Theo Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60-70% là sinh viên. GS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, cho biết bà từng chứng kiến rất nhiều nỗi đau phải phá thai sớm của trẻ vị thành niên.
- Mách mẹ 8 “siêu phẩm” nuôi dòng sữa mẹ tuôn trào
- Thành tựu của ‘mẹ Hổ’ từng gây xôn xao vì dạy con khắc nghiệt
- Người đàn bà không chồng với “sứ mệnh”… nuôi gái đẻ
- Hậu quả của việc nuông chiều con
Các em đều đến bệnh viện khi tuổi thai đã lớn, trên 2-3 tháng. Thậm chí, nhiều cháu đang là học sinh, khi phát hiện mang thai đã tự mua thuốc kích thích chuyển dạ trên mạng để phá dẫn tới bị băng huyết ồ ạt.
Giáo sư Hoài Đức lo ngại tình trạng phá thai ở người trẻ ngày càng gia tăng. Nghiên cứu của bà và các đồng nghiệp từng chỉ ra tình trạng nạo phá thai ở vị thành niên Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và đứng thứ 5 trên thế giới. Hàng năm, khoảng 300.000 nữ giới từ 12-19 tuổi phá thai, 20-30% ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn, 60-70% là sinh viên.
Đáng lo ngại, tình trạng trẻ em gái ở lứa tuổi 12 có nhu cầu phá thai ngày càng tăng. Trên thực tế, con số nạo phá thai còn cao hơn rất nhiều vì không thể thống kê những trường hợp thực hiện chui.
Giáo sư Hoài Đức nhận định nguyên nhân là ngày nay, tình dục ở giới trẻ được cởi mở hơn, quan niệm tình dục trước hôn nhân đã thay đổi dẫn đến nhiều hệ lụy cho giới trẻ.
“1/3 trong 26,7 triệu người trong độ tuổi 10-24 gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thông tin hay giáo dục và dịch vụ về tình dục, sức khỏe sinh sản ở gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội”, giáo sư cho hay.
Ngoài ra, những em gái đã mang thai do xấu hổ và bất đồng của cha mẹ nên giấu không cho gia đình và mọi người biết. Các em thường tìm đến các cơ sở y tế không có chất lượng hoặc thầy lang với điều kiện thiếu vệ sinh, thiếu trang thiết bị và kỹ thuật không đảm bảo an toàn dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu, viêm nhiễm, sót nhau, tổn thương tử cung, thậm chí có thể gây tử vong và vô sinh.
Theo bà Đức, số bé gái có con khi ở dưới tuổi 18 chiếm đến 5-15%. Mang thai ở tuổi dưới 20 nguy hiểm hơn 5 lần so với mang thai trong độ tuổi 24-25.
Theo chuyên gia này, việc thiếu hiểu biết về sức khỏe tình dục có thể dẫn tới rối loạn sức khỏe tâm thần, trầm cảm, loạn thần kinh, phức tạp và làm giảm sự tự tin, giá trị ý thức thấp, căng thẳng trong mối quan hệ với bạn tình làm hạn chế năng suất lao động và hạnh phúc trong đời sống. Các vấn đề phát sinh từ hành vi tình dục không an toàn, thiếu hiểu biết về tình dục dẫn tới tình trạng bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là HIV, mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn, các hệ lụy khác trong cuộc sống gia đình, xã hội.
Do đó, cung cấp cho giới trẻ kiến thức về quyền sinh sản và quyền đối với sức khỏe tình dục là một nội dung quan trọng của giáo dục tình dục bao gồm kiến thức về các chức năng của bộ phận sinh dục con người, các biện pháp phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS.
“Cung cấp cho giới trẻ có kiến thức về tuổi dậy thì, về tình dục và sinh sản là để cho giới trẻ có kỹ năng sống, hiểu biết để tự điều chỉnh hành vi tình dục của chính mình một cách đúng đắn và lành mạnh, tránh phạm những sai lầm không đáng có trong thực hiện ham muốn tình dục”, giáo sư Hoài Đức khuyến cáo.
Theo Zing.vn