Nghĩa trang thai nhi được thiết kế khá đặc biệt với hình 2 bàn tay, mang ý nghĩa những linh hồn bé bỏng kia sẽ được ấp ủ trong lòng bàn tay. Bên dưới mỗi ngón dài 3m rộng 0,90m và sâu 2m, chứa đựng các hài nhi với nhiều lớp chồng lên nhau…
- Chuyện về bác sĩ ‘hổng giống ai’
- “Tôi được sống là nhờ mẹ phá luật một con”
- “Mẹ ngàn lần xin lỗi con”
- Một ngày “theo chân” các thiếu nữ đi nạo hút thai
Anh thắp một nén nhang rồi đứng trâm ngâm, cúi đầu thật lâu. Đôi mắt anh ươn ướt. Chị cũng vậy, gục đầu trên vai anh nói khẽ: “Giá như mình đừng dại dột thì giờ này con đã 5 tuổi rồi, anh nhỉ?”.
‘Sao bố mẹ không đến thăm con?’
Chúng tôi bắt gặp hình ảnh này khi đến thăm nghĩa trang thai nhi thuộc Giáo xứ Tây Hải (phường Hố Nai, TP. Biên Hòa, Đồng Nai).
Cạnh tôi là người đàn ông cùng vợ trong trang phục lịch lãm, sang trọng. Phải mất hơn 30 phút họ mới lui ra. Cuối cùng, họ cũng trải lòng với chúng tôi…
7 năm trước, anh còn độc thân, làm việc cho một công ty chuyên về địa ốc có văn phòng ở Biên Hòa. Thu nhập của anh cao và cuộc sống ổn định. Gia đình anh có tiếng là gia giáo và nề nếp.
Một lần tình cờ vào Sài Gòn, anh gặp chị. Chị người miền Bắc, vào ở chung với vợ chồng người anh cả để theo học trường đại học.
Cuộc tình của anh chị kéo dài được hơn một năm thì một sự cố xảy ra. Lần đó, hai người tham dự tiệc cưới của một người bạn. Đang định ra về thì cả hai bị lôi kéo đi “tăng” 2 đến khuya.
Không từ chối được anh chị cùng tham gia và tuy không say nhưng đều lâng lâng… Chị kêu mệt, anh đưa vào khách sạn rồi chuyện gì đến cũng đến.
Hai tháng sau, chị phát hiện ra mình đã có thai. Biết tin chị như sét đánh ngang tai, bởi chị đang bước vào năm cuối đại học.
Anh cũng thế, tuy quen nhau, yêu nhau thật tình nhưng anh chưa có dự định sống chung. Hơn nữa, gia đình anh hơi cổ hủ, muốn tìm thông gia môn đăng hộ đối trong khi nhà chị nghèo không cân xứng với nhà anh.
Bố mẹ anh cũng đã ngấp nghé muốn tác thành cho anh một người con gái ưng ý khác.
Để chị có thể tiếp tục học và anh không bị gia đình trách mắng, anh chị cùng đi đến quyết định bỏ bào thai trong bụng. Anh đưa chị đến phòng khám tư của một bác sĩ sản tại Biên Hòa.
Sự việc diễn ra an toàn không có gì bất trắc xảy ra. Sau đó, chị tiếp tục học cho đến ngày ra trường có việc làm ổn định.
Anh chị tỉ tê: “Chúng tôi yêu nhau thật tình nhưng chỉ vì bất đắc dĩ mới phải thế. Sau đó, chúng tôi vẫn lấy nhau.
Một lần, chúng tôi tìm đến phòng khám trước đây thì được bác sĩ ở đó cho biết, bào thai đã được các tình nguyện viên của nhà thờ Tây Hải gom về an táng tại nghĩa trang thai nhi.
Rồi chúng tôi bị cuốn hút vào cuộc mưu sinh nên đã quên đi câu chuyện cũ. Nhưng anh biết không, một ngày nọ, cả hai vợ chồng tôi đều năm mơ thấy cháu trách móc: “Sao bố mẹ không đến thăm con… “.
Anh kể tiếp giọng trầm buồn: “Lúc ấy chúng tôi mới nhớ ra và thấy mình tệ thật. Từ đó, cứ thỉnh thoảng vợ chồng tôi lại vào đây thắp cho cháu nén nhang và cũng mong cháu bỏ qua cho những lỗi lầm của bố mẹ… “.
Nghĩa trang thai nhi – nơi giáo dục giới tính
Nghĩa trang thai nhi được xây dựng vào năm 2011 trên mảnh đất rộng gần 200m2 do các nhà hảo tâm hiến tặng. Người đề xướng lập ra nghĩa trang này là linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch, Chánh xứ Tây Hải.
Thiết kế nghĩa trang khá đặc biệt với hình 2 bàn tay, mang ý nghĩa những linh hồn bé bỏng kia sẽ được ấp ủ trong lòng bàn tay. Bàn tay này đối nghịch với bàn tay kéo các thai nhi ra khỏi lòng mẹ, đã cắt đi mầm sống đáng ra các em phải được hưởng.
Bên dưới mỗi ngón dài 3m, rộng 0,90m và sâu 2m, chứa đựng các hài nhi với nhiều lớp chồng lên nhau. 4 ngón tay đã được chôn đầy.
Chị Nguyễn Thị Căn, người phụ trách công tác thiện nguyện của nhà thờ cho biết: “Tính đến nay ước lượng có 17.000 hài nhi được chôn cất tại đây. Sắp tới đây chắc phải xây tiếp cho đủ 10 ngón tay để tiếp nhận các em từ khắp nơi chuyển về”.
Tại nghĩa trang, nhiều hoa nhiều pho tượng nhỏ màu trắng tinh anh được rải đều khắp nơi. Hai phiến đá lớn ngay lối ra vào mang dòng chữ: “Dù cha mẹ có bỏ con – Nhưng ta không bỏ các con” đã làm lay động nhiều người.
Nhiều cô gái đã từng đến đây đứng rất lâu trước mộ phần. Hầu hết đều tỏ ra ăn năn vì đã vứt bỏ giọt máu của mình. Từ miệng các cô gái ấy, luôn van vái mong con thứ lỗi cho mẹ đã không cho con chào đời như bao đứa trẻ khác.
Một chức sắc trong nhà thờ kể lại, lần đó, một nữ sinh viên đại học mới 19 tuổi quê ở Vũng Tàu đã tìm đến nhà thờ Tây Hải gặp linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịch.
Cô chia sẻ đã trót lỡ trao thân cho bạn trai cùng trường và có ý định phá thai. Linh mục Tịch khuyên cô nên ra nghĩa trang cầu nguyện trước khi có quyết định.
Đứng trước những hàng mộ được an táng trong những ngón tay, cô sinh viên dần dần ngộ ra việc phá thai đối với giới trẻ là một hành động tiêu cực không thể chấp nhận được.
Theo đó, dù thế nào mình cũng phải chịu trách nhiệm trước hành vi của bản thân. Phá thai là tước đi mạng sống và quyền làm người của một hài nhi. Cô sinh viên tỉnh ngộ và quyết định bằng mọi cách phải giữ giọt máu của mình.
Vị chức sắc nhà thờ nói tiếp: “Niềm mong mỏi của người lập ra nghĩa trang này là muốn biến nơi đây thành nơi giáo dục giới tính trực quan sinh động cho các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên.
Cũng chính từ ý tưởng đó – sau nghĩa trang thai nhi – nhà tạm lánh Mai Tiến được thành lập để tiếp nhận và bao bọc những trường hợp lầm lỡ chờ ngày khai hoa nở nhụy, bớt đi các trường hợp phá thai đau lòng… “.
(Còn tiếp)
Trần Chánh Nghĩa