Chợt nghĩ đến những cô gái lầm lũi một mình đi phá thai, họ phải gồng mình lắm mới đủ sức lê bước trở về, vừa gắng gượng chịu nỗi đau không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Tôi rùng mình…
- Ám ảnh đằng sau những vụ phá thai của nữ công nhân
- Cảm động hai nông dân âm thầm xây nghĩa địa cho 5.000 hài nhi
- Công nhân phá thai: “Chuyện thường” ?
- Vật dụng y tế cần chuẩn bị khi du lịch cùng bé
Ngoài khu vực riêng dành cho chị em, khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Tù Dũ (TP.HCM) còn có phòng chờ dành cho thân nhân. Đa phần người ngồi ở đây là đàn ông. Họ là chồng, là bạn trai của những phụ nữ đến đây bỏ thai.
Khác với gương mặt đầy lo âu thường thấy của chị em, các chàng trai đưa “đối tác” đi phá thai mỗi người một vẻ, mỗi tâm trạng khác nhau. Có người dùng khẩu trang che mặt, mắt dán vào màn hình điện thoại hàng giờ liền trong lúc chờ đợi. Có người mượn băng ghế làm chỗ ngả lưng, đánh một giấc ngon lành. Người nóng ruột đứng ngồi không yên, thỉnh thoảng lại bước đến gần khu vực cách ly, toan bước vào trong thì bảo vệ bị can ngăn.
“Biết là thiệt thòi cho thân con gái, nhưng…”
Trong nhóm những người đang đợi thang máy để lên tầng 4, khu M, Bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi gặp đôi trẻ có điệu bộ lúng túng, e ngại. Cô gái bịt khẩu trang y tế che nửa khuôn mặt, tay nắm chặt vạt áo chàng trai đi cùng. Ít phút, họ lại quay sang thì thầm vào tai nhau điều gì không ai rõ, chỉ thấy đôi chân mày được tiả gọn gàng của cô gái chốc chốc chau lại.
Bước vào khoa Kế hoạch hóa gia đình, cặp đôi tức tốc dắt nhau đến bàn đăng ký, lấy số rồi đóng tiền. Khi cô bạn gái cầm hóa đơn viện phí vừa khuất sau hành lang phòng cách ly, chàng trai thả người xuống ghế, dáng uể oải.
Bắt chuyện với chàng trai trẻ, chúng tôi biết được cậu tên Phan Văn T. (đến từ Kiên Giang) sinh viên năm cuối một trường đại học trong thành phố. Những câu hỏi tìm hiểu về hoàn cảnh cá nhân cũng như lý do phải bỏ thai dường như chạm trúng bầu tâm sự của T.
T rầu rĩ: “Phải bỏ thôi vì bây giờ cả hai còn trẻ quá. Biết là thiệt thòi cho thân con gái, nhưng nếu cưới chạy bây giờ hai chúng em chẳng biết phải xoay xở thế nào. Vả lại, em cũng muốn được bay nhảy một thời gian nữa…”.
T. và bạn gái yêu nhau đến nay đã gần 4 năm. Cặp đôi sống như vợ chồng, mọi vấn đề sức khỏe, chu kỳ kinh nguyệt của bạn gái chàng sinh viên tự tin nắm rõ.
“Em thương bạn gái lắm. Mỗi khi nó bệnh là em đưa đi khám ngay, toàn chọn những chỗ uy tín. Mấy hôm rồi em thấy nó có biểu hiện khác lạ như nôn ói… nhưng chủ quan vì bạn gái em yếu hay bệnh vặt và những triệu chứng trên cũng thường xuyên xảy ra. Đến bệnh viện siêu âm, bác sĩ nói bạn gái em đã có thai. Hai đứa bất ngờ quá trời!”, T. nói thêm.
Như muốn nhấn mạnh mình không phải là người thiếu ý thức trong vấn đề phòng tránh thai, T. nói: “Em luôn sử dụng bao hoặc áp dụng biện pháp tính ngày rụng trứng. Sau vụ này, bạn gái em nó giận. Còn em thì thấy áp lực vì không hiểu vì sao đã cẩn thận thế rồi mà vẫn dính bầu“.
Chàng trai miền Tây mơ hồ khi nói về tương lai của cả hai: “Em với nó chắc phải tạm xa nhau một thời gian. Không phải em rũ bỏ trách nhiệm hay không thương, mà là nghĩ cho hai đứa. Em ở lại Sài Gòn kiếm việc làm, dành chút vốn liếng; còn bạn gái về quê, đợi vài năm nữa em sẽ hỏi cưới“.
Bạn gái T. bước ra khỏi phòng khám với một bọc thuốc trong tay. Cậu vội vã đứng lên hỏi han và vuốt ve người yêu. Cả hai dìu nhau bước ra khỏi khu vực phòng chờ, cũng vội vã như lúc bước vào.
Cám cảnh nơi phá thai
Với tâm lý ngại đến các trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản lớn để phá thai vì sợ gặp người quen hay tên tuổi người yêu bị lưu trong hệ thống của bệnh viện, Nguyễn Quang B. (sinh năm 1996, ngụ tại Tân Bình) quyết định đưa bạn gái đến một phòng khám tư để bỏ thai; thế nhưng, mất 1 triệu đồng mà cặp đôi vẫn chưa đạt được mục đích.
Quang B. tức tối kể: “Không ngờ một bệnh viện tư, quy mô lớn, nằm trong tòa nhà chọc trời giữa trung tâm Sài Gòn mà lại có cách làm ăn như thế. Em đưa bạn gái đến quầy tiếp nhận bệnh nhân và nói bạn em muốn khám xem có thai hay không. Thay vì cho đi siêu âm và trả kết quả, họ bắt bạn gái em thực hiện hàng tá xét nghiệm với tổng lệ phí lên đến 1 triệu đồng. Khám thai nhưng rốt cuộc vẫn không biết chính xác thai bao nhiêu tuần tuổi, thay vào đó lại ‘lòi’ ra một số bệnh trời ơi đất hỡi”.
Biết mình không thể kham nổi với cách làm việc của phòng khám tư, B. liều mình đưa bạn gái đến khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Từ Dũ vào đầu giờ chiều cùng ngày. Qua siêu âm, bác sĩ thông báo cái thai đã 3 tuần tuổi và cho biết có thể bỏ thai bằng thuốc.
Thanh toán hóa đơn tiền khám xong, B. quay lại hàng ghế chờ. Cậu kéo chiếc mũ lưỡi trai màu xanh lá đã sờn xuống thấp hơn, cố tìm chỗ để chợp mắt sau một ngày dài lang thang khắp các phòng khám.
Giọng cậu mệt mỏi: “Biết thế thì đến bệnh viện ngay từ đầu cho khỏe, đi lung tung tốn tiền rồi lại mất thêm thời gian. Kiểu này chắc phải ở đây tới tối”.
Ở góc độ nào đó, những chàng trai trên vẫn được xem là “đối tác” có trách nhiệm khi chịu đi cùng bạn gái đến phòng khám để “giải quyết” hậu quả sau những cuộc ái ân không an toàn. Trong số những người phụ nữ đang chờ đợi ở khu vực cách ly, không ít những cô gái lầm lũi một mình đi vào và cô đơn bước ra, bỏ lại sau đôi vai gầy những ánh nhìn ái ngại xen lẫn thương cảm.
Đặng Minh C. (ngụ tại quân 3) một người chồng trẻ đưa vợ đi kiểm tra thai lưu lắc đầu nói: “Tôi ngồi đợi vợ ở đây có 2 ngày chứng kiến bao nhiêu câu chuyện đau lòng. Nhiều cô gái xinh đẹp, trẻ trung bước vào nơi ‘cực chẳng đã’ này một mình”.
Anh C. vừa dứt lời. Vợ anh bước ra. Người phụ nữ vẫn còn trẻ gần như quỵ ngã, cánh tay người chồng kịp dang ra đỡ lấy. Cô khóc nức nở, những giọt nước mắt tuôn dài trên má. Một người mẹ không may mắn đã không giữ được con vì thai quá yếu.
Chợt nghĩ đến hình ảnh những cô gái lầm lũi một mình đi phá thai, chắc họ đã phải gồng mình lắm mới đủ sức lê bước trở về, vừa gắng gượng chịu nỗi đau không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Tôi rùng mình. Chẳng biết những câu “thề non hẹn biển” của các chàng với người yêu có còn nhưng mất mát đã hiện hữu ngay sau khi những đôi vai gầy bước ra khỏi phòng phá thai…
Theo Thanh Niên