Đó là bà Trần Thị Hường – người mẹ của những cô gái lỡ làng, trong nhóm bảo vệ sự sống chống phá thai.
- Có nên cho trẻ sơ sinh nằm nghiêng khi ngủ?
- Nghẹn lòng hình ảnh “mẹ ôm bé chết lưu” lay động triệu trái tim cộng đồng mạng
- Kỳ diệu ca sinh non của người mẹ từ chối phá thai
- Dạy Trẻ Thông Minh Với 5 Hiệu Ứng Tâm Lý Nổi Tiếng
Bảo vệ sự sống bằng tình yêu thương
Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với bà như một cơ duyên vậy. Qua tiếp xúc với một số bạn trẻ đang hoạt động tại nhóm bảo vệ sự sống Hà Nội, chúng tôi biết về bà như một cựu thành viên của nhóm, một người truyền lửa cho hoạt động bảo vệ sự sống.
Bà hồi trẻ vốn là kỹ sư làm việc tại Bộ năng lượng, nhưng hơn chục năm nay bà dành hết thời gian của mình cho hoạt động bảo vệ sự sống, bất cứ người nào lỡ lầm mang bầu không được gia đình thừa nhận, người yêu chối bỏ, sợ dư luận, sợ cơ quan… đều tìm đến với bà.
Theo lời kể của bà, ngày xưa khi còn trẻ bà thường nhận giúp đỡ những cô gái lỡ lầm, bà tạo công ăn việc làm và đỡ đần cho tới khi sinh nở mẹ tròn con vuông, bà gửi vào nhà người thân, người quen có thể giúp việc nấu nướng, hay giặt giũ quần áo, phụ giúp việc nhà, phần vì chi phí sinh hoạt phần vì tránh ánh mắt soi mói người đời.
Bà cẩn thận chỉ bảo tận tình và thường xuyên tâm sự, ngoài ra bà còn đi xin các vật dụng để chuẩn bị cho ngày vượt cạn, quần áo tã lót cho em bé… có rất nhiều, rất nhiều những trường hợp khác. Mãi cho đến những năm 2006-2007, mới thành lập nhóm bảo vệ sự sống, lúc đầu chỉ có dăm bảy người, công việc chủ yếu là đi nhặt các thai nhi ở cơ sở nạo phá thai, đem về tắm rửa và chôn cất.
Theo bà dù thai nhi chưa được sinh ra nhưng đã là linh hồn, là con người cần phải được đối xử xứng đáng như một con người. Nhìn những thai nhi nằm trong sọt rác hay trong gói giấy báo đơn sơ, thật không khỏi đau xót.
Bà tâm sự, trong những lần đầu tiên ấy, bà ấn tượng với một thai nhi tầm 6 tháng tuổi, trong một đêm mưa gió, tầm 22h bà nhận cuộc gọi đến phòng nạo phá thai nhận thai nhi, do dự vì ông nhà ốm nhưng đến 24h bà quyết định đi, đến nơi thì không thấy gì cả, nhìn xung quanh thấy một bọc màu đen, lúc đấy bà vừa sợ vừa lo lắng. Đó là thai nhi ấn tượng nhất mà bà nhặt về tắm rửa và cũng là lần đầu tiên bà tiếp xúc với thai nhi trong những ngày đầu đi làm công việc bảo vệ sự sống của mình.
Không chỉ tư vấn qua điện thoại, qua người thân bạn bè, bà còn có cả một kênh tư vấn qua mạng xã hội, những người cần giúp đỡ họ gửi tin nhắn đến cho bà để được tư vấn và trợ giúp, nhờ đó mà hàng ngàn thai nhi đã được cứu sống, và không chỉ cứu sống đứa con mà bà còn cứu luôn cả người mẹ – những người đang muốn hủy đi mạng sống con mình.
Những sự hy sinh thầm lặng
Bà Hường cho biết, hiện nay nhóm Bảo vệ sự sống (BVSS) tại Hà Nội có hơn 100 thành viên, trong đó có nhiều thành viên gần như thường trực, gắn bó với công việc này như là chính cuộc sống vậy. Bất kể đêm hôm, mưa gió, hễ được tin báo có thai nhi bị phá bỏ cần mai táng là họ lên đường đi nhận ngay.
Những sự hy sinh thầm lặng
Công việc của nhóm gồm từ việc đi tuyên truyền, cung cấp kiến thức về sinh sản cho giới trẻ và những cặp vợ chồng sắp cưới, tìm đến những bệnh viện phụ sản thuyết phục các cô gái, bà mẹ trẻ đừng nạo phá thai cho đến việc cung cấp một mái nhà, một chỗ ở tạm thời cho những bà mẹ đơn thân đang mang bầu chờ đến ngày sinh nở mẹ tròn con vuông, cứu những đứa trẻ ngay trên bàn nạo thai, và cuối cùng là chôn cất những thai nhi đã bị nạo bỏ.
Một công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng ít ai ngờ được những khó khăn mà bà và các bạn gặp phải, sự kỳ thị hay nghi hoặc, những ánh mắt thiếu thiện cảm, có người còn nghi ngờ bà tư vấn để buôn người hoặc bán nội tang…Công việc của họ cũng đối mặt với nhiều nguy cơ dịch bệnh từ những thai nhi bị phá bỏ.
Hiện nay nhóm phân công nhau đi lấy thai nhi ở các bệnh viện, phòng khám đều đặn trong tuần, đa số đều là sinh viên dưới sự hướng dẫn của bà, từ cách tiếp cận đến việc chăm sóc tư vấn.
Sự sống là một điều kỳ diệu, có những đứa trẻ được bà Hường và các nhóm BVSS cứu sống ngay trên bàn nạo thai, đặt tên, nuôi nấng, chăm nom cho đến khi tìm được cho các em một mái ấm gia đình là một cặp vợ chồng hiếm muộn nào đó nhận về nuôi. Tất cả những công việc này họ đều làm với tinh thần tự nguyện và với sự đóng góp của những ai có lòng hảo tâm, còn lại mọi người tự tìm kinh phí bằng nhiều cách.
Bà Hường tâm sự “Có trường hợp em bé vẫn còn sống, hơi thở thoi thóp, tôi vui mừng đến nỗi nước mắt ngắn dài rơi trên gò má lúc nào không hay, vội vàng đưa đi cấp cứu và cứu sống được bé. Hạnh phúc nhỏ nhoi từ những lần tư vấn thành công, những thai nhi được giữ lại hay những cô gái nhận ra lỗi lầm và quyết tâm sống để nuôi dưỡng đứa bé, rồi sau đó các cô có cuộc sống ổn định, có người yêu thương… đã tạo nên tiếng cười, sự lạc quan cho tôi cũng như các thành viên trong nhóm, dẫu rằng đây là công việc khó khăn”.
Trong ánh mắt chứa đầy tâm sự, bà hồi tưởng lại một trường hợp cô sinh viên còn rất trẻ tuổi, tâm sự với bà đã 4 lần phá thai và đang có ý định để phá thai lần thứ 5, kể đến đây giọng bà như nghẹn lại, chúng tôi hiểu đó là tâm trạng của người mẹ lo lắng cho những đứa con của mình, bà cũng nhắn nhủ: “Đừng sống qua vội vàng, phải có sự tìm hiểu kỹ càng, làm người cần phải có lòng tự trọng cho riêng mình, đặc biệt là các bạn gái, để sau này không phải hối tiếc”.
Cứ như thế, từ chục năm nay bà vẫn luôn hoạt động thiện nguyện một cách âm thầm, bà luôn mong muốn có thật nhiều những cánh tay nối dài bảo vệ sự sống, tạo nên sự phát triển văn minh của xã hội.
Theo Công Lý