Nghĩa trang hài nhi được anh Quyền xây tường rào bao quanh, rộng đến cả nghìn mét vuông. Anh Quyền bảo, đã mất công thì cứ xây cho rộng không lỡ sau này… đất chật người đông.
- Mẹ và hành trình của trái tim con…
- Thánh lễ Thai nhi – Chúa Nhật 26/6
- Nghẹn lòng lễ chôn cất hàng trăm thai nhi xấu số
- Đau lòng vì bị ép phá thai, cô gái đã quỳ gối & cắt cổ tay tại nhà bạn trai
LTS: Tạo hóa cho con người quyền sống và khi chết đi được yên nghỉ theo những cách tôn kính nhất. Thế nhưng, với những hài nhi bị tước quyền sống ngay từ trong bụng mẹ thì còn có số phận không thể phũ phàng hơn.
Nhiều người đặt câu hỏi, ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân thì sau khi tước bỏ quyền sống, cả ngàn hài nhi ấy sẽ được chuyển đi đâu, an táng thế nào?
Trả lời câu hỏi đó, chúng tôi đã tận thấy một sự thật kinh hoàng, phần lớn những hài nhi đó được người ta chuyển thẳng vào… bãi rác.
Phần 1: Một trưa bới rác tìm được… 67 sinh linh vắn số
Phần 2: Chiếc tủ lạnh chứa đầy xác em bé và “biệt đội săn trộm” hài nhi
Phần 3: Đại ca giang hồ và “nghiệp” bới rác tìm xác hài nhi để đi chôn
Phần 5 : Đau xót chuyện hàng ngàn hài nhi phải vào “ở chung cư”
Hình ảnh không ai muốn thấy
Anh Ngô Văn Quyền kể, chuyện anh và mọi người bới rác vô tình thấy hài nhi đã khiến người dân trong vùng xôn xao. Nhiều người ở thành phố tò mò tìm đến gặp anh để xác thực thông tin đau đớn đó.
Đám trẻ con trước đây vẫn chăn thả trâu bò quanh bãi rác thì sợ hãi không dám lai vãng nữa. Khi đó, anh và những phu rác ở đây đều nghĩ, chuyện khó tin nhưng có thật ấy chắc chỉ xảy đến một lần. Tuy nhiên, anh và mọi người đã lầm.
Anh Quyền kể, khi những ám ảnh hãi hùng từ vụ “bới rác được người” trên vừa lắng thì những người tận khổ ở bãi rác ấy lại phải chứng kiến một cảnh tượng còn hãi hùng hơn.
Đêm ấy, móc rác của một người đàn bà tên Thủy đã bổ phải một bọc lạ. Đó là chiếc ống quần được túm chặt hai đầu.
Như mọi lần, hễ gặp bất cứ bọc, túi nào thì những phu rác phải mở ra và hi vọng trong đó là những món đồ có giá. Như lần trước, bà Thủy vừa xẻ chiếc ống quần ấy ra thì cũng chỉ kịp la toáng lên rồi vứt cả đồ nghề bỏ chạy thục mạng vào lều.
Mọi người túm vào hỏi có chuyện gì thì bà Thủy cứ như ngậm sỏi trong miệng, nói mãi chẳng thành lời thành tiếng.
Không đủ kiên nhẫn để nghe bà này trình bày, mọi người chạy ra chỗ bà Thủy vừa lượm rác. Tới nơi, ai cũng bủn rủn chân tay bởi trước mắt họ là thi thể hài nhi nằm bất động. Hãi hùng hơn, cổ hài nhi còn nguyên chiếc kéo cắm ngập.
“Có lẽ khi sinh ra đứa bé vẫn còn sống. Không muốn nuôi, người ta đã kết liễu nó bằng cây kéo ấy. Tôi cũng lăn lộn giang hồ, cũng từng một thời dao kiếm nhưng chưa bao giờ thấy cảnh tượng kinh hoàng đến vậy”, anh Quyền nói bằng ánh mắt hãi hùng.
Như lần trước, anh Quyền lại cùng mọi người lo chôn cất cho hài nhi phải chết theo cách không thể thảm thương hơn ấy. Nấm mộ nhỏ xíu cũng được mọi người đắp trên sườn đồi, nơi có những lùm cây lúp xúp.
Không biết có phải từ sau lần hài nhi này xuất hiện thì mọi người đã chú ý hơn với những bọc rác được gói gém cẩn thận hay bởi nạn nạo phá thai bỗng nhiên bùng phát mà anh Quyền và mọi người có duyên với “món quà ám ảnh” này hơn.
“Rộ nhất là vào những năm 2007, 2008. Có năm chúng tôi thấy đến vài ba cháu”, anh Quyền thảng thốt.
Theo người đàn ông có khuôn mặt chai sạn này thì khi đó, cứ thấy những bọc ni-lon màu đen hay những thùng xốp được chằng dán cẩn thận thì y rằng trong đó có một sinh linh xấu số.
“Gặp những thứ đó thì việc đầu tiên là chúng tôi đốt nhang bởi ai cũng biết trong đó có gì”, anh Quyền kể.
Tuy biết chắc thứ mà mình nhặt được là gì nhưng khi lần giở những “thứ đó” đó ai cũng thấy chân tay lẩy bẩy. Người run vì sợ hãi, người lập bập bởi nỗi xót xa, căm phẫn trào dâng.
Anh Quyền bảo, tạo hóa cho con người quyền sống, tuy số sướng khổ khác nhau. Thế nhưng, với những hài nhi vô danh anh và mọi người lượm nhặt được ở nơi xú uế này thì lại không được tạo hóa ưu ái.
Chúng không có quyền sống và chết thì phải vùi thân trong rác.
Nơi yên nghỉ thiên thu của “những khối hận tình”
Đến thời điểm này, anh Quyền và mọi người đã lượm nhặt được cả thảy 14 hài nhi. Chừng 4-5 năm trước, thấy việc chôn cất các bé rải rác quanh quả đồi ở bãi rác bất tiện cho việc nhang khói, anh Quyền đã đi đến một quyết định xúc động đến ngỡ ngàng.
Anh bàn với vợ dốc chút vốn liếng ít ỏi để xây nghĩa trang, quy tập các bé vào cùng một chỗ.
Nơi anh Quyền chọn để làm chốn an nghỉ thiên thu cho các bé chính là chỏm đồi có nấm mồ bé đầu tiên anh và mọi người lượm được. Chỗ đó tuy có nhiều đá tảng nhưng địa thế đẹp, quang đãng lại tiện đường đi lại.
“Cõi dương các bé đã gặp cảnh nghiệt ngã thì cõi âm phải được đàng hoàng”, khi đó anh Quyền đã nghĩ thế.
Nghĩ là làm, cứ khi nào rảnh thì anh Quyền và mọi người lại hì hục phát cây, bậy đá. Cả tháng trời lao động quần quật thì mặt bằng đã xong. Ai có vật liệu gì thì góp vật liệu đó rồi tiến hành xây cất.
Bãi rác không có nước, mọi người phải lấy xe máy thồ nước từ nhà dân cách đó cả chục cây số để phục vụ việc kiến thiết nghĩa trang.
“Chẳng biết có phải chuyện tâm linh hay không nhưng hồi để các bé mỗi đứa một nơi tôi cứ day dứt không yên, Từ khi đón các bé vào nhà mới xong tôi thấy lòng mình nhẹ hẳn”, anh Quyền thật thà.
Là người trải đời, anh Quyền chẳng tin những chuyện tâm linh huyễn hoặc. Tuy nhiên, với những hài nhi có số phận bi thảm ấy thì anh lại tin chúng… rất thiêng.
“Hình như chúng biết cách báo cho chúng tôi về sự xuất hiện của mình ở bãi rác này ấy.
Cánh lái xe ở đây có kinh nghiệm rồi, cứ khi nào xe hỏng hoặc ì máy thì y rằng thùng rác trên xe đang có hài nhi xấu số. Những khi ấy họ thường bảo chúng tôi là phải bới thật kỹ để tìm”, anh Quyền kể.
Cũng theo lời kể của “vua bãi rác” này thì cách đây 3 năm, anh và mọi người đã tìm thấy một hài nhi nằm ngay trước bánh xích của xe ủi. Và, việc phát hiện ra hài nhi này có nhiều tình tiết lạ kỳ mà đến giờ anh và mọi người cũng không thể lý giải.
Đêm đó, khi anh và mọi người vừa bới xong thì máy ủi trườn đến để đẩy đống rác đó xuống hố. Tuy nhiên, vừa tới nơi thì cỗ máy hầm hố khựng lại rồi chết máy. Tuy cả giờ cặm cụi sửa chữa nhưng bác tài nhiều kinh nghiệm cũng phải chào thua.
Sáng hôm sau, việc sửa chữa lại được tiếp tục. Và, trong lúc hì hụi sửa máy ấy, mọi người đã tá hỏa khi thấy hài nhi ấy nằm cách bánh xích có vài gang tay.
“Nếu máy ủi không bị hỏng thì bé ấy đã nát bấy rồi”, anh Quyền nhớ lại.
Nước mắt sám hối
Đã hơn chục năm nay, cứ ngày rằm, mùng một là anh Quyền lại lên đồi thắp nhang cho các bé. “Nhà có gì thì mang đến đặt lễ thôi, chẳng cầu kỳ đâu. Tôi biết, cái các bé cần là tình người mà”, anh Quyền bảo.
Nghĩa trang hài nhi vô danh nằm cách xa khu dân cư, tuy nhiên, theo anh Quyền thì từ khi quy tập các bé về, trên phần mộ của các bé hầu như ngày nào cũng có người nhang khói.
Sau này, để ý anh Quyền thấy có vài đôi thường dắt díu nhau tới đây. Anh Quyền không biết những người đó là ai bởi khi đến họ thường bịt mặt kín mít. “Thấy họ đề phòng thế thì tôi cứ kệ thôi, hỏi han cũng chẳng để làm gì”, anh Quyền cho biết.
Theo “ông chủ” nghĩa trang này thì chắc chắn những người thoắt đến rồi thoắt đi ấy chính là kẻ đã nhẫn tâm ném khúc ruột của mình vào bãi rác. Đến nghĩa trang, sau khi thắp nhang hết lượt thì có người cứ ôm mặt khóc tu tu.
“Họ thắp nhang, họ khóc để nhẹ lòng thôi. Dù gì thì mọi chuyện cũng đã xảy ra, sám hối cũng là việc nên làm”, anh Quyền chia sẻ.
Nghĩa trang hài nhi được anh Quyền xây tường rào bao quanh, rộng đến cả nghìn mét vuông. Anh Quyền bảo, đã mất công thì cứ xây cho rộng không lỡ sau này… đất chật người đông.
“Hai năm nay thì không thấy bé nào nữa. Hi vọng là người ta đã tỉnh ngộ, thôi không đối xử nhẫn tâm với giọt máu của mình nữa. Mười bốn đứa thì cũng đã quá thừa đau đớn rồi”, khi chia tay chúng tôi, rất thật lòng, anh Quyền chia sẻ.
(Còn nữa)
Theo Trí Thức Trẻ