Chuyện của những sinh linh không được nhìn thấy ánh mặt trời

Không ai có quyền được tước đi quyền sống của những sinh linh tội nghiệp, kể cả khi các con chưa rõ hình hài.


Cô bạn tôi làm tình nguyện viên tuyên truyền kiến thức giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho một tổ chức phi chính phủ từ hồi học phổ thông. Mặc dù giấu bố mẹ, giấu bạn bè nhưng cuối cùng, việc nó làm cũng “bị” phát hiện. Mẹ nó vừa vứt hết những giấy tờ, sách báo cùng đống bao cao su phát miễn phí mà nó đem về vừa nhiếc:

– “Tao phí cơm phí gạo nuôi mày! Học không lo học lại lo làm đ*”.

Trong lớp, bọn con trai mới lớn là những người biết chuyện đầu tiên. Bọn chúng tự dưng quan tâm đến nó lạ thường, mấy thằng bạo dạn nhất còn nhắn tin rủ nó đi chơi đêm. Nó trở thành chủ đề hot trong những cuộc buôn dưa, chém gió tào lao của mấy em khóa dưới mà mỗi lần nó đi qua đều được chào đón bằng cách hô tên huýt sáo rất thô tục.

Chính vì chưa thay đổi được tư duy cổ hủ, cho rằng quan hệ tình dục là chuyện xấu, nhơ, cặn bã và sự sống của những sinh mệnh chưa rõ hình hài còn phụ thuộc vào ý muốn nên Việt Nam vẫn luôn dẫn đầu các nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất Châu Á với khoảng 700.000 ca phá thai mỗi năm.

Trong đó, phần lớn những ca phá thai ở độ tuổi vị thành niên là học sinh, sinh viên. Sự non nớt cả về tinh thần lẫn thể chất càng làm nỗi đau thêm khó nguôi ngoai. Trò chuyện với các đồng nghiệp từng thực hiện loạt bài dài kỳ về thực trạng nạo phá thai đáng báo động ở Việt Nam, mới thấy cái nỗi ám ảnh đó ăn sâu, dai dẳng đến mức nào.

Minh họa nạo phá thai 23 tuần tuổi - Ảnh : YSS
Quy trình phá thai rùng rợn hơn tưởng tượng của mọi người rất nhiều. Ảnh minh họa

Không ít “bà mẹ nhí” là nạn nhân của những vụ cưỡng hiếp, hoặc hoàn toàn mù mờ về các biện pháp phòng tránh. Thế nhưng, cũng không thiếu những cô gái đang tự làm khổ mình, tự chuốc lấy đắng cay và tủi nhục, như câu chuyện về Vy, một cô gái tôi từng tư vấn. Vy gặp biến cố lớn đầu tiên trong đời khi em đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học khá có tiếng tăm ở Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng em rất ngoan hiền, giản dị, ai trêu gì cũng chỉ cười trừ bỏ qua.

Sống tình cảm, nên em luôn nghĩ tình đầu sẽ là tình cuối, chăm bẵm cho người yêu như mẹ trẻ chăm con. Người yêu Vy cao ráo, đẹp trai, lương tháng ngót nghét sáu mươi triệu nên chưa cần mở miệng gái đã theo ầm ầm. Vy biết hết tất cả những mối quan hệ “ngoài luồng” đó và càng sợ anh ta bỏ rơi mình. Em chiều anh ta đến mức bạn bè phát bực, có người còn ác mồm đùa: “Tao thấy mày bây giờ cứ như đang quỳ xuống dưới chân thằng Q. và bảo nó: “Hãy hành hạ em đi!” ấy!

Q. không cho sử dụng bao cao su khi quan hệ vì sợ…mất cảm xúc, Vy còn nghĩ rằng rủi may em có bầu thì đứa bé đó càng giúp em níu chân được cậu ta. Nhưng em đã lầm, ngay sau khi báo tin có thai cho người yêu, em chỉ nhận được một tin nhắn vỏn vẹn “Anh không cần đứa bé này!”. Vượt qua những ngày đấu tranh nội tâm căng thẳng, Vy dồn hết can đảm để đi đến quyết định từ bỏ đứa bé theo sự chỉ đạo của người yêu. Vậy mà đến lúc em vác bụng ra cửa, Q. lại gọi điện nói anh ta còn bận…đi chùa tĩnh tâm. Sau đó, em phải vượt qua chuyện kinh khủng đó một mình. Những ngày tiếp theo, em như sống trong địa ngục, đêm nào cũng mơ thấy đứa bé trong bụng em bị cắt làm đôi, kéo tuột khỏi người em một cách thô bạo…

thai-nhi-bi-pha-bo

Em biết không, có một đứa con, chứng kiến sinh mệnh bé bỏng lớn lên từng ngày trong bụng em, biết được mối liên hệ mật thiết giữa em và đứa bé là một điều kỳ diệu mà tạo hóa ban tặng, mà không phải người phụ nữ nào cũng có được may mắn đó. Cuộc sống gian nan là chuyện không thể tránh được, nhưng người ta bảo khổ trước sướng sau, cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ được mở ra, chỉ cần luôn cố gắng và nỗ lực, tôi tin, không ai có thể diệt trừ đường sống của mẹ con em.

Ngoài nỗi đau thể xác thì ám ảnh tinh thần do phá thai còn là khởi đầu của chuỗi bi kịch kéo dài, nhất là với những bạn trẻ có thai lần đầu. Một lần từ chối làm mẹ, các bạn nữ có thể đánh mất khả năng làm mẹ vĩnh viễn.

Chúng ta có thể đổi lỗi cho sự yếu kém trong công tác giáo dục giới tính. Chúng ta có thể đổ lỗi cho những ông bố bà mẹ bàng quan ngay với chuyện nuôi dạy con mình. Chúng ta có thể đổ lỗi cho rất nhiều yếu tố ngoại cảnh khác, nhưng sẽ chẳng có chuyện bác sĩ phá thai chấm dứt sự sống của một đứa trẻ nếu người mẹ kiên quyết không đồng ý.

Riêng với lầm lỡ đến từ chuyện có thai ngoài ý muốn, sai lầm phải được sửa chứ không thể dành để làm bài học sau này. Không có sau này bởi những sinh linh ấy đã không còn cơ hội được nhìn thấy ánh mặt trời …

Ngân Hà – Theo Nguoiduatin

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x