“Mỗi khi chăm sóc đứa con lớn, tôi lại như thấy hai vong linh vô tội nhìn tôi như muốn hỏi, tại sao chúng con cũng là con mẹ mà không được mẹ yêu thương, nuôi nấng. Nhiều đêm, tôi không ngủ được vì nghĩ chúng đang đứng co ro ở góc giường”, chị Bích bộc bạch nỗi lòng.
- Cái ôm kỳ diệu đã giúp giành lại mạng sống cho con sinh non
- Thai nhi có phải là trẻ em?
- Những phần mộ thai nhi “ảo”
- Chế độ ăn và mức tăng cân chuẩn cho mẹ bầu
Phá thai vì… nghèo
(vui lòng xem thêm bài viết Nghèo không phải lý do để phá thai)
Hồng thầm kêu lên như vậy vào buổi sáng khi que thử thai hiện lên hai vạch, và sau đó khi gọi điện báo tin cho chồng đang làm ca chưa về, anh cũng thốt lên đúng câu ấy. Thay vì mừng vui vì có thêm một sinh linh chào đời, kết tinh của tình yêu, hai vợ chồng chỉ thấy sốc và ý nghĩ đầu tiên hiện ra trong đầu họ là: Một đứa đã khổ như thế này rồi, thêm đứa nữa thì nuôi kiểu gì, sống kiểu gì đây?
Vợ chồng Hồng là người Thái Bình lên Hà Nội làm ăn. Họ sống trong căn nhà trọ rộng 8m2 ở quận Hoàng Mai, công trình phụ dùng chung với những người thuê nhà khác. Vợ làm công nhân may, chồng nay việc này mai việc khác, hiện làm bảo vệ ca đêm cho một doanh nghiệp. Họ có một đứa con gái 17 tháng tuổi trước vẫn ở cùng bố mẹ. Sau thời kỳ nghỉ sinh, Hồng gửi con gái cho một bà nhận trông trẻ ở gần khu trọ.
Nhưng sau đó thấy con mãi chẳng lên cân, lại hay bị thâm tím và nhiều vết cào xước, nghĩ đến những trường hợp trẻ bị bảo mẫu hành hạ, hoặc vì bảo mẫu bất cẩn mà mất cả tính mạng, nên khi ông xã xin được chân bảo vệ chỉ chuyên làm đêm, Hồng quyết định không gửi con nữa, vợ chồng thay nhau trông những lúc không phải đi làm, lại tiết kiệm được một khoản tiền.
Thế nhưng, được mấy tháng, hai người đã thấy không ổn, bởi ông bố trẻ không biết chăm con. Anh vừa vụng vừa nóng tính, chẳng dỗ được con ăn, con ngủ, lại còn đau ốm liên miên. Cuối cùng, hai vợ chồng đành chấp nhận đề nghị mà ông bà nội đưa ra từ hồi mới sinh con: đưa em bé về quê cho ông bà nuôi dưỡng.
Chỉ có hai vợ chồng nên sự vất vả đã đỡ hơn nhiều, nhưng khó khăn vẫn chất chồng khi thu nhập của họ quá thấp, công việc của chồng Hồng bấp bênh không ổn định. Bởi vậy, cái tin Hồng có bầu như sét đánh ngang tai. “Trong đầu em chưa bao giờ có khái niệm phá thai. Em luôn cho rằng những người mẹ giết bỏ đứa con trong bụng mình là tội ác“, Hồng tâm sự.
Vậy mà người mẹ một con 24 tuổi này đã phải cân nhắc phương án “đi giải quyết” bởi họ hoàn toàn không có khả năng nuôi thêm một đứa trẻ lúc này. Sau 2 đêm dằn vặt, Hồng đã một mình đi gặp bác sĩ.
Chị Mỹ Anh tuy đã có nhà riêng nhưng vẫn coi sự xuất hiện của bào thai như một món quà không mong đợi. Mỹ Anh là giáo viên cấp một, còn chồng trước kia làm ở một công ty bất động sản, hiện đang chịu cảnh ngồi chơi xơi nước do công ty đã đóng cửa. Đồng lương giáo viên của Mỹ Anh dĩ nhiên không đủ để “bao” cả chồng và con nên lâu nay họ đang tiêu lạm vào số tiền tiết kiệm.
Mới đây, Mỹ Anh vì chủ quan nên sơ sểnh để cho có bầu. “Đứa lớn đã 3 tuổi, lẽ ra sinh đứa nữa cũng được rồi, nhưng tiền tiết kiệm đã gần hết mà chồng tôi vấn chưa có hy vọng tìm được việc. Một đứa trẻ ra đời tốn kém khủng khiếp, giờ mà để đẻ thì liều mạng quá“, Mỹ Anh nói, lý giải cho quyết định đi “kế hoạch” của mình.
Phá thai vì khó khăn không chỉ là lựa chọn của những người đã có một con. Vợ chồng Lâm – Thủy, những cử nhân mới ra trường một năm rưỡi và cưới nhau được 9 tháng, cũng vừa phải đưa nhau đến khoa Kế hoạch hóa gia đình của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
“Tình hình này thì phải mấy năm nữa bọn em mới dám sinh“, Lâm nói. “Đẻ con bây giờ thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ mà chúng em không muốn thế. Vợ em cũng vừa trúng tuyển vào một công ty rất được, đang thử việc mà chửa đẻ thì mất việc mất“.
Sa sút sức khỏe, nặng nề tâm linh
Thống kê gần đây cho thấy trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam phá thai 2,5 lần trong đời. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định đó. Nhưng với những người buộc phải hủy hoại đứa con mới tượng hình chỉ vì nỗi ngặt nghèo về kinh tế, nỗi day dứt và khổ tâm sẽ càng cao, nhất là với những người không chỉ đi “giải quyết” một lần như chị Bích, 34 tuổi, quê gốc Hà Nam, đang sống ở huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Người phụ nữ này từng òa khóc nức nở khi cùng người chị họ đi xem bói, ông thầy bói bảo: “Có mấy cái vong trẻ con đang đứng sau lưng cô kia kìa. Cô đi đến đâu, chúng nó theo đến đấy. Chúng nó yêu cô lắm nhưng cũng oán hận cô lắm“. Cho dù nhiều người vẫn khuyên giải rằng đừng tin vào các ông thầy bói bịp bợm, chị Bích vẫn không nguôi sợ hãi, dằn vặt bởi sự thực, chị đã hai lần phá thai.
“Trước đó tôi đã rất hay suy nghĩ về vong linh tội nghiệp của hai đứa con bị tôi tước quyền sống, nhưng cứ cố an ủi mình để quên đi. Đến khi ông thầy đó nói, thì tôi không thể bình yên được nữa. Tôi đã nhờ làm lễ cầu siêu cho chúng, đưa chúng lên chùa, ngày rằm mùng một tôi đều hương khói, nhưng vẫn luôn luôn hình dung ra những cái bóng bé nhỏ ấy đi theo”.
“Mỗi khi chăm sóc đứa con lớn, tôi lại như thấy hai vong linh vô tội nhìn tôi như muốn hỏi, tại sao chúng con cũng là con mẹ mà không được mẹ yêu thương, nuôi nấng. Nhiều đêm, tôi không ngủ được vì nghĩ chúng đang đứng co ro ở góc giường“, chị Bích bộc bạch nỗi lòng.
Không chỉ phụ nữ, có những ông bố cũng không tìm được bình yên sau khi từ bỏ đứa con vì quá nghèo. Anh Sơn, 32 tuổi, sống ở Lĩnh Nam, Hà Nội, tâm sự: “Cách đây 4 năm, vợ tôi phải phá thai vì lúc đó hoàn cảnh chưa nuôi được. Từ đó đến nay tuy không nói ra vì sợ vợ buồn rồi lo nghĩ, nhưng quả thật tôi hối hận lắm. Tôi cứ nghĩ nếu để lại thì nó cũng đi mẫu giáo rồi, cũng múa hát líu lo như con người ta“.
Anh Sơn cho biết điều làm anh thấy không an lòng nữa là đứa con bị ruồng bỏ đó không có một phần mộ, bởi khi bị đưa ra khỏi tử cung người mẹ, nó chỉ là những giọt máu nhỏ nhoi, trở thành rác thải y tế đem đi tiêu hủy. Ý nghĩ đó khiến tâm linh anh Sơn luôn thấy nặng nề. Cho dù đã đưa vong linh con lên nương tựa cửa chùa, anh vẫn không hoàn toàn thanh thản.
Ngoài chuyện tâm linh, những thiệt hại về sức khỏe cũng là hậu quả thường thấy ở những người phá thai vì nghèo, bởi họ cũng là đối tượng ít có hiểu biết về sức khỏe sinh sản, cũng như ít điều kiện để chăm sóc bản thân. Chị Hạnh Dung, 31 tuổi, công nhân ở một công ty chế biến thực phẩm, cho biết do ông xã đã có thu nhập tốt hơn nên họ quyết định sinh con thứ hai sau nhiều năm “kế hoạch”, nhưng gần 2 năm mà không đậu thai. Đó là chưa kể, sức khỏe của chị rất tệ so với trước đây.
“Bác sĩ nói tôi bị viêm nhiễm nặng, dính tử cung sau mấy lần phá thai trước, giờ đang chữa nhưng kết quả chẳng biết thế nào“, Dung nói. Rất nhiều phụ nữ từng phá thai đã và đang phải gánh hậu quả tương tự. Hạnh Dung nói, chị vẫn biết phá thai dễ gây vô sinh nhưng hoàn cảnh khó khăn, nuôi cả bầy con nheo nhóc thì cũng có tội với con.
“Nhà nước cũng đâu có khuyến khích đẻ nhiều trong khi không có điều kiện nuôi dạy con tốt“, Hạnh Dung biện bạch về chuyện cứ chửa là phá trước đó. Về điều này, chị nói đúng, có điều Hạnh Dung cũng như vô số phụ nữ khác đã quên mất rằng, nếu chưa có điều kiện làm mẹ, họ có rất nhiều cách tránh mang thai, và nhất là, phá thai hoàn toàn không phải là một phương pháp tránh thai.
Theo Xzone