Sâu trong một con ngõ nhỏ thuộc KP4 phường Hố Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai) có một nghĩa trang kỳ lạ người dân địa phương gọi là nghĩa trang đồng nhi. Đó là nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn sinh linh bé nhỏ không được may mắn làm người.
- Bà bầu uống sữa: Thừa, thiếu đều nguy!
- Người đàn bà ‘trần gian có một’
- Người mẹ bất hạnh tiễn biệt con mình
- Sững sờ nghe tuổi teen “Uống thuốc sốt rét để phá thai”
Ấm lòng hàng vạn sinh linh
Không có nhiều người biết, ngay giữa lòng TP Biên Hòa tồn tại một khu nghĩa trang rất đặc biệt, nơi chôn cất của cả vạn thai nhi xấu số. Người lập nên nghĩa trang này là linh mục Nguyễn Văn Tịch.
Khi về nhà thờ Tây Hải vào năm 2010, linh mục Nguyễn Văn Tịch đã trình bày ý tưởng xây dựng một khu chôn cất thai nhi bị bỏ đi mà ông ấp ủ bấy lâu. Ý tưởng của ông đã nhận được sự ủng hộ của bà con giáo dân nơi đây. Ngày 1/1/2011, khu nghĩa trang chính thức được xây dựng trên diện tích 200 m2.
“Nghĩa trang đồng nhi được thiết kế và xây dựng theo mô hình của hai bàn tay, các thai nhi được chôn cất trong các ngón tay. Biểu tượng bàn tay mang ý nghĩa nâng đỡ, che chở, đối nghịch với bàn tay kéo các thai nhi ra khỏi lòng mẹ, đã cắt đi mầm sống đáng ra các em phải được hưởng”, linh mục Nguyễn Văn Tịch tâm sự.
Cũng theo linh mục Nguyễn Văn Tịch, tính đến cuối tháng 7/2015 đã có hơn 1 vạn hài nhi bị vứt bỏ được chôn cất tại đây. Các thai nhi được tình nguyện viên thuộc Đội thai nhi của nhà thờ thu gom từ các phòng khám trên địa bàn TP Biên Hòa và các vùng lân cận. (YSS cập nhật : hiện tại đã có 10.694 hài nhi được chôn cất tại đây tính đến tháng 10/2015)
Đều đặn, cứ mỗi tối thứ 7 cuối cùng của tháng, nghi lễ chôn cất được tiến hành. Trước khi chôn cất, các bạn trẻ tình nguyện trong “Đội thai nhi” tắm rửa và mặc áo cho các thai nhi một cách cẩn thận, tỉ mỉ.
Vào chủ nhật của ngày hôm sau, nhà thờ làm lễ chung cho tất cả các hài nhi với sự tham gia của hàng ngàn người. Sau đó, đưa các em ra chôn cất tại nghĩa trang xứng đáng như một con người.
Nếu ai đó vô tình đến khu nghĩa trang này có thể lầm tưởng nơi đây là một công viên xinh đẹp chứ không thể nghĩ đây là nơi an nghỉ ngàn thu của hàng vạn sinh linh tội nghiệp. Bởi nghĩa trang như một công viên thu nhỏ với đầy hoa, cây kiểng, có treo gấu bông… để hương hồn các em được tận hưởng những thú vui tuổi thơ như các em bé bình thường. Ở nghĩa trang này, ngày nào cũng có người đến thăm viếng và thắp lên phần mộ chung những nén nhang để sưởi ấm linh hồn các em.
Cảm nhận nỗi đau của hài nhi…
Chị Nguyễn Thị Căn (45 tuổi) là người đã có 5 năm nhiệt tình tham gia công tác quy tập, chôn cất thai nhi ở nghĩa trang này. Hỗ trợ chôn cất hàng ngàn thai nhi nên chị cũng gặp gỡ, biết nhiều câu chuyện đau lòng.
Chị Căn tâm sự: “Có những cô gái trót lỡ, từng phá bỏ bào thai vô tội. Khi họ quay lại phòng khám kiểm tra sức khỏe, biết được đứa con của mình được chôn cất đàng hoàng tại nghĩa trang này đã tìm đến khóc lóc vật vã, nằm dài cả ngày trước những ngôi mộ thai nhi như thể muốn được xưng tội, hối lỗi về quá khứ sai lầm của bản thân”.
Đinh Thị H. là một bạn trẻ tình nguyện của “Đội thai nhi” thì hết sức bức xúc: “Trong số các hài nhi bị phá bỏ, có nhiều em đã được hơn 8 tháng tuổi với nguyên vẹn hình hài chuẩn bị cất tiếng khóc chào đời. Vậy mà cha mẹ các em vẫn vô tâm phá bỏ…”.
“Có nhiều thai nhi trong quá trình nạo phá bị tiêm thuốc để làm chết bào thai, làm cho thai nhi nhỏ lại, dễ dàng ra khỏi lòng người mẹ. Khi thu nhận các em từ phòng khám về, nhìn thấy toàn thân các em một màu tím tái rất đáng thương”, H. phẫn nộ.
Linh mục Nguyễn Văn Tịch cũng chia sẻ: “Tôi có biết trường hợp một nữ sinh viên đại học tên N.T.H (19 tuổi), quê ở Vũng Tàu lỡ trao thân cho bạn trai cùng trường. Nữ sinh ấy cũng từng có dự định phá bỏ bào thai của mình nhưng sau khi đến thăm nghĩa trang và cảm nhận nỗi đau của những thai nhi bị vứt bỏ, H đã thay đổi thái độ và quyết định giữ lại giọt máu của mình”.
Do vậy, linh mục Nguyễn Văn Tịch mong là các bạn trẻ trước khi có ý định bỏ đi giọt máu của mình, hãy đến nơi đây để cảm nhận nỗi đau của những hài nhi và có quyết định đúng đắn.
Theo Dân Trí