Mạn đàm Bảo vệ thai nhi : Phá thai và Nhân đạo

Cover Mạn đàm Phá thai và Nhân đạo


Mạn đàm Bảo vệ thai nhi – Mạng lưới chống phá thai xin trả lời cho các luận điểm của bạn Võ Thị Mỹ Linh xoay quanh vấn đề Phá thai và Nhân đạo

MC : Xin chào các bạn ! Buổi trò chuyện của chúng tôi hôm nay xin được mạn đàm về chủ đề bảo vệ thai nhi. Đặc biệt, xin hân hạnh giới thiệu nhân vật khách mời của chương trình ngày hôm nay là một thành viên trong mạng lưới chống phá thai. Xin chào anh !

Khách mời (KM) : Xin chào các bạn ! Rất vui vì ngày hôm này được đến đây để chia sẽ cùng với các bạn trong chủ đề này.

– MC : Hẳn anh có biết, những ngày gần đây, mạng xã hội đang dấy lên một cuộc tranh cãi sôi nổi xoay quanh vấn đề phá thai. Sự việc bắt nguồn từ phát ngôn gây sốt của một cô gái trẻ người Việt sống sót sau trận thiên tai tại Nepal. Cô cho rằng : “Không yêu thì phá thai. Vì đứa trẻ không phải là kết quả của tình yêu nên không cần thiết phải giữ lại”. Anh có suy nghĩ như thế nào về quan điểm trên?

KM : Trước hết tôi nghĩ rằng, trong một xã hội dân chủ thì quyền tự do ngôn luận, phát biểu các ý kiến, quan điểm… là một việc rất bình thường. Ở đây, chúng ta không lên án về việc người bạn của chúng ta sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình, mà chúng ta xoay quanh các luận điểm của bạn ấy, để có thể nói về quan điểm của chúng ta.

1MC :  Quay trở lại với câu hỏi lúc đầu, anh có cho rằng tình yêu nam nữ là yếu tố chính quyết định giữ thai lại hay không ?

KM : Trước khi vào phân tích các luận điểm, tôi nghĩ rằng chúng ta nên có một nền tảng, một cơ sở căn bản để có thể dựa trên đó mà phân tích. Tôi đã đọc bài viết của người bạn chúng ta, có một vấn đề quan trong mà tôi nghĩ có thể làm nền tảng. Đó là việc, Thai nhi có phải là một con người hay không? Trong bài viết của bạn Linh có đoạn: “…Nhưng vì một đứa trẻ chưa nên dạng con người (chưa có trí thức, hiểu biết và chưa phát triển toàn diện, thậm chí chỉ là một cái phôi rất nhỏ)”. Dựa vào đoạn vừa dẫn, có phải chăng quan điểm của bạn cho rằng thai nhi vẫn chưa là một con người, vì thiếu những điều trên? Có thể làm rõ vấn đề này hơn bằng một giả thiết : “Tiêu chuẩn để được đánh giá là một con người của bạn phải là : Có trí thức, có hiểu biết và phải phát triển toàn diện”.
+  Với giả thiết đó bạn phải trả lời các câu hỏi:
1. Thế nào là có tri thức? Chuẩn mực cái gọi là tri thức đến đâu? Có tri thức bao nhiêu thì được gọi là con người? Những người mà người ta hay gọi là “trí thức kém”, hoặc “hiểu biết kém” thì không phải con người hay chỉ là một con người “cấp thấp” ?
2. Thế nào là sự phát triển toàn diện? Người không phát triển toàn diện ( thiếu đi một số những bộ phận nào đó của cơ thể) thì không phải là con người?
3. Phôi thai là gì ? Từ khi nào mới là người ? Nếu cho rằng một em bé tính từ lúc được sinh ra là người, vậy trước 5 phút trước đó nó là cái gì ? v.v…
Với chúng ta, những người chống lại việc phá thai trả lời các câu hỏi trên, cũng như làm nền tảng cho chúng ta, chỉ bằng một điều duy nhất : thai nhi là một con người, dù em có bị khuyết tật về thể lực hoặc trí lực, em vẫn là một con người. Nếu em không là người thì đã không phát triển thành người. Vì vậy, phá thai chính là một hành động tội ác vì đó là việc giết người.
Chúng ta quay lại vấn đề như người bạn của chúng ta đặt ra: “Tình yêu có là yếu tố chính quyết định giữ thai lại hay không ?”. Có một vấn đề không ổn ở đây. Đó là tương quan trong quyết định này. Trong việc này nó không là tương quan giữa 2 người nữa mà là tương qua của 3 con người : 1 là người mẹ, 2 là người cha, 3 là đứa trẻ. Có 2 tình cảm được đề cập : Tình yêu giữ 2 người bạn và tình mẫu tử (phụ tử) của hai bạn trẻ với con trẻ. Cả 2 loại tình cảm này đều quan trọng. Nếu tình yêu không có – thì tình mẫu tử của người mẹ vẫn còn đó. Lúc này chính là lúc lương tâm bản năng của người mẹ sẽ bảo vệ con cái của mình. Viêc không có tình yêu giữa hai người, không là trách nhiệm của đứa trẻ, nó đâu phải là nguyên nhân cho việc đó. Ngoài tình yêu vẫn là tình mẫu tử và sợi dây liên kết trách nhiệm, tình cảm của người mẹ đối với con cái. Vậy nên, nếu ai gạt đi, phủ định tình mẫu tử trong đời sống con người, thì sẽ chấp nhận việc phá thai khi không có tình yêu.

2- MC :  Trong bài viết thứ nhất, cô gái còn nêu ra nhiều lý do để không giữ thai lại, trong đó có lý do về kinh tế và hoàn cảnh của người mẹ chưa ổn định. Anh có ý kiến gì về luận điểm này ?

– KM : Đây cũng là một luận điểm mà chúng ta nghe rất nhiều từ những người ủng hộ thuyết phá thai. Có người còn hướng đến quan điểm ở tầm vĩ mô hơn như nạn nghèo đói. Tuy nhiên, có thật những khó khăn về kinh tế sẽ được giải quyết khi phá thai? Thai nhi là nguyên nhân cho việc kinh tế khó khăn, hay các nguyên do khác như : tham nhũng, chia sẽ không đồng đều tài nguyên, an sinh xã hội, chiến tranh… ? Chắc hẳn chúng ta đều biết, thời gian trong những năm 1975- 1990 Việt Nam cũng có vô vàn những khó khăn, lúc đó nền kinh tế yếu kém lạc hậu… trong những năm đó, vẫn có rất nhiều thế hệ ưu tú được sinh ra. Nếu phải nói, cha mẹ của những con người ấy có thể chọn lựa việc phá thai để bảo đảm về kinh tế nhưng họ đã không làm điều như vậy. Đi xa hơn nữa, Vua Lê Thánh Tông trong bộ luật Hồng Đức có nói về việc phá thai. Xin trích nguyên văn : “Nhắc lại việc đàn bà phá thai và phá thai cho người khác. Trước đây có lệnh cấm rằng : loại đàn bà tàn nhẫn, vì muốn ít con cái để giữ lấy nhiều của, hoặc ngại việc sinh đẻ, muốn tránh khó nhọc, thấy mình có thai, dùng kế cho sẩy thai, thương tổn tính mệnh, làm hại luân thường; cùng là những kẻ phá thai cho người khác, đều phải tra xét, trị tội theo luật pháp”.
Nếu nói về kinh tế thì thế nào gọi là đủ, nếu gọi là đủ các nhu cầu căn bản trong đời sống cho một con người, thì ngày nay không phải là không thể đáp ứng.
Chúng ta thử nghĩ về một tình huống đặt ra với người bạn chúng ta. Nếu chúng ta tư vấn cho 1 người phá thai vì những điều kiện trên, một thời gian sau nếu người bạn chúng ta có thai, và mọi thứ như kinh tế vẫn chưa được giải quyết, chúng ta vẫn khuyên phá thai? Có trường hợp phá thai đến 13 lần, những trường hợp phá thai từ 2 lần trở lên cũng không phải là ít… Vậy chúng ta vẫn khuyên họ phá thai tiếp tục? Khi tôi có kinh tế, những chuyện kia đã xong, tôi muốn có con nhưng bao nhiêu lần phá thai ấy có đảm bảo cho tôi khả năng làm mẹ? Ai là người chịu trách nhiệm cho những điều đó? Bạn cũng sẽ nói : “Tôi khuyên thì cứ khuyên, làm hay không thì tùy” và người kia cũng sẽ nói “Giá như ngày đó…” ( câu nói “giá như ngày đó” các bạn sẽ nghe rất nhiều tại khoa hiếm muộn của các bệnh viện phụ sản).
Những chính sách kinh tế, khi sai gây tổn thất lớn, ảnh hưởng đến đời sống, nhưng người ta còn có thể khắc phục sửa chữa. Còn việc phá thai, một khi thực hiện không thể sửa chữa được nữa.

3- MC :  Người ta thường lấy lý do sợ bị tai tiếng, ảnh hưởng đến gia đình để chối bỏ việc sinh con. Như quan điểm của người bạn kia, đứa trẻ sinh ra làm khổ 4 đời. Cô giả thiết nó sẽ ôm mối hận không cha, ông bà ngoại mang tiếng có con gái chửa hoang, chưa kể bố nó bị lộ việc có con riêng sẽ không yên chuyện. Là một người bảo vệ sự sống, anh có thấy lý do phá thai này có chính đáng hay không?

– KM : Tôi cho rằng đây thường là nguyên nhân chính để người ta lựa chọn việc phá thai, đó là việc đối mặt với các dư luận xã hội. Chúng ta cùng phân tích cả 4 đời này nhé :
Đời đứa trẻ – bạn viết : “nó phải lớn lên trong cảnh ôm trong lòng một mối hận rằng vì sao cha mình lại rũ bỏ mình”. Vậy có nhiều trường hợp, ban đầu 2 vợ chòng sống với nhau, sau đó, người chồng lập một gia đình khác và không quay trở lại thăm con, vậy đứa trẻ đó cũng sẽ có một sự thù hận như thế? Vậy lòng thù hận đâu thể nào chắc chắn chỉ xảy ra với những đứa trẻ của người mẹ đơn thân, mà không xảy ra với những đứa trẻ có điều kiện sống đầy đủ khác. Lòng thù hận như bạn nói với một đứa trẻ từ đâu phát sinh? Nó mặc định mọi đứa trẻ khi rơi vào hoàn cảnh này bắt buộc phải thù hận cha nó? Hay sự giáo dục, niềm tin tôn giáo sẽ khiến nó không nảy sinh lòng thù hận? Lòng thù hận này không được mặc định là phải có, nó phụ thuộc vào tương lai, vào cách giáo dục, góc nhìn, sự trưởng thành của đứa trẻ. Nói tới đây bạn sẽ nói: “ Vậy thì những đứa trẻ mang lòng thù hận thì sao?”. Chúng ta cũng biết đây là một mệnh đề đặt ở tương lai, vậy chúng ta cũng có thể đặt ngược lại : “nếu nó không thù hận thì sao?”. Vì đặt một mệnh đề như vậy, nên chúng tôi trao cho trẻ cơ hội sống. Còn bạn chẳng lẽ áp dụng triệt để : “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”.

Đời mẹ nó : “vì mẹ nó khó có thể hạnh phúc trong cuộc hôn nhân kế tiếp và cũng rất vất vả nếu sống 1 mình để nuôi nó”. Ở luận điểm này tôi cho là một sự ích kỷ. Tại sao ư? Tôi lấy một ví dụ, chúng ta có quyền mưu cầu hạnh phúc của mình, đúng, nhưng điều đó không được phép ảnh hưởng đến hạnh phúc hay ít nhất là đến quyền căn bản của một người khác. Không ai trong chúng ta thích dừng lại khi gặp đèn đỏ, nhưng tại sao chúng ta lại làm điều ấy? Vì đơn giản : chuyện này có thể ảnh hưởng đến người khác. Một bà mẹ đói kém vẫn dành cho con mình những thức ăn ngon nhất, không tranh giành, bà vẫn cảm thấy hạnh phúc. Tôi thiết nghĩ, nếu người bạn của chúng ta có con, với luận điểm như bạn nói, thì bạn ấy sẽ sẵn sàng giành ăn với con phải không? Vì chỉ mưu cầu hạnh phúc của mình chứ đâu cần nghĩ đến hạnh phúc của con cái. Nếu điều trên là có thật hãy để lương tâm lên tiếng. Niềm hạnh phúc đôi khi không nằm ở chuyện được mà còn nằm ở những vấn đề chúng ta hy sinh.
Tiếp tục, về luận điểm này, dân gian ta có câu “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Nếu cuộc hôn nhân kế tiếp không hạnh phúc, bạn sẽ tiếp tục phá thai và tìm đến những hạnh phúc khác. Có nhiều cặp vợ chồng, mọi thứ đều tốt đẹp từ kinh tế đến xã hội, tuy nhiên, chỉ vì vấn đề không có con cái – mà nguyên nhân là từ việc người phụ nữ đã từng phá thai trong quá khứ – dẫn đến những trục trặc. Vậy nên, việc phá thai có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc sau này. Không có điều gì để đảm bảo người mẹ sẽ hạnh phúc hơn khi phá thai. Nói tới đây bạn sẽ nói nếu người phụ nữ phá thai an toàn thì sẽ không vô sinh. Các bác sĩ không bao giờ bảo đảm điều đó, kỹ thuật y khoa cũng vậy, cụm từ “phá thai an toàn” tại bệnh viện chỉ là việc an toàn hơn các phòng phá thai chui. Chứ điều đó không có nghĩa : không có những vấn đề hậu quả về sau. Không ai biết được chuyện đó.

Đời bố nó : “vì bố nó có thể không nhận nó nhưng sau này về già chắc cũng chẳng sung sướng gì, nhất là từng rũ bỏ đi giọt máu của mình và vợ của anh ta mà biết thì cũng rùm beng chuyện”. Cái đời này có lẽ là “nhức đầu nhất”. Một con người phải có trách nhiệm với việc mình làm, nhất là với những việc quan trong, càng quan trọng thì càng có trách nhiệm. Nếu anh chỉ vì bản thân anh và không có trách nhiệm thì tất nhiên những hệ quả như bản án lương tâm là điều khiến anh không tránh khỏi. Nguyên nhân anh thế nào thì kết quả là thứ anh phải nhận. Nếu cho rằng, không nuôi con là “rũ bỏ giọt máu” vậy phá thai có phải là một hành động rũ bỏ trách nhiệm, rũ bỏ con của mình? Nếu bạn dùng cụm từ “rũ bỏ giọt máu” thì tôi không tìm được sự khác biệt giữa 2 hành động này. Mà nếu một bà vợ nào đó có lương tâm, nhìn con cái của mình, mà suy nghĩ về đứa trẻ bị phá, thì sẽ nghĩ thế nào? Nếu giữ lại: Anh ta chỉ mắc 1 tội : Phản bội. Nếu phá đi anh ta mắc 2 tội: Phản bội và giết người. Vậy thì cái nào sẽ đỡ đau hơn ?

Đời ông bà ngoại nó :  “vì ông bà ngoại sẽ bị dèm pha là con gái chửa hoang”. Họ chắc chắn không thể bỏ con gái mình nên cũng phải loay hoay tìm cách giúp con gái. Đến đây tôi cho rằng những ông bà ngoại này là những người can đảm và rất đáng được hoan nghênh. “Con dại thì cái mang”, cha mẹ nào mà nỡ bỏ con. Dư luận sẽ làm chúng ta bị ảnh hưởng, dèm pha rất nhiều thứ. Nhưng thử đặt lên bàn cân mà xem, giữa dư luận với mạng sống của một con người cái nào nặng hơn? Khi bạn có một người bạn gặp scandal trong cuộc sống, dư luận quá nhiều và người bạn kia có ý định tự tử. Bạn sẽ khuyên người đó : “Không sao, thôi đừng để ý, miệng đời mà…” hay là sẽ khuyên : “ thôi dư luận nhiều quá, nhảy luôn cho xong…”. Giữa sự sống và dư luận có một khoảng cách về giá trị rất lớn. Bên nào quan trong hơn thì tự chúng ta cũng hiểu.
Đó là “chưa kể đến một đời khác là đời cha dượng nó, nếu mẹ nó kết hôn với người khác. Cha dượng có thể thương nó thật lòng đấy nhưng miệng đời thị phi, cha ghẻ cứ là cha ghẻ dù cha ghẻ nuôi con và cha ruột thì rũ bỏ con”. Như đã nói ở việc phía trên, trong luận điểm đặt ra, thì người cha dượng cũng yêu thương con, vậy nên, những thứ, những người xung quanh nói, có thể làm người cha này buồn, nhưng điều đó có lớn đến mức phải làm cho đời này khổ? Hay có những người trong đời này đã quen sống bằng đầu gối, nên phải lệ thuộc mọi thứ, không tự bảo vệ được tình yêu, tình cảm của mình?
Tóm lại : Đứa trẻ không là nguyên nhân của những đau khổ, vậy đừng bao giờ bắt nó phải gánh trách nhiệm. Trách nhiệm là của người lớn.

4- MC : Anh có nghĩ rằng phụ nữ chỉ vì muốn tỏ ra nhân hậu hơn người đàn ông nên mới giữ thai lại và hơn nữa còn là để thử nghiệm khả năng đương đầu với thử thách cũng như chứng tỏ với người khác… như nhận định của cô bạn Võ Thị Mỹ Linh đã nói ?

– KM :  Tôi không tán đồng cách dùng từ “chứng tỏ nhân hậu”, vì đó là một xúc phạm nặng nề đối với các bà mẹ đơn thân hay những bà mẹ đã vượt qua thử thách để sinh con. Ý nói : Họ giữ lại con mình chỉ là để “chứng tỏ” –  một việc chỉ để cho người khác thấy, chứ không có tình thương. Việc này các bà mẹ đơn thân sẽ nói rõ hơn về sự “ chứng tỏ” của họ. Theo tôi nghĩ đó là đó là một điều xúc phạm đến họ.

5- MC: Ở trong bài viết thứ 2 nêu thêm 10 luận điểm ủng hộ phá thai nữa của cô gái, cá nhân tôi nhận thấy có một sự suy diễn không hề nhẹ ở luận điểm thứ 3, về việc cô cho rằng những mái ấm, những trại trẻ mồ côi dù vô tình hay cố ý, cũng đã gieo vào đầu các em nhỏ được cưu mang đó một sự thù ghét, căm hận bố mẹ đã bỏ rơi mình để rồi giờ đây chỉ có những tổ chức xã hội mới thương và nuôi dưỡng các em. Cô khẳng định đó không phải là nhân đạo khi những người bảo vệ sự sống cố lôi các em ra đời, thay vì phải hủy diệt nó đi khi nó vẫn còn trong bụng mẹ. Anh có sốc về nhận định này không ?

– KM :  Về phương diện cá nhân, như câu trả lời trước – đây là một sự xúc phạm nặng nề đối với tất cả những người đang nuôi dạy trẻ mồ côi, những trẻ bị bỏ rơi. Nếu gieo vào lòng một ai đó những tư tưởng như vậy, đó là một hành động phi nhân đạo hay nói đúng hơn là một sự ích kỷ dẫn đến tội ác. Nếu có một trại trẻ nào làm điều đó, tốt nhất là không nên hoạt động. Với tôi, tôi đã và đang thấy có những vị ni cô, những tu sĩ Thiên Chúa giáo, những anh chị em tình nguyện, chấp nhận sống cả đời nới những đứa trẻ đó. Vậy họ đã gieo vào lòng những đứa trẻ đó những suy nghĩ vậy ư? Tôi cho rằng đây là một luận điểm mà tôi lên tiếng phản đối hoàn toàn, vì nó thể hiện một sự xúc phạm nặng nề với tất cả những ai đang làm việc thiện nguyện hay hy sinh cuộc đời của họ cho những trẻ em này. Nếu người bạn của chúng ta làm việc Thiện Nguyện, bạn có nghĩ, sẽ gieo vào lòng những đứa trẻ mà bạn giúp những điều như vậy không? Nếu không, tại sao bạn lại nói, những người khác khi làm cùng một công tác thiện nguyện giống như bạn, lại có thể gieo vào lòng đứa trẻ những suy nghĩ đó. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc phải gieo vào lòng đứa trẻ nào một tư tưởng như vậy.

Còn về phần bạn, nếu bạn gieo vào lòng những đứa trẻ một tư tưởng như vậy, thì tôi nghĩ rằng mọi công tác thiện nguyện của bạn đều trở nên vô nghĩa, cũng như bất kể một đứa trẻ nào được bạn giúp đỡ, cũng là một tai họa cho đời nó, vì thứ bạn gieo cho nó. Và không một cơ sở nuôi dạy trẻ nào dám tiếp nhận những chuyến thăm viếng của bạn, chỉ vì đơn giản bạn nhìn họ như những người gieo tội ác, bạn có thể cười rất tươi khi đến thăm nhưng bạn luôn nghĩ họ là người đã gieo tội ác và đã gây nên tội ác với những đứa trẻ này. Chúng tôi không dám nói bạn là đạo đức giả, nhưng quả thât đây là việc xúc phạm nặng nề với những ai làm công tác thiện nguyện. Còn nếu bạn nói : “tôi không gieo những điều ấy” – Chúng tôi cũng vậy. Bạn vì những đứa trẻ – Chúng tôi cũng vậy.

dau-con-la-tai-hoa

6- MC : Hầu như trong các luận điểm của mình, cô gái có giọng điệu gay gắt lên án những người chống phá thai như thể lỗi của họ là cố chấp để các em ra đời mà không quan tâm các em nên người hay không khi các em lớn lên. Cô còn ví dụ trường hợp nếu các em không thành tài thì mọi người đổ lỗi rằng do các em không có bố mẹ.
Xin được trích dẫn nguyên văn một đoạn trong luận điểm thứ tư : “Bạn làm thế nào để tôi tin vào lời cam đoan và lòng từ bi của bạn. Khi mà hàng triệu người trên đất nước này vẫn đang sống trong cảnh bần cùng, nghèo nàn, bệnh tật. Họ là những mầm sống thực sự, đã và đang sống thực sự. Nhưng các bạn không hề mảy may quan tâm và không giúp gì được cho họ. Vậy mà các bạn mời gọi những mầm sống khác hãy chào đời. Như thể rằng thế giới này là điều tuyệt diệu”.
Trong luận điểm thứ năm, cô viết : “Các bạn chưa bao giờ lãnh trách nhiệm rằng, ngày đấy bố mẹ nó không muốn sinh ra nó, nhưng tôi đã kêu gọi những đứa trẻ này ra đời, và trách nhiệm nuôi nó không thành tài thuộc về tôi chứ không phải thuộc về bố mẹ nó. Không, tôi chưa thấy một tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm như thế cả.”
Anh nghĩ sao về những luận điệu mang tính tiêu cực này ?

– KM : Điều gì để bạn nói, chúng tôi không giúp cho những người nghèo khó, điểm nào để nói, chúng tôi mảy may với những số phận đó? Nếu nói rằng đời sống khó khăn là không được sinh, vậy thì phải triệt sản phần lớn châu Phi, người nghèo không được quyền sinh con hay sao? Chúng tôi cố hết sức, dùng những khả năng mình có để giúp đỡ họ. Bạn bắt một cam kết, vậy là cha mẹ bạn có chắc sẽ cam kết về tương lai con cái mình hay không? Bạn hãy cho chúng tôi biết, nếu con bạn phạm tội bạn lãnh trách nhiệm như thế nào? Bản cam kết ấy chúng tôi phải viết ra sao, hãy đặt bạn trong vai trò của một người mẹ và viết bản cam kết ấy và cách để bạn nhận trách nhiệm, chúng tôi sẽ viết theo ban, chúng tôi tin rằng những gì bạn viết được, chúng tôi cũng thế.

Với chúng tôi, trong vai trò người giáo dục, nếu nhìn thấy các con của mình hư đi, chúng tôi rất đau lòng, và đều sẽ cố hết sức để thay đổi chuyện đó. Tôi nghĩ rằng chỉ những ai đặt giá trị vật chất lên trên hết, quên đi những tình cảm, những cảm xúc con người thì mới không hiểu được điều này. Thế giới và sự sống là một điều tuyệt diệu. Tôi tin rằng như thế. Ngay cả trước những viễn cảnh của một tương lai tăm tối. Chúng ta vẫn động viên nhau và cùng cố gắng để có một tương lai tốt hơn. Thực trạng một thế giới như thế nào chỉ dừng lại ở tài nguyên hay còn là cách con người đối xử với nhau.

Bạn đã từng quý trọng mạng sống của mình như thế nào, trong trận bão tuyết năm ấy, thì những đứa trẻ trong bụng các bà mẹ cũng vậy. Cũng khát khao có một sự sống. Bạn nghĩ gì khi các thai nhi bị cắt và đầu phải bóp vụn để kéo ra ngoài. Có những em lớn hơn khi phá bằng biện pháp kovax, vẫn còn sống khi ra khỏi người mẹ, và chỉ ít phút các em phải chết. Vậy những em này cũng có một khát khao sự sống chứ. Nhưng tại sao chúng ta lại tước mất của nó.
Chúng tôi bảo vệ các thai nhi vì tôi tin rằng – các em đều có một tương lai. Bằng chứng nào lại nói những đứa trẻ như vậy sẽ có một tương lai tăm tối. Hay chúng ta áp dụng triệt để “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”? Có chắc, tất cả những đứa trẻ sinh ra trong điều kiện hoàn cảnh tốt, đều sẽ không phạm tội, còn những đứa trẻ sinh ra trong điều kiện kém hơn sẽ phạm tôi? Nếu bạn có một đứa con, bạn cố hết sức để cho nó những điều tốt nhất như giáo dục, điều kiện sống… nhưng tương lai của nó, bạn có chắc là sẽ không phạm tội hay không? Nếu bạn chắc chắn được và những người ủng hộ bạn chắc chắn được, tôi tin chúng tôi cũng chắc chắn được.  Nếu vì những điều không biết chắc ấy, vậy tại sao không cho những đứa trẻ này có được hy vọng ? Người phạm tội còn có cơ hội để sửa sai, để thay đổi cuộc đời, tại sao những đứa trẻ vô tội, không làm tổn thương ai lại không được quyền làm điều đó?

Theo luận điểm của bạn, tôi có một đề nghị thế này : Chúng ta hãy giết tất cả những đứa trẻ trong trại mồ côi hiện tại. Sao bạn lại tròn mắt nhìn tôi? Có phải bạn cũng nghĩ đó là một tội ác? Nhưng theo luận điểm: “Ai biết sau này nó có tốt hay là xấu, và ai sẽ chịu trách nhiệm”… thì chúng ta cũng có thể áp dụng hoàn toàn với những trẻ em tại trại mồ côi hiện tại. Không ! Đó là tội ác, tội ác chính là việc không cho đứa trẻ có một tương lai, triệt tiêu mọi ước muốn, mọi sự cố gắng của một con người. Một vấn đề tương lai, sao lại khẳng định nó ra sao để rồi giết nó đi, nếu chúng ta giết nhầm một vĩ nhân, ai sẽ chịu trách nhiệm? Con người ta sống hãy nhìn về mặt tích cực, giải quyết xã hội, hãy góp phần vào đó, chứ đừng chỉ đứng nhìn về những thứ tồi tệ nhất để rồi loại bỏ mọi sự cố gắng của người khác.

7- MC : Ngoài ra, những bà mẹ đơn thân là những người có trải nghiệm về việc can đảm nuôi con cũng bị chỉ trích không kém, vì bị xem là những người không ở trong hoàn cảnh của người khác. Anh có nghĩ việc chia sẻ kinh nghiệm nuôi con và khuyên nhủ những phụ nữ khác không phá thai là việc kệch cỡm không ?

-KM : Vấn đề này như tôi nói, những người mẹ đơn thân sẽ lên tiếng chính xác hơn tôi. Không phải chỉ những bà mẹ đơn thân, mà nhiều phụ nữ đã có những vụ phá thai thành công – an toàn hoặc không an toàn – đã hối hận về những hành động của họ ( 3 ca gần đây nhất chúng tôi tư vấn tâm lý đều là 3 ca đã phá thai an toàn), họ luôn bị bản án lương tâm giằng xé, chính họ là người lên tiếng về tội ác phá thai. Họ cũng hoạt động cùng với chúng tôi, trong việc kêu gọi những phụ nữ khác đừng bước vào dấu chân của họ. Nói chính xác hơn, họ đã xỏ giày vào trường hợp của chính họ và của những thai nhi. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi khuyên họ phá thai? Có những bà mẹ, sau khi giữ lại con, nhìn thấy thiên thần của mình và tự nhủ : “Ơn trời tôi đã không làm tội ác ấy, dù khó khăn tôi vẫn sống vì con”. Họ mang đôi giày của lương tâm vào chính trường hợp như vậy.

YSS cover chống phá thai

8- MC : Ở luận điểm thứ 6, Võ Thị Mỹ Linh có nêu ví dụ về cô bé 10 tuổi bị hãm hiếp có bầu, cô nói rằng những người không cho cô bé phá thai là “cướp đi quyền con người, quyền phụ nữ của cô bé như thể phụ nữ sinh ra chỉ có ĐẺ và ĐẺ, không được mưu cầu hạnh phúc.”
Và luận điểm thứ 10, trích dẫn về Quyền phụ nữ : “Quyền của phụ nữ sở hữu cơ thể họ là điều cốt lõi lý giải tại sao chúng ta tồn tại và chúng ta là ai”.
Anh có thể giải thích rõ hơn về Quyền phụ nữ trong vấn đề phá thai hay không ?

– KM : Bất kể người nào,  dù nam hay nữ, ở bất cứ đâu, đều có quyền quyết định trên cơ thể mình, miễn điều này không đi ngược lại sự tự do và ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, đây là một trường hợp đặc biệt :  Một thai nhi là một con người thực thụ hay chỉ là một bộ phận trên cơ thể người nữ. Như phía trên chúng ta đã nói : Thai nhi là một con người. Tuy sống trong cơ thể của người mẹ, nhưng em vẫn là một con người. Nếu em không là người thì sẽ không phát triển thành người. Quyền phụ nữ là quyền chính đáng, nhưng không được phép đi ngược lại với quyền căn bản của một người khác, ở đây là quyền sống của một con người. Quyền phụ nữ giải phóng cho người phụ nữ thoát khỏi những bất công và thành kiến của xã hội. Theo như một nghiên cứu tại Hoa Kỳ, đến 93% các nguyên nhân dẫn đến việc phá thai đó chính là những áp lực từ xã hội. Thụ thai và làm mẹ là một “thiên chức” của người phụ nữ, vậy có phải chăng, chính định kiến của xã hội là thứ đã cản trở người phụ nữ được làm thiên chức của mình? Nếu gọi là giải phóng phụ nữ, sao chúng ta không giải phóng và bảo vệ người phụ nữ trước các định kiến này, để họ có thể thực hiện các thiên chức của mình?
Tại các quốc gia có nạn phá thai cao như : Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam…  người ta nhận thấy rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến phá thai đó chính là phân biệt giới tính. Các bé gái trở thành gánh nặng cho các gia đình. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Vì vậy, một khi biết là bé gái họ thường phá bỏ. Đây có phải là một bất công lớn nhất, thách thức đe dọa đến Quyền Phụ Nữ? Nếu ngay cả Quyền Sống của những bé gái không được đảm bảo thì chúng ta phải đặt vấn đề với tất cả các quyền còn lại. Chính việc phá bỏ các bé gái đã khiến nhiều quốc gia lâm vào tình huống mất cân bằng giới tính. Các nhà chính sách giật mình và bắt đầu loay hoay với các giải pháp như : “cấm siêu âm giới tính thai nhi”, v.v…. Các giải pháp này đều chỉ là mang tính cách tạm thời mà không thể giải quyết được vấn đề. Và vì thế, vấn nạn vẫn không được giải quyết. Phải chăng đòi quyền phụ nữ cũng phải đòi quyền sống cho những bé gái vì nạn phân biệt giới tính mà phải chết. Các chị em phụ nữ có cảm giác thấy mình bị xúc phạm, nếu những trẻ em đó khi có thể hỏi nguyên nhân chúng ta giết chúng và chúng ta đáp: “ Vì con là con gái”. Nguyên do này là một trong những nguyên do phá thai, vì vậy, không thể tách rời ra được.

Câu chuyện về bé gái 10 tuổi, quả thật là một nỗi đau với tất cả chúng ta. Nhưng hãy thử đặt lại vấn đề một chút : Bạn có tin rằng, giết chết một đứa trẻ này để đảm bảo tương lai cho một đứa trẻ khác là điều hợp lý hay không? Trong trường hợp này, chúng tôi nghĩ rằng, hãy xem xét trách nhiệm của chúng ta, trước khi nói đến các vấn đề khác, chúng ta không thể đứng ngoài những tội ác như thế. Trách nhiệm liên đới do sự vô cảm và thờ ơ là nguyên nhân dẫn đến nhiều sự việc đau lòng thế này. Bạn nói rằng “lỗi không nằm ở cô bé 10 tuổi ấy” và chúng tôi cũng nói “lỗi không nằm ở thai nhi”. Cả 2 đều là người vô tội. Vì vậy nếu chọn là việc phá thai đứa trẻ, tôi đề nghị một việc khác: Sau khi sinh đứa trẻ, hãy giết bỏ cô bé 10 tuổi ấy đi, thì em sẽ không có những hậu quả như bạn nói. Điều này có phải là tội ác hay không? Đúng, nếu có một đề nghị như vậy, thì đây quả thật là một tội ác. Nhưng hình dung lại thử xem, như từ đầu chúng ta khẳng định : thai nhi là một con người. Thì điều này rõ ràng là như nhau. Vì cả 2 đều là giết một con người vô tội. Tại sao đứa này được sống, đứa kia thì không?  Đứa trẻ sinh ra sau, có lẽ tương lai nó còn sáng hơn người mẹ 10 tuổi của nó đấy chứ, vì nó không phải chịu một quá khứ kinh khủng. Kỹ thuật y tế phát triển, cũng như các nghiên cứu về tâm lý sẽ giúp chúng ta có một hỗ trợ tốt nhất đối với cả mẹ lẫn con trong trường hợp này.

9- MC : Bên cạnh đó, Mỹ Linh còn đưa ra vài số liệu thống kê minh chứng cho các ca tử vong vì sinh đẻ sớm, ở tuổi vị thành niên, ngoài ra, cô còn đề cập đến các quốc gia xem cấm phá thai là đạo luật, khiến phụ nữ phải phá thai chui dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này như thế nào ?

– KM : Chúng tôi phải nói ngay : Cái chúng ta gọi là “phá thai an toàn” là việc an toàn hơn những ca phá thai chui mà thôi. Ngay cả những bệnh viện lớn vẫn xảy ra những trường hợp như : thủng tư cung, băng huyết, sót thai…. Hơn ai hết chính bác sĩ là người hiểu rõ hơn về việc này, vì thế họ đã cảnh báo rất nhiều.

Nếu nói rằng : cấm phá thai, người phụ nữ sẽ tìm đến phòng phá thai chui và sẽ có hậu quả đáng tiếc. Tôi cũng đề nghị một vấn đề khác tương tự : Ngày nay tỷ lệ chết do shock thuốc, tình trạng lây nhiễm HIV khi tim chích hoặc hút heroin tăng. Vậy nên có thể đề nghị chúng ta nên mở các “phòng chích heroin an toàn”. Ở đó, người ta sẽ được chích và mua dụng cụ cũng như các loại á phiện tốt hơn. Tránh các nguy cơ chết do shock thuốc, do chích không đúng chỗ, mua phải á phiện dỏm, nguy cơ lây nhiễm HIV… Nhưng tại sao mọi người lại nói đó là một ý nghĩ điên rồ? Cả xã hội người ta lên án việc hút heroin. Làm như vậy khác nào là ủng hộ hay không? Anh có hiểu hút heroin nó tàn phá con người thế nào không ? … Phá thai cũng vậy thôi : Phá thai là giết người – hút heroin cũng là một thứ giết người. Tại sao hút herion lại ngăn cấm, mà phá thai lại không? Tại sao dù hoàn cảnh nào của người hút heroin chúng ta cũng lên án, còn phá thai thì hàng chục lý do ủng hộ? Nếu để tránh những nguy cơ, hậu quả đáng tiếc với người nghiện, thì hãy đừng ngăn cấm việc buôn bán, sử dụng heroin… mà hãy hướng dẫn họ cách sử dụng và bán heroin an toàn.

Đạo đức chúng ta đang nói ở đây không phải là chuyện lựa chọn nước cam, nước yến hay trà đá mà là chuyện liên quan đến sự sống của một con người. Có người ủng hộ bạn nói rằng: “Đẻ được đứa con cũng là trả giá, trả bằng 1 cái giá khác mà thôi”. Ừ, hãy hỏi thử mẹ bạn xem cái “trả giá” nó xứng đáng không? Tại sao ngày xưa mẹ phải trả giá nhiều như vậy? Câu trả lời về “sự trả giá” này mẹ của bạn là người sẽ trả lời rõ nhất. Nếu bạn là một trẻ mồ côi – thì tôi chia buồn cùng mẹ bạn – vì bạn không hiểu rằng sự “trả giá” đó lớn như thế nào.

10- MC : Anh nghĩ sao về cái gọi là “phá thai an toàn” mà ngày 25/3/2014, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã ký tuyên bố kêu gọi cho phép phá thai hợp pháp an toàn rộng rãi sau cuộc hội nghị quan trọng với tổ chức IPAS, IPPF và Trung tâm Quyền sinh sản ?

– KM :  Tôi muốn nói một chút về thuyết ưu sinh – thuyết ưu sinh thịnh hành vào những năm cuối thề kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Được thực hiện tại các nước Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản và đỉnh cao nhất, được nhắc đến nhiều nhất là tại Đức dưới thời Hitler. Thuyết này cho rằng : “Các chủng tộc loài người có thể cải tiến, bằng cách nhân giống chọn lọc có kiểm soát, tạo ra những đứa trẻ với đặc điểm mong muốn, tình trạng hoàn hảo về sức khỏe, vóc dáng, trí tuệ”. Từ đây, học thuyết này là nguyên nhân khiến rất nhiều người bị ép buộc triệt sản nhằm loại bỏ các cá thể khuyết tật như người bị tâm thần, mù, điếc, phụ nữ có quan hệ tình dục bừa bãi, người đồng tính hay bộ tộc bị xếp vào loại “thoái hóa” hoặc “không đủ tiêu chuẩn” để tồn tại.”

Trong thập niên 1930 – 1940, chế độ phát xít đã thực hiện triệt sản ép buộc với hàng trăm nghìn người mà chúng coi là không đủ sức khỏe thể chất và tinh thần. 400.000 người bị triệt sản là con số ước tính trong giai đoạn từ 1934 – 1937 tại đây. Chế độ phát xít còn tàn bạo đến mức ép buộc những người tật nguyền phải chết thông qua chương trình “chết tình nguyện” bằng cách tiêm chất độc. Người ta cho rằng : nếu chính phủ không can thiệp loại bỏ thì những người khuyết tật và nhóm tội phạm sẽ sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều, tạo gánh nặng cho xã hội. Ngày nay chúng ta đã lên án thuyết ấy là một sự vô nhân đạo. Một thời học thuyết dược sử dụng rộng rãi, hay một vài nhóm người nào dó ủng hộ nhưng không đồng nghĩa với việc là nó đúng. Cũng vậy, các nhà lãnh đạo toàn cầu, họ lại ai? Họ đến từ đâu? Họ đại diện cho đối tượng nào? Những điều họ nói hay ủng hộ sẽ đúng mãi về sau, hay cũng giống thuyết ưu sinh? Nếu những thứ họ nói trái với luân thường đạo lý thì rõ ràng đây không phải là một cứ liệu vững chắc mang tính quyết định trong vấn đề này.

– MC : Chân thành cảm ơn anh đã chia sẻ cho chúng tôi cùng nhiều người khác về những kiến thức hữu ích cũng như những luận điểm khách quan từ những người bảo vệ sự sống thai nhi. Chúng tôi tin rằng, đó không chỉ là quan điểm đơn thuần của các tổ chức xã hội, mà còn là nguyên nhân và sứ mệnh thúc đẩy họ chống phá thai.
Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong chương trình sau.

– KM : Xin cảm ơn bạn rất nhiều ! Tại Việt Nam trung bình cứ 19s có một thai nhi bị phá bỏ. Hy vọng mọi người sẽ ý thức về tội ác này hơn. Phá thai thật sự chưa bao giờ là cách. Xin cảm ơn !

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x