Cần một bờ vai lại lòi ra … em bé

Do nhiều hạn chế về điều kiện làm việc, thời gian và kinh tế… công nhân ở hầu hết các khu công nghiệp trên cả nước ít được hưởng thụ các hoạt động vui chơi giải trí, ít được quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là SKSS/KHHGĐ. Làm gì để giải quyết tình trạng này?


Nữ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu, luôn phải làm việc trong điều kiện áp lực cao về thể chất và tinh thần. Phải làm việc trong nhiều giờ liên tục, song điều kiện sinh hoạt tập trung của họ cũng không được thoải mái. Những công nhân nữ thường phải sống tại các khu trọ chật chội, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, không đảm bảo dinh dưỡng, thiếu các  thông tin truyền thông tối thiểu…

Nhu cầu được chăm sóc, nâng cao các kiến thức về SKSS/tình dục an toàn đối tượng là nữ công nhân rất lớn. Ảnh minh họa
Nhu cầu được chăm sóc, nâng cao các kiến thức về SKSS/tình dục an toàn đối tượng là nữ công nhân rất lớn. Ảnh minh họa

Cần lắm “bờ vai”…

Rời vùng quê Bạc Liêu lên TP HCM gia nhập “thế giới ca kíp” hồi đầu năm 2015, cô gái Trần Thanh Lụa vừa tròn 20 tuổi. Lụa là chị lớn trong nhà có ba chị em. Hai em của Lụa còn đang tuổi ăn, tuổi học. Cả gia đình sống trầy trật vì không có đất canh tác, bố mẹ nay làm thuê việc này, mai làm thuê việc nọ. Lụa cũng được đi học nhưng đến lớp 6 phải nghỉ. Lên 15 tuổi, em theo bố mẹ làm thuê kiếm tiền. Một ngày, Lụa nghe đi làm công nhân ở TP HCM lương cũng ngoài 3 triệu đồng/tháng. Tính ra ngày nào cũng có chắc 100.000 đồng, còn hơn ở quê nhà.

Đời ca kíp, công việc khá áp lực nhưng với cô gái này đây không phải là chuyện lớn! Điều mà Lụa “chịu không nổi” chính là nỗi nhớ nhà, khao khát tình thương của người thân bởi đây là lần đầu tiên cô xa gia đình. Lụa ở trọ cùng bốn nữ công nhân khác, mỗi người một quê, mỗi người một cảnh, Lụa nhỏ tuổi nhất. Những lúc tan ca, các chị trong phòng có bạn trai nên đã vội vã đi cà phê hay đâu đó tâm sự. Một mình Lụa ở phòng, tivi không, báo đài cũng không, vừa nhớ nhà quay quắt, vừa cô đơn lạnh lẽo. “Em chỉ thèm một bờ vai để chuyện trò, tâm sự để em đỡ nhớ nhà…”- cô gái chưa hề biết đến tình cảm nam nữ chia sẻ. Lụa cũng nói hồi ở quê, cô cũng chỉ biết bố mẹ và các em. Nay sống đời công nhân, cô mới chứng kiến chuyện hẹn hò nam nữ của các chị cùng phòng.

Lại “thòi” ra… em bé !

Rồi một ngày, “bờ vai”mà cô gái quê ao ước cũng xuất hiện. Tân là sinh viên trọ học gần đấy, họ tình cờ quen nhau khi cùng đi chợ chồm hổm (chợ tự phát ven đường) gần khu trọ. Tân có học, nói chuyện lại duyên, biết gợi chuyện, biết lắng nghe nên sự gần gũi của hai bạn trẻ diễn ra nhanh chóng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa – Sưu tầm

Từ ngày quen biết Tân, Lụa tươi tắn hẳn. Lụa không thích cà phê như các chị nên thường cùng chàng sinh viên chuyện trò tâm sự ngay tại phòng trọ. Song “lửa  gần rơm lâu ngày cũng bén”. Ở độ tuổi đôi mươi của Lụa và Tân thì làm sao “đủ sức đề kháng” với ham muốn khi luôn có cơ hội cận kề bên nhau! Vậy là “chuyện gì đến sẽ đến” khi một buổi tối chỉ có Lụa và Tân ở phòng. Họ đã vượt quá giới hạn một cách tự nguyện mà không hề lường trước những chuyện đương nhiên phải xảy ra sau đó. Sau 3 tháng liên tục gặp gỡ, Lụa thông báo với Tân mình đã mang thai. Cả hai đều hoảng sợ trước biến cố này vì chưa hề sẵn sàng. Sau nhiều lần bàn bạc với người yêu, Lụa đau đớn nhờ chị cùng phòng đưa đến một điểm phá thai tư nhân cách xóm trọ không xa.

Thiếu cả kiến thức lẫn phương tiện

Trong giới công nhân nữ ở TP HCM, chuyện của Lụa, đáng buồn thay không phải cá biệt mà là “chuyện cơm bữa” đang xảy ra với hàng trăm, hàng ngàn nữ công nhân khác.

Số liệu từ ngành DS-KHHGĐ TP HCM cho thấy, số ca nạo phá thai trong giới vị thành niên – thanh niên vào khoảng 3.000 ca/năm và vẫn đang tăng hàng năm. Trong số đó, có khoảng 70% trường hợp nạo phá thai rơi vào giới học sinh – sinh viên và công nhân. Toàn địa bàn thành phố hiện có khoảng 300.000 công nhân với đại đa số là nữ, hầu hết là người ngoại tỉnh. Vì vậy câu chuyện buồn của nữ công nhân Lụa hoàn toàn có thể lặp lại với những nữ công nhân trẻ khác.

Theo các chuyên gia tâm lý, cuộc sống gắn liền nhịp sinh hoạt ca kíp cộng với cảnh xa nhà khiến nhu cầu giải tỏa tâm lý, tình cảm của công nhân (đặc biệt giới nữ) chưa kết hôn là rất lớn. Bên cạnh đó, những nhu cầu khác phát sinh như giao lưu, kết bạn chia sẻ tình cảm như trường hợp của Lụa là điều hết sức chính đáng, bình thường!

Tuy nhiên, điều bất bình thường nào đã gây nên kết cục đáng buồn trong chuyện tình cảm của cô gái này? Đã đến lúc chúng ta cần lên tiếng bảo vệ và quan tâm nhiều hơn đến những nữ công nhân như Lụa (vốn là đối tượng yếu thế trong xã hội) chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về chăm sóc SKSS, cũng như được chia sẻ, tư vấn tâm lý để có thể vượt qua được những khó khăn như Lụa đã gặp phải và bảo vệ sự sống cho các thai nhi vô tội ? Hãy cho chúng tôi biết và chia sẻ những điều bạn cần giúp đỡ tại đây.

Theo GiaDinhnet

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x