Xuất thân là trẻ lang thang, từ bé sống lưu lạc nơi đầu đường xó chợ nên anh luôn khát khao tình mẫu tử. Trở thành bác sĩ, anh không lao vào chuyện kiếm tiền mà dồn toàn tâm giúp đỡ bệnh nhân ung thư, người bị nhiễm AIDS và cả những thai phụ có ý định phá thai, giúp họ đến ngày mẹ tròn con vuông… Anh là bác sĩ Trương Thế Dũng, 43 tuổi ở quận Tân Bình, TPHCM.
- Em
- Câu chuyện về bé Walter làm thay đổi các tranh luận về phá thai
- Hành trình 7 năm chôn cất hài nhi của một lão nông
- Thai nhi tuần 1
Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!
Tháng 4/2004, khi đang khám chữa bệnh cho đồng bào K’ho ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, bác sĩ Trương Thế Dũng nhận được cuộc gọi của một nữ sinh viên tên Thủy, người tỉnh Bạc Liêu khóc, nói: “Em lỡ với bạn trai nên có thai hơn 4 tháng. Khi biết em mang bầu, bạn trai đưa cho em 2 triệu đồng, bảo đi phá thai và từ đó đứt liên lạc. Bác sĩ ơi giúp em…”.
Nhắc lại chuyện xưa, bác sĩ Thế Dũng, bộc bạch: “Tại thời điểm đó, tôi làm việc ở khoa sản một bệnh viện tại quận 7, và tham gia vào một tổ chức nhân đạo chuyên chăm sóc, giúp đỡ, cưu mang người bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. Nhiệm vụ của tôi là tư vấn, khám thai, đọc hình ảnh siêu âm cho thai phụ… Trong quá trình làm việc, có rất nhiều bà mẹ tương lai tìm đến yêu cầu nạo phá thai vì nhiều lý do, vì vỡ kế hoạch, vì lỡ lầm với bạn trai, vì bị lừa tình”.
Sau khi gặp Thủy, bác sĩ Dũng tìm thuê một căn phòng ở quận Thủ Đức rồi đưa cô bé đến đó ở và lo cho đến khi Thủy sinh con. Tại địa chỉ 104-106 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình – nơi hội tụ nhiều tấm lòng nhân ái của các thành viên Đoàn y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin do chính anh sáng lập, câu chuyện giữa chúng tôi và hành trình san sẻ yêu thương của anh với trẻ sơ sinh bị đấng sinh thành ruồng bỏ và nhiều cảnh đời cơ hàn, đáng thương khác được anh cưu mang.
Những lúc tiếp nhận các thai phụ như thế, bác sĩ Thế Dũng với lương tâm người thầy thuốc đã khuyên họ giữ lại giọt máu của mình nhưng hầu hết đều nhất quyết “phá cho bằng được”. Có người hỏi thẳng tôi: “Em cùng đường lắm mới quyết định phá, nay bác sĩ bảo giữ lại, vậy bác sĩ có lo cho em đến lúc sinh nở không?”. Khi thấy ông bác sĩ không đắn đo mà quả quyết: “Tôi sẽ lo cho chị đến lúc sinh bé, nếu muốn, sau khi sinh chị cứ việc mang bé về, bằng không cứ để bé lại tôi nuôi. Các thai phụ từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Dù vậy họ không tin tôi nói thật, họ cứ nghĩ tôi đùa nên nhất quyết phá thai” – bác sĩ Thế Dũng kể chuyện.
Ngày ngày chứng kiến những bà mẹ lỡ lầm đi hủy bỏ mầm sống trong cơ thể mình mà bác sĩ Thế Dũng đau lòng quá đỗi. Anh quay quắt với trăn trở rằng những sinh linh vừa tượng hình, có bé hãy còn đỏ hỏn kia nào có tội tình gì để phải lãnh bản án tử hình từ sự lầm lỡ của những người là mẹ, là cha chúng. “Tôi muốn các bà mẹ giữ lại thai nhi phần vì không nỡ thấy các bé chết khi chưa chào đời, phần vì không muốn một mai này, đấng sinh thành của các bé sẽ ân hận, day dứt khôn nguôi khi làm điều bất đắc dĩ phải vô nhân ấy” – bác sĩ Thế Dũng cho biết thêm.
Lận đận phận mồ côi
Đề cập đến nỗi đau và sự khốn khó của người nghèo, bệnh nhân cần giúp đỡ anh Dũng hứng khởi chia sẻ, nhưng khi nói về mình, anh lại kiệm lời. Hỏi ra mới biết anh xuất thân từ trẻ lang thang, khi còn đỏ hỏn thì anh mất bố, lên 5 anh lạc mẹ và được người đi đường đưa vào cô nhi viện ở Đà Nẵng. Năm 10 tuổi, khát khao tìm mẹ nên anh trốn khỏi cô nhi viện, từ đó bắt đầu những năm tháng sống lưu lạc nơi đầu đường xó chợ…
Một ngày nọ, trong một chuyến tuần tra ở ga Đà Nẵng, thấy cậu bé dáng gầy nhom nằm co ro giữa màn sương lạnh giá, anh công an viên tên Trương Minh Tuấn (đã mất) thương tình hỏi thăm và đưa Dũng về nhà một người quen ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam cưu mang. Thấy cậu bé có đôi mắt sáng, gương mặt thông minh nên một cô giáo ở gần nhà đã tình nguyện dạy học cho Dũng, những mong khi biết đọc biết viết, mai này lớn lên vào đời cậu bé sẽ đỡ phần thua thiệt.
Năm 1998, Dũng đỗ Trường Đại học Y Huế. Nhưng do điền kiện quá khó khăn nên anh ngậm ngùi chuyển sang học ở Trường trung cấp y Trung ương 2 tại Đà Nẵng cho đỡ tiền học phí. Tốt nghiệp trung cấp y, với mong muốn học lên để có thể phát huy khả năng chuyên môn giúp đỡ bệnh nhân nghèo, y sĩ Thế Dũng khăn gói vào TPHCM học chuyên tu. Trai miền Trung đầy nắng gió độc hành giữa trời Nam phồn hoa đô hội, để có thể tự nuôi mình và nuôi ước mơ trở thành bác sĩ, anh đã phải làm đủ thứ nghề bưng bê, bán buôn nặng nhọc. Vượt qua muôn vàn khó khăn, rồi anh cũng trở thành bác sĩ.
Cuộc đời là những chuyến đi
“Người nghèo sợ nhất là mắc bệnh hiểm nghèo. Khi chẳng may lâm trọng bệnh, họ thường chọn giải pháp cắn răng chịu đựng cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Tôi chứng kiến quá nhiều nỗi đau ấy nên dốc lòng với họ. Mình không có tiền muôn bạc vạn thì an ủi, động viên họ về mặt tinh thần, làm cầu nối giữa họ với những tấm lòng hảo tâm, giúp họ đi con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất để có thể tiếp cận với chính sách hỗ trợ từ các chương trình xã hội”, bác sĩ Thế Dũng chia sẻ.
Lặng lẽ san sẻ yêu thương như thế, sau lần “bảo kê” cho cô nữ sinh lỡ lầm sinh con, biết nghĩa cử hào hiệp của bác sĩ Thế Dũng, đồng nghiệp tại các bệnh viện, nhân viên công tác xã hội khắp nơi hễ tiếp cận những thai phụ có ý định phá thai là giới thiệu hoặc báo tin cho anh. Những lần tiếp cận các thai phụ, sau trường hợp của Thủy, anh thuyết phục được 4 thai phụ khác là sinh viên, là nữ công nhân ở các khu công nghiệp giữ thai và lo cho họ đến ngày sinh nở.
“Sau khi những người mẹ vượt cạn và ra đi, bác sĩ Thế Dũng lấy họ của mình đặt tên cho các bé, làm khai sinh và đưa các cháu bé về nhà thuê nằm trên đường Bạch Đằng chăm nuôi… Điều hạnh phúc là đến nay đã có 3 cháu bé được người thân đón về”.
Dược sĩ
Trương Phúc Trinh,
Phụ trách khâu dược
Đoàn Niềm Tin chia sẻ về đồng nghiệp của mình
Cuộc sống cứ thế dần trôi trong sự tất bật và san sẻ hết mình của ông bác sĩ cơ hàn với những số phận cũng nghèo khó như anh. Để có điều kiện trang trải cuộc sống và giúp mọi người, ngoài giờ khám bệnh ở các bệnh viện và làm công tác xã hội, bác sĩ Thế Dũng mở tiệm băng đĩa tại nhà thuê. Làm được đồng nào là anh giúp người, đặc biệt là nuôi và tham vấn cho nhiều bệnh nhân ung thư. Vì quý trọng tấm lòng của bác sĩ Dũng, dược sĩ Cúc – Chủ nhà thuốc Cúc đã trao hẳn nhà thuốc cho anh để có thêm thu nhập và có điểm tiếp nhận bệnh nhân cơ hàn.
Câu chuyện về một bác sĩ nghèo rớt mồng tơi, ở nhà thuê nhưng hết lòng với những cảnh đời bất hạnh đã làm lay động nhiều người. Từ năm 2008 đến nay, không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ người nghèo trong phạm vi thành phố, anh tổ chức nhiều chuyến thăm khám cho đồng bào ở các vùng sâu xa, những nơi mà xe không tới được ở khắp các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long. Không những thế, anh còn cùng các thành viên đồng chí hướng xuất ngoại sang Campuchia thăm khám, tặng quà cho cộng đồng người Việt sinh sống tại Campuchia.
“Bà con người Việt mình bên ấy có một bộ phận không nhỏ sống cực lắm. Nơi chúng tôi thường đến là khu Đồng nhà cháy với khoảng 1.000 hộ gia đình người Việt quần cư ở quận ngoại thành Miêng-chay. Do phải chạy ăn từng bữa nên khi đau bệnh bà con không có điều kiện đến bệnh viện, không dám đến bệnh viện. Nhiều người bệnh càng tiến triển nặng và đón cái chết đau đớn mà lẽ ra có thể chữa trị được” – bác sĩ Thế Dũng trăn trở.
Theo Tiền Phong