Việc lựa chọn giới tính thai nhi đã cướp đi quyền sống của 2.000 bé gái mỗi ngày tại quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới bằng hình thức phá thai, thậm chí giết chết ngay sau khi sinh, Bộ trưởng Bộ phát triển phụ nữ và trẻ em Ấn Độ, bà Maneka Gandhi cho biết.
- 56 triệu ca nạo phá thai mỗi năm trên thế giới
- Mẹ từ chối phá thai – con 12 tuổi có IQ vượt Einstein và Stephen Hawking
- Có phải xã hội áp đặt việc phá thai lên các thai nhi ?
- Một góc nhìn nhân ngày lễ Tình Nhân 14/02
Vừa qua, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình NDTV, bà Gandhi nói rằng: “Mỗi ngày, khoảng 2.000 bé gái bị giết khi còn là bào thai. Một số trẻ bị giết sau khi sinh bằng cách lấy gối đè lên mặt cho ngẹt thở đến chết”.
Mặc dù luật pháp cấm việc xét nghiệm giới tính thai nhi nhưng điều này vẫn được thực hiện thường xuyên tại nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ.
Điều tra dân số năm 2011 cho thấy mặc dù tỉ lệ nữ/nam về tổng thể có cải thiện chút ít, nhưng số bé gái được sinh ra vẫn ít hơn nhiều so với bé trai, trong đó số các bé gái dưới sáu tuổi giảm liên tiếp trong vòng 5 thập kỷ. Một nghiên cứu của tạp chí Y học The Lancet số tháng 5/2011 phát hiện ra rằng, có tới 12 triệu thai nhi giới tính nữ đã bị phá thai trong vòng 30 năm tại Ấn Độ, khiến tỷ lệ sinh theo giới tính giảm mạnh từ 962 bé gái/1000 bé trai (năm 1981) xuống còn 918/1000 (năm 2011).
Truyền thống văn hóa Ấn Độ vốn xem con trai như một thứ tài sản đáng giá, là niềm tự hào và trụ cột gia đình trong tương lai, trong khi đó con gái bị xem như một thứ “của nợ” với nỗi lo về số của hồi môn mà cô gái phải mang theo khi về nhà chồng, nếu muốn được tôn trọng. Ngoài ra, ở nơi mà tình dục trước hôn nhân luôn là nỗi sỉ nhục lớn đối với gia đình thì việc sinh con gái có vẻ như là rất thiếu an toàn.
Bà Gandhi cũng cho biết, chiến dịch “Cứu lấy các bé gái, giáo dục cho bé gái’’ của chính phủ nhằm giảm thực trạng đáng lo ngại nói trên đã cho thấy hiệu quả ban đầu kể từ khi được tiến hành vào tháng Giêng năm nay.
Chương trình được thí điểm tại 100 huyện và thành phố, những nơi có mức chênh lệch giới tính trong trẻ sơ sinh cao nhất. Trong đó, chủ yếu đẩy mạnh việc thực thi lệnh cấm xét nghiệm giới tính thai nhi và thúc đẩy việc đưa trẻ em gái tới trường.
Việc thực hiện chiến dịch đã đưa tới kết quả là hàng trăm bé gái được đưa đến các trại mồ côi. Tại các địa phương như thành phố Amritsar hay bang Tamil Nadu, có hàng trăm trẻ được các trại mồ côi đón nhận chỉ trong vòng một tháng. Nhưng theo bà Gandhi, dù sao đây cũng là một kết quả đáng mừng, bởi thay vì bị giết, các em vẫn giữ được mạng sống, mặc dù bị chính gia đình mình từ bỏ.
Theo Dantri