Mang nỗi ám ảnh về những hài nhi xấu số bị vứt bỏ, hơn 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Nhiệm vẫn hàng ngày miệt mài đến gõ cửa từng phòng khám để “xin” các hài nhi xấu số về chôn cất, nhang khói cho các bé tại nghĩa trang Đồi Cốc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
- Cuộc chiến giành giật sự sống của bé sinh ra từ mẹ bị ung thư
- 5 tác hại không ngờ khi trẻ sơ sinh ngủ dưới ánh đèn quá sáng
- Một nghiên cứu của Ấn Độ : phá thai làm tăng nguy cơ ung thư vú
- Thai nhi có phải là trẻ em?
Nỗi ám ảnh từ những hài nhi xấu số
Nghĩa trang Đồi Cốc nằm hiu quạnh ngay sát cánh đồng của xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Chỉ cách Hà Nội khoảng 20km nhưng ít ai biết rằng đây là nơi an nghỉ của hàng chục vạn hài nhi xấu số, chưa kịp chào đời vì lý do nào đó.
Hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Nhiệm, ở thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân ròng rã không kể ngày nắng hay mưa, đông hay hè, mỗi ngày hai lần bà tới gõ cửa các phòng khám, cơ sở y tế có dịch vụ nạo phá thai để xin xác hài nhi bị cha mẹ bỏ rơi, mang về nghĩa trang Đồi Cốc để chôn cất.
Theo bà Nhiệm, suổt những tháng năm qua, việc chôn cất thai nhi là việc đã quá quen thuộc, nhưng chưa bao giờ bà thôi xót xa.
Vừa cầu nguyện cho những vong linh xấu số, bà Nhiệm từ từ kể cho chúng tôi nghe về “duyên kiếp” với nghiệp chôn cất hài nhi. Ngay từ bé, khi chứng kiến các hài nhi bị bỏ rơi, trong đó, nhiều thai nhi chết yểu bị vứt ra đường rất tội nghiệp, bà không thể cầm lòng. “Cách đây chừng 10 năm, tôi đi chợ ở xóm bên cạnh thì có người phát hiện một xác hài nhi ngay trên đường. Thấy thương quá nên tôi đem về chôn. Nghĩ nhiều lắm, rồi tôi quyết định chôn ở ngoài ruộng của nhà mình“, bà Nhiệm nhớ lại.
Chuỗi ngày bắt đầu công việc chôn cất các sinh linh bé nhỏ, bà Nhiệm không tránh khỏi những lời đàm tiếu, dị nghị.
Nhưng rồi qua thời gian, công việc của bà nhận được sự tin tưởng, mến yêu của bà con làng xã. Nhiều người đã cùng bà làm công việc thiện nguyện này.
Sau khi được nhặt về, những sinh linh tội nghiệp được đưa vào thùng lạnh trong ngôi nhà hoang ngay giữa nghĩa trang Đồi Cốc.
Mỗi tuần, người dân Bến Cốc lại cùng thanh niên tình nguyện từ các trường đại học đến đây giúp chôn cất những sinh linh bé bỏng này.
Trước đây, mỗi ngày người dân lại tổ chức chôn cất hài nhi một lần. Nhưng vài năm trở lại đây, việc chôn cất được thực hiện theo tuần.
Mỗi khi có người đem vứt hài nhi hoặc chuyển từ bệnh viện, phòng khám về, người dân đưa vào tủ lạnh bảo quản. Có tuần, số lượng hài nhi đầy cả tủ.
Nhìn bà Nhiệm mặc cho những vong linh xấu số bộ áo mới rồi đặt ngay vào tiểu sành, chúng tôi không thôi ám ảnh. Ban đầu, người dân khi mới lượm được hài nhi thì cuốn vào chiếu, vào túi nilon, sau đó mới đem chôn. Nhưng sau này, một số tổ chức từ thiện và người dân địa phương tổ chức quyên góp tiền mua tiểu sành để tiện chôn cất.
Khi có tiểu sành, người dân dồn 5 – 6 hài nhi vào một chỗ, sau đó xây dựng các huyệt bằng gạch và xi măng sâu khoảng 1,5 m, trước khi xếp các lớp tiểu vào trong từng huyệt mộ.
Ngôi mộ chung chứa 30 nghìn sinh linh
Theo bà Nhiệm, cách đây vài năm, lượng hài nhi bị vứt bỏ ngày một tăng, những huyệt mộ sau được đào sâu hơn huyệt mộ trước, tiểu nhỏ được thay bằng tiểu lớn để có thêm diện tích… nhưng chôn mãi cũng hết chỗ.
Thế là cách đây ít lâu, người dân địa phương cùng những nhà hảo tâm quyên góp tiền mua được một mảnh đất liền kề khu nghĩa trang Đồi Cốc, để có thêm nơi chôn cất.
Ông Nguyễn Văn Thạo, người trông coi nghĩa trang Đồi Cốc cho biết, nghĩa trang này ngày càng trở nên quá tải vì số lượng hài nhi xấu số ngày một nhiều.
Những ngày đầu, dân Bến Cốc cùng “Đội bảo vệ sự sống” có quân số 7 người, thường chôn các em trong niêu đất, bất kể nhỏ hay to. Song thời gian sau đó, số lượng hài nhi nhặt về mỗi ngày một tăng.
Trong khi đất nghĩa trang lại chật, nên chính ông Thạo phải cắt một phần đất ruộng của gia đình, xây tường gạch quây lại để có thêm chỗ. Tính trung bình có khoảng 20 hài nhi/ngày, con số này sẽ tăng vào dịp cuối tuần.
Tất cả những ngôi mộ ở đây đều được chôn tập thể, có mộ chứa đến 10.000 sinh linh. Đặc biệt, ngôi mộ lớn dưới chân bức tượng chính chứa đến 30.000 hài nhi.
Hàng tháng, vào mỗi ngày rằm hoặc đầu tháng, người dân lại đem hoa quả đến ban thờ chính thắp hương để cầu mong cho những linh hồn bé bỏng sớm được siêu thoát.
Bên cạnh bàn thờ chính, người dân có đặt một hòm công đức để khách thập phương mỗi khi đến thì phát tâm ủng hộ. Tất cả số tiền này lại được dành để mua tiểu sành tiếp tục chôn cất hài nhi xấu số.
Nói về công việc thầm lặng này, ông Thạo thật thà cho biết: “Chúng tôi quen với việc này rồi và coi việc chôn cất các bé là làm phúc cho mai sau. Hy vọng, người đời khi nhìn thấy cảnh thương tâm này mà sinh lòng nhân đạo, đừng tước đi sự sống của những sinh linh bé nhỏ“.
Theo Tri Thức Trẻ