Nghĩa trang hài nhi đẫm nước mắt trên núi Hòn Thơm

Cách TP. Nha Trang khoảng 10km có một nghĩa trang rất đặc biệt, đó là nơi an nghỉ của 10.000 hài nhi xấu số, không có cơ hội làm người.


Để có được khu đất trên núi cao này, người đàn ông tên Tống Phước Phúc đã phải tự bỏ tiền túi ra mua núi làm nơi trú ngụ cho linh hồn của các hài nhi…

Bố mẹ xin lỗi con…

Đi qua những con đường đất ngoằn ngoèo trong khu dân cư mới, vừa đi vừa hỏi đường, chúng tôi đến nghĩa trang hài nhi, nằm chênh vênh trên núi Hòn Thơm (thuộc xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Chị Huỳnh Thị Kim Lợi (tên hay gọi là Bê) dẫn chúng tôi men theo con đường nhỏ, đi tắt đến ngay chân núi Hòn Thơm. Chị là cánh “tay phải” của ông Tống Phước Phúc – “ông chủ” của nghĩa trang hài nhi, là người chăm sóc cho 10.000 ngôi mộ nhỏ nơi đây.

 Bánh sinh nhật trong nghĩa trang hài nhi Hòn Thơm
Bánh sinh nhật trong nghĩa trang hài nhi Hòn Thơm

Chị Kim Lợi cho biết, khu đất rộng 6.000m2 được ông Tống Phước Phúc mua lại làm chỗ “đi về” cho hài nhi. Trước đây, khu vực nghĩa trang này toàn núi đá. Do có nghề xây dựng nên ông Phúc đã tự tay khai thác đá núi để có phần đất dành cho những hài nhi xấu số. Nghĩa trang hài nhi nơi đây còn được gọi bằng những cái tên như nghĩa trang Hoa hồng, nghĩa trang vô danh…

Chứng kiến những đứa trẻ xấu số không được làm người, bị cha mẹ vứt bỏ mà không có nơi chôn cất, ông Tống Phước Phúc đã đưa những sinh linh bé nhỏ ấy đi an táng, thế nhưng nhiều hôm số lượng trẻ qua đời nhiều mà không có chỗ “nằm” nên ông nghĩ đến núi Hòn Thơm. Với 10.000 hài nhi nơi đây, ông Phúc đã tự tay thiết kế, làm mộ cho những đứa trẻ xấu số. Ngay khi bước chân vào nghĩa trang, nhiều người lầm tưởng đang… lạc vào một nhà trẻ, bởi những ngôi mộ ở đây được tô sắc màu, chính giữa nghĩa trang là tạo hình một chiếc bánh sinh nhật nhiều màu bằng xi măng.

Chỉ vào ba ngôi mộ vừa mới trát xi măng, chị Kim Lợi bảo tôi: “Các ngôi mộ này được làm đêm qua, các cháu được đưa về từ bệnh viện phụ sản. Ông Phúc muốn hài nhi được đối xử tử tế như khi còn sống nên rất tận tâm. Nhiều người ác ý đã gọi ông là Phúc “khùng” nhưng những người hiểu chuyện thì đều biết rằng, xuất phát từ cái tâm nên ông Phúc đã tự bỏ tiền ra mua đất, phá đá, mua xi măng, vôi sơn để làm nên nghĩa trang hài nhi này…”.

Ở Nha Trang, chuyện ông Tống Phước Phúc đi thu gom những đứa trẻ xấu số đã trở thành chủ đề bàn tán của người dân trong một thời gian dài; nhiều người còn cho rằng, ông thu mua những hài nhi xấu số đó để bán đi… Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó, ông đã được minh oan khi làm nên nghĩa trang hài nhi này. Ở đây, có rất nhiều ngôi mộ nhỏ không có tên, bởi các em được sinh ra từ sự chối bỏ của cha mẹ, những hài nhi ấy được ghi trên mộ là “vô danh”. Một số ngôi mộ được đặt tên là ngày sinh, hoặc ngày mất của các em, rất ít ngôi mộ có tên… Chỉ sang bên trái, chị Kim Lợi cho tôi biết, đây là khu mộ của các em nhỏ có tên, nhưng tên các em được đặt theo quê quán của cha mẹ như: Tống Phước Ninh Thuận, Tống Phước Cao Bằng, Tống Phước Bắc Giang…

Dẫn tôi ra lối vào nghĩa trang, chị Kim Lợi kể: “Tấm bảng ghi chữ “Bố mẹ xin lỗi con” là một điều đặc biệt. Nó là lời xin lỗi của những ông bố bà mẹ đã “lỡ” vứt bỏ một phần cơ thể mình… Nhiều cô gái trẻ sau khi biết con mình được chôn ở đây, đến thăm con đều quỳ khóc dưới tấm ảnh này như một lời sám hối muộn màng…”.

 Ông Tống Phước Phúc cùng các con trong nhà
Ông Tống Phước Phúc cùng các con trong nhà

Cha của… 20 đứa trẻ

Ông Phước Phúc cho biết: “Hơn 10 năm về trước, do hai vợ chồng lấy nhau đã lâu mà chưa có con nên tôi và vợ thường xuyên phải ra vào bệnh viện để khám. Chứng kiến nhiều cô gái trẻ bỏ đi những đứa con chưa kịp làm người, tôi rất xót xa. Trong thời gian đó, tôi đã quyết định mua đất trên núi Hòn Thơm để làm nghĩa trang hài nhi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, không thể cứ hàng ngày đi gom xác hài nhi mãi như thế được. Tôi khuyên những cô gái trẻ nên giữ lại những đứa trẻ ấy, bởi chúng không có tội, chúng cũng được có quyền làm người…“.

Mái ấm cho trẻ bị bỏ rơi

Với tình thương và lòng nhân ái, gần tám năm nay, số nhà 56/3 đường Phương Sài (TP. Nha Trang, Khánh Hoà) trở thành mái ấm của nhiều em nhỏ bị bỏ rơi, không có nơi nương tựa. Sau khi gặp những cô gái trẻ định bỏ thai, ông khuyên nhủ họ nên giữ lại thì các cô ấy bật khóc, nói là một phút lầm lỡ nên đã làm hỏng cuộc đời, cũng không thể giữ đứa bé lại vì sợ cha mẹ biết và không thể nuôi được con. Thế rồi, ông đã quyết định nuôi cả mẹ lẫn con. Đến khi đứa trẻ chào đời, ông nhận nuôi đứa con để các cô gái trẻ đi tìm tương lai mới, cứ thế, đến nay, nhà ông đã có 20 đứa trẻ, từ 1 đến 8 tuổi.

Cùng với việc cưu mang những đứa trẻ, hàng ngày ông thuê một cô giáo gần nhà đến dạy chữ và dạy hát cho chúng, bé nào đến tuổi đi học, ông ghi tên để vào trường Tiểu học Phương Sài học tập. Tất cả 20 đứa trẻ ở đây đều gọi ông là ba, chúng sống rất tình cảm. Khi biết chúng tôi định chụp ảnh ba Phúc, chúng ôm lấy ba, ngồi vào lòng ông Phúc để chụp cùng.

Ông Phúc bộc bạch: “Để lo cho 20 đứa trẻ ăn học và nghĩa trang hàng ngày phải xây thêm mộ, mua hương hoa, tôi đã phải tiết kiệm tiền từ công việc và một sạp bán quần áo của vợ. Thấy tôi làm việc phúc, một số người hảo tâm cũng góp sức vào để chăm lo cho những đứa trẻ ấy có một mái ấm bình yên“.

Theo ông Phúc, sau một thời gian bỏ con lại đây, một số cô gái trẻ đã quay lại đưa con về với gia đình của mình, một số khác thì đã lấy chồng. Một số người còn gọi điện cho ông và nói rằng, hiện giờ đã có gia đình yên ấm, nhờ ông nuôi hộ con và đừng nói cho chồng cô ấy biết, vì sợ gia đình tan vỡ… 20 em nhỏ được ông Phúc cưu mang ở đây, mỗi em có những số phận khác nhau. Ông bảo, tuy không sinh ra nhưng ông rất yêu thương chúng. Hàng ngày đi làm về, nhìn thấy tụi nhỏ ào ra đón mình, dường như mọi mệt nhọc đều tan biến hết.

Nhìn những đứa trẻ ríu rít bên cạnh ông Phúc, chúng tôi hiểu rằng, hạnh phúc của ông là nhìn thấy chúng được ngoan ngoãn, khôn lớn. Ông Phúc có cách đặt tên riêng cho con rất khác. Ví dụ con trai thì ông đặt là Vinh, với mong muốn sau này chúng được vinh hiển. Ông ghép tên và quê quán của mẹ vào với con như: Tống Phước Lâm Vinh (tức quê mẹ ở Lâm Đồng), Tống Phước Nam Vinh (Quảng Nam). Con gái thì ông đặt là Tâm để mong sau này, các con khôn lớn sẽ có một trái tim nhân ái, biết hướng thiện như: Tống Phước Quảng Tâm, Tống Phước Ninh Tâm… Đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi ngay trước cửa nhà ông Phúc đúng vào đêm 30 tết, ông đặt tên con là Tống Phước Xuân Tâm để sau này mẹ bé có tìm về thì biết để nhận con.

Bảo Quyên

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x