Túi nilon đựng xác hài nhi treo trên xe máy trong đêm và những câu chuyện lạnh người

Dù đã tự tay khâm liệm cả nghìn xác hài nhi, anh Hùng cũng không giấu được cảm xúc bàng hoàng, xót xa khi nhìn cảnh tượng một hài nhi lớn vừa bị cha mẹ từ bỏ, không còn cơ hội sống. “Nếu không đưa về, có thể họ sẽ để các con ở bờ đường hay trước phòng khám thì chó mèo, chuột nó cũng cắp đi. Tội lắm”, anh kể.


LTS: Nạo, phá thai là vấn nạn nhức nhối khiến xã hội đau đáu. Phía sau đó, còn nhiều câu chuyện mà ít ai biết. Số phận những hài nhi bị chối bỏ sẽ đi về đâu? Những người trong cuộc nói gì? Những hành động âm thầm của những người gom xác hài nhi liệu có đủ sưởi ấm cho những “linh hồn” lạnh lẽo?… Loạt bài “Phía sau những hài nhi bị chối bỏ” sẽ là những lát cắt phía sau những câu chuyện đau đớn lạnh người ấy.

Ám ảnh cảnh thai nhi treo lơ lửng ở… giỏ xe tình nguyện viên

Các con sinh ra không được thành người, nhưng nhóm mong muốn rằng, khi các con về với thế giới bên kia, sẽ được hưởng nghi thức như một con người. Chút ấm áp ấy, hy vọng sẽ vỗ về phần nào những đau đớn mà sinh linh bé nhỏ phải chịu đựng khi bị chính bố mẹ mình vứt bỏ“, Hùng, một thành viên trong nhóm tình nguyện đã tâm sự với tôi như vậy khi kể về “công việc” hằng đêm của mình. Theo đó, nhóm của Hùng bao gồm nhiều bạn trẻ đang sinh sống học tập và công tác trên địa bàn Hà Nội từ nhiều năm nay đã lặng lẽ đi tìm và thu nhận những hài nhi xấu số về một nơi tập kết và mai táng. Một đêm theo chân nhóm thiện nguyện của Hùng, tôi đã nghe, đã chứng kiến những hình ảnh quá đỗi bàng hoàng, đau xót.

Lúc 22h đêm, như đã hẹn trước, chúng tôi gặp Hùng trên đường Giải Phóng Hà Nội. Khi ánh đèn cửa hiệu vừa tắt, Hùng tấp vào bên vỉa hè, dừng xe khóa cẩn thận, sau đó đeo găng tay và bịt khẩu trang rồi bảo: “Anh chờ em vài phút”.

Khi những cửa hiệu tắt đèn là lúc nhóm tình nguyện làm "công việc" thu gom xác hài nhi.
Khi những cửa hiệu tắt đèn là lúc nhóm tình nguyện làm “công việc” thu gom xác hài nhi.

Trong khi chúng tôi chưa hiểu ra sự việc gì, thì Hùng đã kịp xuống xe đi bộ đến thẳng một phòng khám đứng bên ngoài gõ cửa. Sau ít phút, cánh cửa hé mở để Hùng bước vào rồi vội đóng sập lại.

Khoảng 5 phút sau đó Hùng bước ra với vẻ mặt thẫn thờ và tâm trạng đầy thất vọng: “Còn sớm nên chủ vẫn đang ở đây, họ phát hiện có các anh đi theo nên họ đề phòng và từ chối không cho tụi em đón con về…”.

Nhóm thiện nguyện tiếp tục đi đến một phòng khám cách đó không xa, hai người trong số họ chui qua cửa xếp và mất hút bên trong.

Sau ít phút đi thu lượm, thiện nguyện viên đã mang về gần chục thai nhi
Sau ít phút đi thu lượm, thiện nguyện viên đã mang về gần chục thai nhi

Chừng 10 phút sau, Hùng đi ra từ phòng khám, trên tay xách một bọc nilon màu đen treo vào móc xe và bảo:

Trong này có 5 “con” (các thiện nguyên viên thường gọi thai nhi với cái tên trìu mến)… Phải tầm giờ này phòng khám mới nghỉ và họ mới để mình vào lấy “con” đưa về chôn cất. Hôm nay chúng em phải mò vào tận góc cầu thang để lấy các con về, tại vì số lượng nhiều nên họ “cất”, vì sợ cơ quan chức năng phát hiện”.

Hùng trải lòng: “Đều đặn mấy năm nay chúng em làm “công việc” này, bất chấp mưa bão hay oi bức. Cũng chỉ vì tình thương với những sinh linh bé nhỏ chưa được làm người. Nếu không đi “xin” có thể họ sẽ để các con ở bờ đường hay trước phòng khám thì chó mèo, chuột nó cũng cắp đi. Tội lắm“.

Xác hài nhi được tập kết về một điểm để khâm liệm.
Xác hài nhi được tập kết về một điểm để khâm liệm.

Nói rồi, Hùng rướm nước mắt kể: “Nhiều năm theo công việc này, với những gì em biết thì, có những phòng khám họ chưa hiểu về nhóm của chúng em. Họ dè chừng, không dám đưa ra ngoài, mà họ cho vào bồn cầu tiêu hủy… Nghĩ mà tội nghiệp”.

Theo lời Hùng, công việc như trên đều đặn diễn ra trên các phố “phá thai”, mỗi ngày nhóm của Hùng thu lượm được từ 5 đến 10 sinh linh bé nhỏ. Có em còn chưa thành hình hài mà mới chỉ là những cục máu đỏ, nhưng cá biệt còn có những em đến 8 tháng tuổi, đã có hình hài và sẵn sàng ra đời nhưng vẫn bị chối bỏ.

Nói là chừng đó xác hài nhi xin được về, số hài nhi còn vất vưởng chắc chắn còn gấp nhiều lần như vậy. Có những em mới chỉ được hình thành như cục máu hoặc có con bị chia thành nhiều mảnh đều được nhóm đem về tẩm niệm chu đáo. Nói thật, nếu phân công đi các ngả đường để thu lượm thì không có đất để chôn…”, Hùng xót xa.

Những cuộc chào đời không nguyên vẹn

Ngồi sau xe Hùng, tôi không khỏi run rẩy khi nghĩ về những thai nhi đang treo phía đầu xe. Mồ hôi vã ra, tâm trạng xáo trộn, tim đập thình thịch, cảm xúc thật khó tả. Vừa như sợ hãi, vừa như tức giận, lại vừa xót xa đến đau đớn. Những hài nhi kia, phút trước còn có trái tim đập thình thịch trong bụng mẹ, vậy mà bây giờ bị vứt bỏ như một thứ “bệnh phẩm”, nằm vô hồn trong những chiếc túi bóng đen. Hiểu được tâm trạng của tôi, Hùng mở lời xóa tan im lặng:

Em hiểu tâm trạng của anh. Tự tay mang cả trăm xác hài nhi về, rồi lại tự tay tắm rửa cho các con mà lần nào em cũng bàng hoàng, đau đớn. Tội các con lắm, không hiểu người làm nghề phá thai và các bà mẹ chối bỏ các con nghĩ gì. Có lần em xách túi nilon đem về bỏ ra khâm niệm cho các con, hiện hữu trước mắt là những em đã đầy đủ hình hài như một đứa trẻ đủ năm đủ tháng… mà xót thương. Xót thương vô cùng cái cảnh tượng các con bị chia cắt từng mảnh như vừa bị tử vong trong một vụ tai nạn…”, Hùng đau đớn kể.

Các thai nhi vô tội được thiện nguyện viên tắm sạch sẽ.
Các thai nhi vô tội được thiện nguyện viên tắm sạch sẽ.

Rồi, Hùng nói đầy xót xa: “Mỗi lần ra đường thế này, chúng em chỉ mong trở về với hai bàn tay trắng. Nếu không đi, thì trong lòng lại nghĩ đến tội nghiệp cho các con. Chả biết bao giờ các bà mẹ trên thế gian đang có ý định phá thai mới thức tỉnh và quý trọng mạng sống, mới ý thức với việc bảo vệ sự sống và coi nạn phá thai là có tội.

Phòng khám thì chắc chỉ vì lợi nhuận thôi, theo như em được biết những ca phá thai nhỏ chỉ vài trăm nghìn. Những ca lớn có khi lên đến hàng chục triệu, cứ càng to thì càng nhiều tiền. Chả có một đứa con nào được đưa ra từ phòng khám mà lành lặn”.

Các tình nguyện viên khâm liệm cho các hài nhi.
Các tình nguyện viên khâm liệm cho các hài nhi.

Nói xong, Hùng đưa chúng tôi về một cơ sở chuyên tập kết xác thai nhi. Hùng đeo gang tay, bịt khẩu trang cẩn thận, rồi nhẹ nhàng lấy các thai nhi từ trong túi ni lông ra đặt lên chiếc bồn rửa tắm sạch cho các em.

Khi công tác vệ sinh đã xong, Hùng khâm liệm các em bởi chiếc khăn trắng và gói kín từng em trong chiếc túi nilon mới tinh. Sau đó, Hùng nâng niu các em trên một cái khay sạch sáng bóng, đem đến chiếc tủ lạnh chờ sẵn và đóng kín lại để bảo quản, chờ nghi thức chôn tập thể.

Tất cả các thai nhi thu lượm sau mỗi ngày được bảo quản trong tủ lạnh chờ nghi thức chôn tập thể
Tất cả các thai nhi thu lượm sau mỗi ngày được bảo quản trong tủ lạnh chờ nghi thức chôn tập thể

Theo lời Hùng, công việc diễn ra tương tự của các nhóm thiện nguyện khác được tỏa đi các địa điểm khác. Cứ mỗi sáng thứ bảy, toàn bộ số thai nhi được tập kết về sẽ một lần nữa bỏ vào thùng xốp, làm nghi lễ tiễn biệt thai nhi và chuyển đến một nghĩa trang ở ngoại thành.

Hằng đêm, những chuyến xe máy treo lủng lẳng túi nilon đen vẫn âm thầm đi qua từng con đường, góc phố, rẽ vào những phòng khám thai tối om hay những khu tập kết rác. Chẳng ai biết rằng trong chiếc túi nilon đen ấy là một sinh linh vô tội vừa bị chối bỏ quyền được sống, được nhìn thấy ánh mặt trời. Những người thiện nguyện chỉ còn cách cố gắng để đưa các em về nơi an nghỉ cuối cùng trong tình thương, sự nâng niu ấm áp để bù lại phần nào thiệt thòi, đau đớn mà các em phải đón nhận từ lúc chỉ mới là một cục máu đỏ trong cơ thể mẹ…

Theo Minh Ngọc / Trí Thức Trẻ

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x