Nhiều mẹ bầu thắc mắc tại sao trong thai kì lại thường xuyên phải xét nghiệm nước tiểu. Đó là vì các bác sĩ cần kiểm tra và tìm cách chữa trị sớm nếu chẳng may mẹ bầu bị nhiễm trùng đường tiểu
- Giúp con thông minh ngay từ trong bụng mẹ
- 30 quy tắc dạy con của người Nhật
- Thai phụ siêng tập thể dục đẻ con thông minh hơn
- Người mẹ nuôi con bại não đỗ đại học Harvard
Khi nghe cụm từ “nhiễm trùng đường tiểu”, bạn có thể nghĩ đến nhiễm trùng bàng quang và các triệu chứng kèm theo – như cảm giác thường xuyên mắc tiểu và đau rát khi đi tiểu. Tình trạng viêm đường tiết niệu khi mang thai có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào trong ống tiểu, bắt đầu từ thận – nơi tạo ra nước tiểu; sau đó qua các ống niệu xuống đến bàng quang, nơi nước tiểu tích tụ trước khi tiểu; và kết thúc ở niệu đạo – một ống ngắn đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể.
Nhiễm trùng đường tiểu có thể gây nguy hiểm cho thai nhi
Nhiễm trùng đường tiểu thường được gây ra bởi vi khuẩn từ da, âm đạo, hay trực tràng xâm nhập vào niệu đạo và đi ngược dòng. Thông thường, vi khuẩn ngừng lại trong bàng quang và phát triển lên ở đó gây viêm.
Nhưng vi khuẩn cũng có thể đi từ bàng quang, đến ống niệu, làm nhiễm một trong các ống đó hoặc cả hai thận. Nhiễm trùng thận (hay còn gọi là viêm thận bể thận) là một trong các biến chứng nặng nhất của thai kỳ. Nhiễm trùng có thể lan qua máu và đe dọa tính mạng.
Nhiễm trùng thận có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi, làm tăng nguy cơ sinh non và bé sinh ra bị nhẹ cân, và cũng làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Các mẹ bầu nằm trong nhóm dễ mắc bệnh
Các nghiên cứu cho rằng, có thai sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng thận. Nồng độ cao hormon progesterone làm giảm trương lực cơ của các ống niệu (các ống giữa thận và bàng quang), làm cho các ống bị giãn ra và làm dòng tiểu bị chậm lại. Hơn nữa, do tử cung lớn có thể đè nén các ống niệu, gây khó khăn cho nước tiểu chảy qua không nhanh và thoải mái như bình thường.
Bàng quang có thể mất trương lực trong quá trình mang thai. Sẽ khó khăn hơn khi bàng quang dễ bị chảy ngược và nước tiểu chạy ngược lên các ống niệu hướng về thận.
Kết quả của những thay đổi này là nước tiểu sẽ phải đi qua các ống tiết niệu lâu hơn và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và giữ lại trước khi bị thải ra, và do đó vi khuẩn sẽ dễ dàng di chuyển lên thận. Ngoài ra, trong quá trình mang thai nước tiểu sẽ kém có tính acid và thường chứa đường, môi trường thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn.
Những triệu chứng của viêm đường tiết niệu khi mang thai
Triệu chứng nhiễm trùng tiểu có thể rất khác nhau ở mỗi phụ nữ. Các triệu chứng chung bao gồm:
- Đau, cảm thấy không thoải mái, bỏng rát khi đi tiểu và có thể trong khi giao hợp
- Cảm thấy không thoải mái ở khu vực xương chậu hoặc đau bụng dưới (thường ngay trên xương mu)
- Cảm giác thường xuyên buồn tiểu hay không kiểm soát, dù chỉ có rất ít nước tiểu trong bàng quang.
- Có thể nước tiểu sẽ có mùi hôi hoặc đục. Hoặc có thể trong nước tiểu sẽ có máu.
Các biện pháp phòng tránh nhiễm trùng đường tiểu
- Uống nhiều nước, ít nhất 8 ly nước (ly 200ml) một ngày
- Không nên nén tiểu. Cố gắng đi tiểu ngay khi mắc.
- Sau khi đại tiện, vệ sinh bằng cách lau từ trước ra sau để tránh phân từ sau dính vào niệu đạo
- Giữ sạch bộ phận sinh dục bằng xà phòng trung tính và nước.
- Vệ sinh bộ phận sinh dục và tiểu trước và sau khi giao hợp.
- Uống nước ép nam việt quất. Các nghiên cứu cho thấy nước ép nam việt quất và các trái cây cùng họ với nó, như lingonberry – có thể làm giảm nồng độ vi khuẩn và ngăn chặn vi khuẩn mới trong đường tiểu. (Uống nước ép nam việt quất không điều trị việc đang nhiễm, mặc dù vậy, nếu có triệu chứng, cần phải khám bác sĩ ngay để được điều trị bằng kháng sinh.)
- Tránh sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ (dạng phun hay dạng bột) và xà phòng gây kích ứng niệu đạo và bộ phận sinh dục, làm môi trường phát triển tốt cho vi khuẩn. Lưu ý không thụt rửa âm đạo trong khi mang thai.
Theo Marrybaby