Cảm động chuyện người cha với hơn 42.000 thai nhi

Cứ dăm bữa nửa tháng, ông Trương Văn Năng (SN 1962) lại đi xe máy mấy chục cây số từ nhà lên TP. Huế xin thai nhi bị nạo phá ở các bệnh viện đem về chôn cất.


Tưởng chừng, cái công việc mà người dân cho là “điên rồ” ấy chỉ có trong những câu chuyện cổ tích nhưng hàng chục năm nay, người đàn ông này vẫn làm một cách đều đặn.

Giờ đây, nghĩa trang đặc biệt của ông đã rộng lớn với hơn bốn vạn sinh linh vô tôi nương tựa. Chứng kiến những hành động ý nghĩa ấy, người dân đã thân mật gọi ông là cha Năng. Người cha của những ngôi mộ đặc biệt nằm ẩn khuất trong rừng. Đặt chân đến nơi đây, chúng tôi mới hiểu hết được tấm lòng của những người khai sinh ra nó. Cái thế giới của những sinh linh vô tội mặc dù đã xanh cỏ nhưng vẫn làm nhói lòng kẻ sống.

Nghĩa trang Anh Hài, nơi chôn cất những hài nhi xấu số
Nghĩa trang Anh Hài, nơi chôn cất những hài nhi xấu số

Nghĩa trang đặc biệt

Làng vạn chài Ngọc Hồ (xã Hương Hồ, Hương Trà, Thừa Thiên – Huế) nổi tiếng không phải bởi địa hình bán sơn địa mà còn là chốn an nghỉ của hơn 4 vạn thai nhi. Men theo bờ bắc sông Hương, vượt 20 km từ thành phố, chúng tôi có mặt tại nghĩa trang Anh Hài nổi tiếng xứ Huế. Khu nghĩa trang đặc biệt này nằm cô quạnh bên sườn đồi. Những ngày mưa liên tục ở Huế khiến con đường đất đỏ chạy vào nghĩa trang trở nên trơn trượt.

Chúng tôi đến đúng lúc một lễ truy điệu và an táng chuẩn bị bắt đầu. Nhìn trước, ngó sau, chỉ thấy hai người đàn ông làm công việc này. Được biết, hàng chục năm nay, việc an táng những thai nhi xấu số chủ yếu chỉ ông Năng và một vài người dân lo liệu. Ngày hôm nay, tám thai nhi được nằm xuống cùng một chỗ. Tất nhiên, chúng không tên tuổi, không kèn trống, không người thân đưa tiễn. Sau gần một tiếng đồng hồ, công việc an táng các thai nhi mới hoàn tất.

Sau một hồi nói chuyện, ông Trương Văn Năng đưa chúng tôi về với tuổi thơ và lý giải vì sao mình lại chọn công việc đặc biệt này. Sinh ra ở xứ vạn chài, ông Năng cũng phải trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy vất vả. Để có cái ăn cái mặc, ông phải tự đi làm từ khi chưa tròn mười tuổi. Lớn lên trong đói nghèo, dường như cái khổ đã vận vào cuộc đời người đàn ông xứ Huế. Lập gia đình rồi sinh con cái, cuộc sống của ông càng túng thiếu hơn. Tất cả chỉ trông chờ vào những lần vào rừng đốn củi, săn thú.

Vất vả là vậy nhưng ông Năng không bao giờ tự ti về cuộc sống. Năm 1992, cơ duyên đã đưa ông làm quen với một nhóm cộng đồng của các bạn trẻ công giáo có tên là Sự sống. Từ đây, khu đồi phía sau nhà thờ được ông Năng cùng các bạn trẻ làm thành nghĩa trang chuyên chôn cất những thai nhi bị vứt bỏ ở các bệnh viện.

Tâm sự với chúng tôi, ông bảo, mỗi thai nhi đưa về đây có một số phận khác nhau. Có những bào thai đã thành hình nhưng vẫn bị phá bỏ, thậm chí vứt vào thùng rác, bụi cây. “Nhìn những thai nhi ấy, dù không biết con của ai nhưng tôi vẫn luôn coi như máu mủ, ruột thịt của mình”, ông Năng bộc bạch. Nhiều lần chứng kiến những người mẹ đang tâm bỏ thai, ông cảm thấy đau xót vô kể. Rồi thời gian dài tiếp xúc với những sinh linh bé nhỏ, hình ảnh những túi bóng đựng thai nhi bị vứt đi trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong lòng ông.

Khi những sinh linh vô tội được đưa về đây, ông Năng gom lại rồi đem chôn cất. Mỗi ngôi mộ như vậy có thể có đến 20 – 30 thai nhi. Bởi diện tích nghĩa trang có hạn nên ông phải làm như vậy. Mỗi khi từ các bệnh viện về, ông Năng một mình truy điệu, an táng và tự tay mình xây cất ngôi mộ cho những đứa con. Mỗi tuần, nghĩa trang Anh Hài đón nhận từ 35 – 40 hài nhi xấu số.

Đến nay, đã có hơn 42.000 sinh linh bị chối bỏ được đưa về đây mai táng. Những nấm mồ nhỏ xíu nằm kề bên nhau không tên, không tuổi. Trên thánh giá chỉ khắc ngày lập mộ. “Mỗi lần ra nghĩa trang, tôi chỉ muốn đi về phía cuối. Lúc ở xa tôi càng muốn xuống. Vì tôi cảm thấy ở đó cần mình hơn. Nhiều người hỏi vì sao tôi an táng chung các cháu, tôi trả lời thành thật là vì không có đất. Hơn nữa, tôi làm như thế khiến mấy đứa nhỏ nằm bên nhau đỡ lạnh lẽo”, cha Năng nói.

Những ngôi mộ bé xíu khang trang và nằm ngay ngắn thẳng tắp. Nhiều mộ mới được xây cất cũng đã được chính bàn tay anh thắp nhang. Tượng Đức mẹ và cậu bé thiên thần đặt trang trọng chính giữa khuôn viên nghĩa trang. Bên trái, bên phải được khắc những dòng thơ giản dị như tiếng kêu cứu của hàng vạn thiên thần bị chối bỏ khiến nhói lòng người viếng thăm.

nghia-trang-thai-nhi-ngoc-ho-hue-2

Những ngày lễ tết, những ngôi mộ không cha mẹ, không họ hàng thân thích tới thăm. Tất cả những ngôi mộ ở đây đều vô danh và cùng chung một nỗi đau bị tước bỏ quyền sống từ khi còn trong lòng mẹ. Ông Năng bảo, chỉ riêng vài năm trở lại đây, số các thai nhi đã nhiều gấp trăm lần.

Nghĩa trang càng rộng nỗi đau càng lớn

Hàng ngày, ông Năng ra khu nghĩa trang thắp hương, phát rừng tìm đất lập mộ làm chốn yên nghỉ cho các bào thai sắp được đưa về. Đất ở đây cứng, hơn nữa đã ở cái độ tuổi bên kia cuộc đời nên ông chỉ đào được huyệt sâu từ 20 – 30 cm. Khu nghĩa trang rộng lớn là kết quả của tình thương, công sức không riêng ông Năng mà còn của cả nhiều người có tâm huyết. Những sinh linh bất hạnh nằm lại nơi nghĩa địa cô quạnh may mắn được ông chăm chút và hương khói mỗi ngày.

Kinh phí mua xi măng, cát đá phục vụ xây mộ được nhóm Bảo vệ Sự sống và nhiều người hảo tâm giúp đỡ. Nhiều người lặn lội từ TP.HCM đến chỉ để thỏa một tâm niệm được thắp nén hương cầu nguyện cho linh hồn các hài nhi.

Ông Năng là một người cha, người chồng trong gia đình đông con nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện thôi không làm công việc phúc đức này nữa. Mặc dù quanh năm phải lo cơm, áo, gạo, tiền nhưng tình nghĩa với những đứa trẻ vẫn còn đó. Nhiều khi, ông bỏ những công việc gia đình để đi chăm sóc những đứa trẻ ở nghĩa trang. May mắn, sự ủng hộ từ người vợ hiền và những đứa con là động lực lớn để anh dồn hết tâm sức vào công việc. Nhiều hôm cả gia đình cùng giúp anh nhổ cỏ, thắp nhang cho các phần mộ. Ở tuổi 50, hàng ngày ông Năng vẫn lao tâm hết mình với công việc. Mười chín năm, thời gian không phải ngắn ngủi đối với một công việc của đời người.

Sống nửa thế kỷ, ông chỉ có một ước nguyện là được dồn hết tâm sức cứu rỗi, sưởi ấm cho những thai nhi bé bỏng cô đơn, bất hạnh. Những ai đã đến nghĩa trang Anh Hài khi ra về hẳn đều mang trong mình nhiều cảm xúc. Số phận những đứa trẻ không có cơ hội làm người ấy giờ đây được trái tim nhân hậu của người đàn ông bao bọc, chở che. Nhìn nghĩa trang rộng lớn, khang trang nhưng lòng ông Năng lại quặn thắt. Nghĩa trang càng rộng đồng nghĩa người phá thai càng lớn. Những sinh linh chưa được chào đời lại chết một cách vô tội, xót xa lắm. “Tôi sẵn sàng làm công việc này đến cuối đời nhưng vẫn mong sao, nghĩa trang không phải mở rộng thêm nữa”, ông Năng bộc bạch.

Hàng ngày, vẫn có không ít người lặng lẽ đến nghĩa trang thắp hương và khóc lóc thảm thiết. Đó là những người mẹ vì những lý do bất đắc dĩ, đành phải làm việc tội lỗi là phá đi đứa con sắp chào đời của mình. Ngôi nhà ven đồi của ông Năng lại trở thành nơi trò chuyện của những người bất hạnh với chủ nhân của khu nghĩa trang đặc biệt này. Ông Năng vui vì bên cạnh việc tìm chốn an nghỉ cho người chết, ông còn là người bạn, chia sẻ những bất hạnh với người sống để người ta từ đó sống tốt hơn sau một lần lầm lỡ.

Nơi người sống tạ tội

Anh Hài là tên của một nhóm thiện nguyện, chuyên tư vấn giúp đỡ những người có ý định phá thai. Mục đích tối cao của nhóm là hạn chế đến mức có thể việc nạo phá thai. Trong quá trình hoạt động, nếu không khuyên can thành công việc nạo phá thai, các thành viên của nhóm đã gợi ý xin xác con trẻ về chôn cất. Nghĩa trang Anh Hài ra đời, và trở nên nổi tiếng từ đó. Người viếng thăm đến từ khắp nơi và có chung một nỗi niềm là thắp nén hương cho người thân của họ. Ông Năng cho biết, công việc của mình vất vả nhưng không bao giờ ông kêu than. Vì ít ra người đàn ông này đã làm cho người chết được an nghỉ, người sống có chỗ để tạ tội và sống trong sạch hơn.

Kim Thoa – Phạm Phạm

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x