Yếu tố Rh âm tính, dương tính không ảnh hưởng đến sức khỏe chung của mẹ bầu. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu nhóm máu Rh âm, thai nhi mang nhóm máu Rh dương, cả mẹ và bé cưng đều có thể gặp nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
- 4 lưu ý quan trọng khi chăm bé mới sinh (infographic)
- Mặc đồng phục học sinh đi phá thai
- Những điều bà bầu nên và tránh
- Bầu đã ăn cơm đúng cách?
Xét nghiệm máu là một trong những “thủ tục” quan trọng mẹ bầu cần thực hiện ngay từ khi mới biết mình mang thai, càng sớm càng tốt. Xét nghiệm này sẽ giúp bầu xác định nhóm máu và yếu tố Rh, một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Vậy, bạn đã biết gì nhóm máu Rh và những tác động của nhóm Rh đến thai kỳ?
Nhóm máu Rh âm tính là gì? Dương tính là gì?
Để xác định nhóm máu, các chuyên gia dựa trên những kháng nguyên, những protein có trên bề mặt bế bào máu và có thể gây ra phản ứng từ hệ miễn dịch. Chẳng hạn, các tế bào hồng cầu của người nhóm máu A đều chứa kháng nguyên A, những người nhóm máu B có kháng nguyên B, nhóm AB vừa có kháng nguyên A, vừa có kháng nguyên B. Với người nhóm máu O, các tế bào hồng cầu không mang kháng nguyên nào cả.
Kháng nguyên Rh cũng là một loại protein xuất hiện trên bề mặt tế bào hồng cầu, dùng để phân chia 4 nhóm máu A, B, AB và O thành nhiều loại máu khác nhau như: Nhóm máu Rh âm tính (Rh-) và nhóm máu Rh dương tính (Rh+). Nếu bạn thuộc nhóm máu Rh+, các tế bào hồng cầu sẽ mang kháng nguyên Rh. Ngược lại, nếu thuộc nhóm Rh- đồng nghĩa với việc tế bào hồng cầu của bạn không mang kháng nguyên Rh.
Hiểm nguy rình rập khi mẹ bầu nhóm máu Rh âm
Trong điều kiện bình thường, yếu tố Rh hoàn toàn không gây bất kỳ vấn đề tiêu cực nào đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc nhóm Rh- và mang thai, bạn và em bé có thể gặp nguy hiểm.
Giống như người nhóm máu A không thể truyền máu nhóm B, người mang nhóm máu Rh- nếu được truyền vào cơ thể máu có Rh+, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể chống lại kháng nguyên Rh. Nếu tiếp tục truyền máu Rh+, kháng thể đã sản sinh lần trước đó sẽ tấn công máu được truyền vào.
Điều này có nghĩa, nếu trong thời gian mang thai, nếu máu Rh+ của bé cưng lẫn vào máu Rh- của mẹ, cơ thể mẹ sẽ sản sinh kháng thể tấn công máu của bé cưng, phá hủy hồng cầu và làm cho thai nhi bị thiếu máu, nguyên nhân gây bệnh tan máu hay còn gọi thiếu máu tán huyết. Không chỉ làm thai nhi thiếu máu, bệnh có thể gây một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như vàng da, tổn thương não, suy tim… Thậm chí nhiều trường hợp có thể gây sảy thai, thai chết lưu vì thai nhi thiếu máu quá nhiều. Đặc biệt, mẹ bầu đã từng sảy thai, nạo thai, mang thai ngoài tử cung, sinh thiết gai nhau hoặc truyền máu sẽ có nguy cơ bị lẫn máu cao hơn bình thường.
Phòng ngừa nguy cơ bất đồng nhóm máu Rh khi mang thai
Để hạn chế nguy cơ bất đồng nhóm máu mẹ và thai nhi, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu nên làm xét nghiệm máu để xác định nhóm máu và nhóm Rh. Nếu mang nhóm máu Rh-, bạn sẽ được chỉ định làm xét nghiệm kháng thể chống kháng nguyên Rh trong máu. Mẹ bầu cũng sẽ được tiêm huyết thanh miễn dịch Rh (Rhlg) để phá hủy và ngăn chặn tế bào hồng cầu Rh+ từ máu thai nhi lẫn sang máu mẹ bầu.
Huyết thanh miễn dich Rh gồm 2 mũi. Mũi đầu sẽ được tiêm vào tuần thai 28. Mũi thứ 2 sẽ được tiêm trong vòng 72 giờ đầu sau sinh. Huyết thanh này chỉ có tác dụng 1 lần. Vì vậy, nếu mang thai lần 2, bạn vẫn cần được tiêm phòng Rhlg một lần nữa. Những phụ nữ từng sảy thai, thai ngoài tử cung hoặc đã từng nạo, phá thai cũng cần tiêm phòng Rhlg để ngăn chặn nguy cơ phát triển kháng thể chống lại kháng nguyên Rh.
Trong trường hợp cơ thể mẹ bầu đã xuất hiện kháng thể chống kháng nguyên Rh, việc tiêm huyết thanh miễn dịch sẽ không còn tác dụng. Vì vậy, những mẹ bầu mang nhóm máu Rh cần thăm khám thường xuyên để hạn chế nguy cơ ở mức thấp nhất. Một số trường hợp thai nhi bị thiếu máu nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định việc truyền máu. Cách này sẽ giúp ổn định lượng hồng cầu cũng như giảm thiểu tối đa những tổn thương các kháng thể kháng Rh gây ra.
Theo Marrybaby