Câu chuyện bà chủ quán cơm và 3.000 ngày nhặt xác thai nhi

Xuất phát từ thiện tâm khi thấy những em bé có số phận kém may mắn, thai nhi bị bỏ rơi, bà Lành đã bàn với chồng con quyết định đi đến các bệnh viện, trạm xá xin hài nhi đưa về khâm liệm và chôn cất.


Cái duyên lạ lùng với những hài nhi xấu số

Một ngày giữa trưa tháng 10, chúng tôi về xã Đức Yên, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) để diện kiến bà Trần Thị Lành, sau khi nghe câu chuyện đầy đầy tính nhân văn từ một người bạn.

Từ đầu xóm, hỏi thăm đường về nhà bà Lành, người dân ai ai cũng chỉ dẫn rất nhiệt tình: “Việc làm của bà ấy rất phúc đức, người dân chúng tôi đều khâm phục. Một việc làm xuất phát từ tâm, không đòi hỏi được đền đáp”.

Ngày chúng tôi tới, bà Lành đang tất bật chuẩn bị các món ăn để cho khách kịp ăn vào buổi trưa. Gia đình bà mở quán cơm Hồng Lành nằm trên QL8A, đối diện Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ.

Khi nghe chúng tôi hỏi thăm về công việc thầm lặng bao năm nay của bà, bà Lành có vẻ ái ngại, bởi trong thâm tâm bà luôn nghĩ, bản thân bà việc làm ấy không phải để nhận sự ca ngợi, cảm kích.

Bắt đầu câu chuyện nhanh khi đang luôn tay chuẩn bị thức ăn tại quán cơm, bà Lành chỉ cười nói: “Mỗi một thai nhi sinh ra đều đã là con người. Nhìn cảnh tượng những linh hồn xấu số bị bỏ rơi, ai cũng thương xót chứ không riêng gì bản thân tôi”.

Sau câu nói ấy, bà đánh ánh mắt về phía chúng tôi và hỏi: “Nếu thấy các thai nhi như vậy các cháu có sợ không? Có dám lại gần không? Nếu mình không sợ hãi, muốn được chôn cất để những linh hồn này được an ủi thì các cháu sẽ làm được”.

Nghe xong câu nói của bà, trong suy nghĩ, tôi tự thấy, đối với người phụ nữ này, công việc thầm lặng ấy là cả tấm lòng người mẹ muốn được sẻ chia với những linh hồn xấu số. Niềm vui khi được thực hiện công việc này hiện hữu rõ trên khuôn mặt của bà.

Trong câu chuyện bị ngắt đoạn do bà Lành vừa làm việc vừa trò chuyện, được biết, cái duyên khi bà bắt đầu công việc thầm lặng này là vào năm 2007. Khi ấy, bà bị ám ánh nhiều ngày liền bởi hình ảnh một nấm mồ nhỏ, đất xung quanh đã bị xới tung tóe. Ít ngày sau, nấm mồ nhỏ gần như mất hẳn do bị con vật nào đó đào xới…

Cảm thương và suy nghĩ nhiều về những số phận của các hài nhi nhỏ xấu số, bà quyết định bàn bạc với chồng con đến các bệnh viện, trạm xá xin xác hài nhi đưa về chôn cất tử tế. Thậm chí, để những linh hồn này được an ủi, bà còn tìm kiếm từ những bãi đất hoang các nấm mồ vô chủ, cô đơn để đưa về nghĩa trang chôn cất.

Những xác thai nhi được bà Lành nhặt về khâm liệm và chôn cất tử tế tại nghĩa trang
Những xác thai nhi được bà Lành nhặt về khâm liệm và chôn cất tử tế tại nghĩa trang

Từ ý định trên, bà Lành đã tới các bệnh viện, trạm xá, đặt vấn đề với hộ lý tại đây và dặn họ nếu có ai vứt xác thai nhi thì xin hãy gọi, bà sẽ tới khâm liệm và mang về chôn cất đàng hoàng. Từ ngày đó đến nay, mỗi khi có ai thông báo, dù bận bịu công việc hay mưa gió thế nào bà cũng bỏ đó mà chạy xe đến mang các thi thể hài nhi xấu số về…

Bà Lành chia sẻ: “Sau khi nhặt những em bé bị phá thai còn nguyên hình hài, máu me, tôi mang về tắm rửa sạch sẽ, sau đó cho vào tiểu sành và mang ra nghĩa trang chôn cất cẩn thận”. Nghe cái cách bà nói chuyện và kể về công việc với ánh mắt hiện lên sự chân thành, có lẽ một phần nào đó tôi thấy được sự tận tâm trong chính suy nghĩ của người phụ nữ 45 tuổi này.

Nhiều năm qua đi, không bất kể gió sương, mưa nắng, bà Lành vẫn miệt mài thực hiện công việc của mình. Hễ nghe ai thông báo có xác hài nhi là bà lại tất tả đi tìm… Được biết, có những đêm tối 1 – 2h sáng, khi nghe có ai gọi bà cũng sẵn sàng đi ngay, không chỉ riêng địa bàn Đức Yên mà còn ở những xã khác nữa.

Những ngày đầu khi chưa xin chính quyền được mảnh đất ở nghĩa địa xã Đức Yên để xây dựng khuôn viên nghĩa trang như hiện nay, số hài nhi nhặt về bà đều phải mang vào tận TP Hà Tĩnh để chôn cất tử tế ở nghĩa trang trong đó. Do đi xa nên nhiều lần khi có 2 – 3 xác hài nhi, bà phải bảo quản trong tủ lạnh (nhà hảo tâm cho chiếc tủ lạnh để bảo quản – PV) và để trong nhà nhiều ngày.

“Các cháu có thể sợ hơi lạnh và kiêng kỵ này nọ khi để xác trong nhà nhưng đối với tôi, chuyện đó không quan tâm, tôi chỉ mong an ủi được phần nào cho các linh hồn bé bỏng ấy. Những thai nhi ấy là những đứa bé tội nghiệp, nếu bị bỏ rơi đó đây thì khi chứng kiến, con người chúng ta không thể an lòng được.

Có những hài nhi khi tôi đưa về nhà còn ngoi ngóp. Chúng tôi đã cố gắng sưởi ấm để giành giật sự sống cho đứa bé nhưng do quá yếu, ít giờ sau cũng không qua khỏi. Chứng kiến cảnh ấy tôi rất đau xót”, bà Lành nói.

Cái tâm muốn cứu rỗi, an ủi những linh hồn nhỏ bé

Thế rồi bà bảo chúng tôi đi theo lên căn phòng nhỏ ở phía trên của căn nhà. Theo sau chân người phụ nữ đi giữa hành lang và những bậc cầu thang thiếu ánh sáng, tôi hơi rợn người nhưng vẫn cố gắng bước đi. Tới căn phòng nhỏ, chúng tôi dừng chân bên ngoài, còn bà Lành bước nhanh vào trong và bế trên tay cẩn thận một bọc tã lót màu trắng, sau đó bảo chúng tôi tiến lại gần.

Đập vào mắt chúng tôi là xác một hài nhi đang nằm gọn trong tấm tã trắng xóa, trên đầu hài nhi được bọc bởi chiếc mũ viền hoa màu trắng, chiếc tã quấn quanh thân còn dính một ít máu đỏ. Tôi hơi giật mình lùi lại phía sau.

Thấy chúng tôi có vẻ sợ hãi, bà Lành nhanh chóng nói: “Các cháu có thể thấy những hài nhi này rất đáng yêu và hoàn toàn vô tội. Nhìn cảnh tượng ấy liệu cháu có muốn bỏ rơi?”. Vừa dứt lời nói, bà vừa nhẹ nhàng bế xác hài nhi đưa lên sát mặt như cưng nựng một đứa bé sơ sinh vừa lọt lòng đang ngủ ngon lành trong bọc tã.

Chứng kiến cảnh tượng ấy, lòng tôi chợt dâng lên một cảm giác khó tả. Đến giây phút ấy, tôi có thể hiểu được rằng, tấm lòng của người phụ nữ này quả là cao thượng. Việc làm ấy của bà thật sự xuất phát từ cái tâm muốn cứu rỗi, an ủi những linh hồn xấu số.

Trên đường rời khỏi căn phòng, tôi khẽ hỏi về hài nhi bà vừa cho chúng tôi xem thì được biết, đó là một bé trai, vừa tròn 24 tuần tuổi, bà vừa mới nhận. Có thể trong chiều nay, bà và gia đình, người thân sẽ đưa hài nhi ấy ra nghĩa trang chôn cất tử tế.

Được biết, công việc thầm lặng này không chỉ mỗi bà Lành thực hiện mà chồng con cũng đều rất đồng tình. Ông Nguyễn Văn Hồng, chồng bà Lành cho biết: “Nghe đến chuyện nhặt xác, ai cũng sợ đúng không? Nhưng cần cái tâm để cảm nhận sự việc cháu ạ. Lúc đầu có thể sợ nhưng khi thấy những hài nhi ấy, nhất định tâm cháu sẽ nghĩ khác”.

cau-chuyen-ba-chu-quan-com-3000-ngay-nhat-xac-thai-nhi (2)

Khu nghĩa trang chôn cất hàng chục thai nhi và có ghi rõ ngày tháng
Khu nghĩa trang chôn cất hàng chục thai nhi và có ghi rõ ngày tháng

Chia sẻ về việc làm của mình, bà Lành cho hay, việc nhặt hài nhi về chôn cất tử tế là xuất phát từ cái tâm để tích đức cho con cháu về sau. Còn gia đình bà vẫn chỉ có công việc buôn bán quán cơm, ông Hồng làm nghề sửa máy nổ. “Nhặt xác thai nhi về chôn cất là từ tâm mà tôi và gia đình làm, còn lại thời gian là buôn bán, lo cho 5 đứa con đang học hành (2 đứa học ĐH, 3 đứa đang học trung học cơ sở và tiểu học – PV). Có tiền dư ra thì chúng tôi giúp đỡ người nghèo, cuộc sống chỉ có vậy thôi”, bà Lành cười nói.

Bà Đinh Thị Xoan (SN 1968), một người dân sống gần nhà bà Lành cho biết: “Việc làm của bà Lành, người dân chúng tôi ai cũng biết và khâm phục. Bà ấy làm việc lành xuất phát từ tâm và tự nguyện bản thân không ai ép buộc hay nhờ vả. Tôi đã chứng kiến hàng chục xác hài nhi được bà ấy mang về tắm rửa, khâm liệm và chôn cất đàng hoàng, tử tế. Một việc làm không đòi hỏi được đền đáp, trả công. Có những người như bà Lành, xác những đứa trẻ xấu số dường như được an nghỉ”.

Nhiều người dân khác còn cho hay, không chỉ nhặt xác hài nhi đưa về chôn cất, bà Lành còn khuyên răn được nhiều cô gái lỡ là không phá thai. Thậm chí bà còn cho những người này ở nhờ tại nhà, cho ăn uống đến lúc sinh nở mẹ tròn con vuông. Thời điểm chúng tôi có mặt, tại quán ăn có một thiếu nữ mang bụng bầu. Nghe đâu chị này chính là người được bà Lành khuyên can nên giữ lại cái thai trong bụng.

Một bác sĩ khoa sản tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cho chúng tôi biết, việc làm của bà Lành mọi người đã biết từ lâu. Những khi bệnh viện có xác hài nhi thì đều thông báo cho bà Lành tới nhận về chôn cất. Không kể thai nhi đã thành hình hay thai nhi chưa thành hình, bà đều tới nhận và chôn cất tử tế.

Những nấm mồ xinh bên hoa mười giờ

Cách đây 3 năm, bà Lành đã đặt vấn đề với chính quyền xã Đức Yên, xin một mảnh đất trong khu vực nghĩa địa của xã để xây dựng nghĩa trang cho các linh hồn thai nhi. Có mặt tại khuôn viên nghĩa trang rộng chừng 150m2, hàng chục nấm mồ nhỏ đã được chôn cất tại đây, mỗi nấm mồ đều sắp xếp theo thứ tự, có ghi rõ ngày tháng. Xung quanh những nấm mồ này là các cây hoa mười giờ nở đỏ thắm. Được biết, hàng ngày bà Lành và gia đình vẫn ra dọn dẹp sạch sẽ và nhổ cỏ.

Nói về việc làm của bà Lành, ông Võ Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Yên cho biết: Xã cũng biết được việc làm ý nghĩa và nhân văn của bà Trần Thị Lành. Bà ấy có cái tâm rất tốt, việc làm này đã có từ nhiều năm nay. Những khi có xác thai nhi, bà đều tới nhận và mang về chôn cất rất tử tế, một việc làm mà không phải ai cũng làm được.

Ông Võ Trọng Bình trao đổi với PV
Ông Võ Trọng Bình trao đổi với PV

“Xã cũng rất ủng hộ và tạo điều kiện cho bà thực hiện công việc nhân văn này. Ba năm trước xã đã cấp cho một khu đất trong nghĩa địa của xã để bà làm nơi chôn cất các hài nhi. Khuôn viên nghĩa trang này được xây dựng từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm. Bà làm việc rất thoải mái không đòi hỏi điều kiện gì. Ngoài chôn cất các thai nhi, chủ nhật hàng tuần, quán ăn của bà Lành còn phát cháo miễn phí cho các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện”, ông Bình nói.

Rời quán cơm nhỏ và gia đình bà Lành, tôi vẫn suy nghĩ mãi về việc làm đầy tính nhân văn thiện nguyện của hai vợ chồng bà. Tôi có thể hiểu trong ánh mắt bà, cuộc sống này chỉ hạnh phúc và thật sự tốt đẹp khi bà giúp đỡ được những người có hoàn cảnh nghèo khổ, được chôn cất và an ủi những linh hồn xấu số. Hình ảnh bà ẵm xác thai nhi đầy cẩn thận vẫn mãi ám ảnh tôi. Nếu không xuất phát từ tâm, từ tấm lòng thiện tôi nghĩ ít ai có thể làm được công việc thầm lặng này.

Theo Người đưa tin

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x