt đầu câu chuyện làm mẹ âm thầm của mình, đó là ngày đầu tiên cách đây 10 năm, có một cậu sinh viên tên T. đi xe đạp đến gần nhà chị và mượn một chiếc cuốc để chôn đi đứa con mà cậu đã lỡ có với bạn gái khi cả hai đang còn ngồi trên ghế giảng đường.

Cậu sinh viên bộc bạch hết sự thật với chị, thấy vậy chị cùng phụ một tay chôn sinh linh vô tội của những giây phút bồng bột chóng vánh kia, mà lòng người phụ nữ có bốn đứa con thắt lại, đau từng khúc ruột.

Rồi không biết bao nhiêu lần, chị gặp các cháu trong những tình cảnh khác nhau nhưng lần nào cũng cô quạnh, tủi hờn. Có khi đang đi trên đường mang cơm cho chồng làm nghề xây lăng mộ, chị đá phải cái om người ta cố tình để trên nghĩa trang.

Chị lại mang về phần đất ông cha để dành mai mốt về với tổ tiên mà chôn cất lặng lẽ. Lần mà chị còn rùng mình khi mỗi lần nhớ lại, đó là một buổi trưa khi đang ngồi hóng mát dưới gốc cây khế trong vườn nhà thì có chiếc xe máy phóng vụt qua nhà chị, vứt nhanh một chiếc túi cám con cò bên kia đường.

Như có linh cảm mách bảo, chị nghĩ trong bụng “ai lại đi vứt cái chi gần nhà mình, lỡ may hôi thối thì răng?” nên chị mở ra xem. Dù đã gặp rất nhiều sinh linh bị bỏ rơi, nhưng lần này với chị quá sốc, khuôn mặt người phụ nữ tím tái lại khi cái túi cám con cò đựng thai nhi đã là một hình hài của em bé, chừng 5 tháng tuổi.

Chị lạnh cả người khi chứng kiến hình hài một đứa trẻ bị người ta vứt vội như vứt một thứ đồ bỏ đi, họ kéo ga đi thật vội vã. Nghĩ đến đó, mắt người phụ nữ đỏ hoe, giọt nước mắt lăn trên gò má căng tròn có rám nắng.

May lúc đó, bố đẻ của chị đang có ở nhà chị và hai bố con lại lặng lẽ đi mua tiểu, mua giấy áo để tiễn đưa một kiếp người nhỏ nhoi bất hạnh về với cõi thiên thu. Rồi công việc âm thầm đó đã “gắn” vào chị Loan, như thể chị sinh ra để làm công việc đưa những sinh linh tội nghiệp kia về với cát bụi.

Vậy mà đã thấm thoắt 10 năm, đã có hơn 100 sinh linh tội nghiệp tôi coi như con mình”, chị Loan nói với chúng tôi mà như thể đang nói với lòng mình. Trong đôi mắt trĩu nặng những giọt nước mắt thương cho những đứa con mà theo chị Loan: “Nếu được sinh ra bình thường, các cháu cũng được sống như bao đứa trẻ khác, vậy mà…!”.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn khi có hai người xuất hiện, một đàn ông trung niên khoảng 40 tuổi, và một người con gái chừng 20 tuổi vào nhà chị Loan. Chúng tôi vẫn ngồi chờ chị Loan để được tiếp tục nghe những trăn trở của người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu này.

Khoảng 30 phút sau, hai người chào chị về, chị mới ra nói chuyện với chúng tôi. Chị buông một câu khiến chúng tôi khựng người lại: “Hai người đó nhờ chị chôn con của họ mới phá, chị đi lên nương để chôn cất nên mới lâu vậy. Đây là lần thứ tư, ba lần trước ông ấy đi một mình, lần này đi với cả một người con gái nữa, chắc bồ nhí…”.

Ngày giỗ chung cho các sinh linh oan uổng

Mới đầu những người hàng xóm biết chuyện, họ đặt điều hai vợ chồng chị Loan làm mộ gió để được hưởng đền bù khi có giải tỏa. Biết được chuyện, nhưng hai vợ chồng chị vẫn âm thầm làm công việc “tích đức để đời”. Nhiều người chứng kiến được tấm lòng của anh chị nên đã thay đổi suy nghĩ và còn phụ giúp một tay mỗi khi làm mộ xi măng cho các cháu.

Bận bịu với công việc mưu sinh bán quán nhậu bình dân cho đến đêm muộn, bốn đứa con nhỏ và bố chồng bị liệt trong một lần tai nạn, một tay chị Loan xoay xở chăm sóc gia đình, khi chồng đi làm ở xa. Vậy nhưng, cứ lúc nào rảnh, chị lại lên với các cháu, làm cỏ cho gọn gàng, sạch sẽ.

Lúc nào có chồng ở nhà, chị và anh cùng làm những ngôi mộ bằng xi măng nho nhỏ để mưa bão không cuốn trôi. Chắt chiu từng đồng, khi nào có tiền là anh chị lại lặng lẽ làm, như đó là một phần công việc và cuộc sống của chính mình. Nhưng cả hai vợ chồng anh chị còn canh cánh nỗi lo cho “gần 40 phần mộ chưa làm được xi măng hẳn hoi, nghĩ mà tội cho các cháu lắm”, chị Loan chia sẻ.

Cứ đến rằm tháng bảy, chị lại đi sắp những món đồ hàng mã, những bộ quần áo “cậu trạng, cô nường”, mỗi năm chị Loan mua cả 100 bộ cho các cháu. Mấy năm nay chị mua cả những tấm vải, vì chị nghĩ: “Có cháu đã mất 10 năm rồi, bây giờ chắc cũng lớn nên mua vải cho các cháu thích kiểu gì thì các cháu sẽ may”.

me-oi-dung-giet-con

Những món ăn do chính tay chị Loan nấu được bày biện ra một chiếc bàn rộng, mà với người Huế cúng kỵ vốn rất cầu kỳ, để đón các con của chị về ăn giỗ. Chị Loan tâm sự: “Các cháu đúng ra là có cha có mẹ, nhưng cha mẹ chúng đã bớt bỏ rồi nên cũng chẳng biết đi mô về mô, nếu có về thì chúng về với vợ chồng tôi chứ về mô nữa? Nên năm nào vợ chồng tôi cũng làm giỗ chung tất cả các cháu cho ấm cúng”.

Cũng mỗi năm vào dịp gần Tết là hai vợ chồng anh chị vẫn tranh thủ lên làm sạch cỏ, quét vôi và thắp hương cho những đứa con của mình để mời các con cùng tổ tiên về ăn Tết với gia đình.

Dường như, nhà chị Loan đã trở thành một địa chỉ được những người vứt bỏ con mình “ngầm” biết tới. Mà số đông là sinh viên, chị Loan cho biết gần khu vực nhà chị có rất nhiều sinh viên ở khắp các tỉnh thành trong nước về học như trường Đại học Ngoại ngữ, ĐH Luật, ĐH Kinh tế…

Chuyện sống thử, ăn ở với nhau buông thả ở một bộ phận sinh viên đã dẫn đến tệ nạn nạo phá thai bừa bãi. Có người nhờ chị chôn hộ, rồi hứa ngày mai quay trở lại… nhưng mãi chẳng thấy bóng dáng họ đâu. Cũng có những người, sau khi ra trường đi làm thành đạt mới quay lại nhà chị Loan cảm ơn và mang con mình về chôn cất đàng hoàng. Nhưng trong số 100 sinh linh tội nghiệp mà chị Loan đã lặng lẽ chôn cất, chỉ có hai người quay lại…

Chị Loan nhớ lại mấy năm trước, trong một lần đi làm nương về, tình cờ gặp hai vợ chồng đi tìm gì đó gần những ngôi mộ chị đã chôn. Nhớ lại cậu sinh viên năm xưa hẹn mình ngày mai quay trở lại, vậy mà thấm thoát đã sáu năm. Đây là lần thứ hai cậu sinh viên đó đi tìm con mình, mà trước đó anh đã làm giấu bằng một nấm mồ đất nho nhỏ, nhưng tìm mãi không thấy vì chính vợ chồng chị Loan đã xây thành cái om bằng xi măng.

Hỏi ra mới biết, anh này đã lấy vợ và lập nghiệp trong Sài Gòn, nhưng ba lần vợ mang thai đều sảy. Trong một lần đi bói, ông thầy phán rằng “đứa con anh vứt bỏ nó đang trách móc và trả thù vợ chồng anh”. Hai vợ chồng phải lặn lội về Huế tìm lại đứa con mà mình đã bỏ rơi để mang về thờ cúng đàng hoàng. Chị Loan kể: “Hai năm sau kể từ ngày hai vợ chồng nó ra mang con về thờ cúng thì gọi điện báo cho tôi có con liền rồi đó”.

Chúng tôi theo chân chị Loan đến thăm những ngôi mộ của 100 sinh linh vô tội được chị chôn cất trong phần đất của tổ tiên nhà chị.

Những ngôi mộ bé nhỏ vô danh nằm cạnh nhau, hiu quạnh và lạnh lẽo. Cũng chỉ có bàn tay ân cần chăm sóc của người phụ nữ được các cháu coi như mẹ, như người đỡ đầu của mình ghé thăm nhổ cỏ, thắp nhang.

Trước khi rời nghĩa trang Ngự Bình, chị Loan thả cái nhìn xa xăm về phía của những ngôi mộ, không nói gì nhưng đôi mắt đen bồ câu của chị rơm rớm nước mắt, những giọt nước mắt của một người phụ nữ nhân hậu đối với cả trăm đứa con nhỏ bất hạnh của mình.

Mai Tiến

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x