Cảm phục người phụ nữ chịu gièm pha để nuôi các bà mẹ đơn thân và trẻ bị bỏ rơi

Để nuôi dưỡng những đứa con không phải máu mủ của mình, chị Thủy, một phụ nữ không chồng con, đã phải ‘sống trên dư luận’.


Nhiều người nói chị Thủy bị điên. Đã không chồng thì ở vậy mà nuôi thân chứ còn đèo bồng thêm con người khác làm gì. Với chị, những đứa bé bị bỏ rơi đó là sinh linh của mình. Dù không sinh các em nhỏ này, nhưng chị sẽ là người nuôi dưỡng nên người.

Cái duyên với những bà mẹ đơn thân

Cách TP Vinh gần 100 km, nơi núi rừng trùng điệp, có người phụ nữ lặng thầm với công việc tích đức của mình. Ở tuổi 40, chị Nguyễn Thị Thủy, trú ở xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, đã quyết định không lấy chồng. Chia sẻ về điều này, chị Thủy cho biết: “Ngày còn trẻ, mình cứ chờ cho duyên đến nhưng rồi trải qua nhiều biến cố gia đình, khi mẹ đau ốm cần người chăm sóc. Mẹ mất, các anh chị đã lập gia đình còn bố già yếu nên mình quyết định ở vậy chăm sóc cho bố”.

Năm 2011, trong một lần đến bệnh viện thăm người nhà bị ốm, chị Thủy tình cờ được một cô bé mang đồng phục học sinh hỏi thăm chỗ nào phá thai. Sự rụt rè, bỡ ngỡ lại một thân một mình của cô bé đó khiến chị Thủy động lòng. Chị quan tâm, hỏi han và được biết cô bé tên Nhung người ở huyện bên đang học lớp 10 thì có thai với người yêu. Ngày Nhung biết tin mình có thai cũng là lúc người yêu “quất ngựa truy phong”, không đoái hoài đến đứa con vừa thành hình. Hoảng sợ, Nhung nói dối với bố mẹ là không muốn học nữa, rồi bỏ nhà đi làm công nhân, nhưng thực chất là tìm chỗ phá bỏ đứa con.

 Chị Thủy cảm thấy hạnh phúc và coi hai đứa con này như khúc ruột của mình.
Chị Thủy cảm thấy hạnh phúc và coi hai đứa con này như khúc ruột của mình.

Chị Thủy kể lại: “Khi gặp tôi, Nhung đang mang thai tháng thứ 5. Biết ý định của cô bé là bỏ đi đứa con, tôi đã nói chuyện, phân tích về việc bỏ đứa bé nguy hiểm như thế nào. Ban đầu, Nhung khăng khăng bỏ đứa con của mình nhưng về sau cô bé òa khóc vì không biết phải ăn nói với bố mẹ như thế nào. Lúc đó, tôi nghĩ hay là mình đưa Nhung về nhà chăm sóc chờ sinh. Nghĩ là làm, tôi thuyết phục Nhung về ở với mình và cô bé đồng ý”.

Việc chị Thủy dẫn một người mang thai về nhà mình chăm sóc, khiến mọi người ngạc nhiên và dè bỉu. Ai cũng bảo chị Thủy điên vì thân mình còn lo chưa xong, huống hồ gì giúp đỡ người dưng như vậy. Người thân của chị Thủy cũng không đồng ý. Họ sợ trong quá trình chăm sóc hay lúc sinh nở có chuyện gì thì phải chịu trách nhiệm lây. Tuy nhiên, mặc cho mọi người phản đối, chị vẫn im lặng chăm sóc Nhung và chờ đến ngày sinh.

Vì Nhung nói với gia đình là đi làm công nhân nên không ai biết chuyện cô bé mang thai. Cận ngày sinh, chị Thủy khuyên Nhung nên nói thật với bố mẹ. Gia đình Nhung biết chuyện đã đến đón Nhung về nhà để chăm sóc. “Sau đó không lâu thì Nhung sinh một cháu trai mạnh khỏe. Gia đình đón nhận, nên mẹ con cô ấy được đón về chăm sóc chu đáo”, chị Thủy vui vẻ cho biết.

 Hai bé Thu và An đang được chị Thủy nuôi dưỡng (ảnh chụp tại nhà "ông ngoại" - ông Nguyễn Văn Chế, bố chị Thủy)
Hai bé Thu và An đang được chị Thủy nuôi dưỡng (ảnh chụp tại nhà “ông ngoại” – ông Nguyễn Văn Chế, bố chị Thủy)

Cũng trong năm đó, cơ duyên lại đưa chị Thủy gặp Phương, khi cô gái này đang tìm chỗ để bỏ đi giọt máu của mình. Chị Thủy tâm sự: “Những người tìm chỗ bỏ đi giọt máu của mình thường lầm lũi, lén lút. Khi đến gần phòng khám hay bệnh viện tư nhân thì họ hay hỏi thăm những người ở gần đó. Lần tôi gặp Phương cũng vậy, cô bé hỏi tôi về phòng khám chỗ nào phá thai. Bằng trực giác của mình, tôi biết Phương đang muốn bỏ đi giọt máu của mình. Sau đó tôi cũng khuyên giải, nói chuyện với Phương và đưa cô ấy về nhà chăm sóc. Lúc đó, Hoài cũng đang mang thai ở tháng thứ 5”.

Sau thời gian chăm sóc Phương đã sinh một bé trai vào ngày 17/12/2012. Do Phương không được gia đình chấp nhận chăm sóc cháu bé nên chị Thủy đã nhận nuôi.

Không chỉ chăm nom, cưu mang những bà mẹ đơn thân, chị Thủy còn nhiều lần tìm đến nói chuyện, khuyên giải những người muốn bỏ đi giọt máu của mình. Suốt 5 năm nay, chị gặp gỡ và khuyên giải được 5 trường hợp khi họ muốn vứt bỏ đứa con đang thành hình của mình.

Đến nay, chị Thủy vẫn chưa thể giải thích được vì sao bản thân mình lại có duyên với những bà mẹ đơn thân như vậy. Chỉ biết rằng, giờ đây chị có thể cảm nhận và phán đoán ra ai là đang muốn bỏ đi giọt máu của mình. Không chỉ cưu mang, chăm bẵm, chị Thủy còn nhận nuôi hai bé bị gia đình bỏ rơi. Kể về con gái, người phụ nữ 40 tuổi này không ngăn nổi nước mắt: “Vào tháng 10/2012, một gia đình trong xóm đi đánh cá ban đêm nghe tiếng trẻ con khóc nên đã đi tìm. Họ tìm thấy một thùng xốp đựng một bé gái được thả trôi trên sông. Vì thương, nên hai vợ chồng ấy đã mang bé về rồi đưa đến cho tôi nuôi dưỡng. Sau đó, tôi đặt tên con là Nguyễn Thị Hoài Thu”.

Ngoài bé Thu, chị Thủy nhận nuôi bé trai do Phương sinh ra được đặt tên là Nguyễn Trần An. Không chồng, chưa từng làm mẹ nhưng chị Thủy đã chăm bẵm hai đứa trẻ khi còn đỏ hỏn. “Kinh nghiệm không có, các con ăn toàn bằng sữa ngoài nên tôi cũng vất vả lắm. Nhiều người trong xóm đã khuyên tôi nên cho hai đứa trẻ này đi. Tôi không đồng ý vì dù không đứt ruột sinh ra, nhưng thấy hai con rất gắn bó với mình. Dù khó khăn như thế nào tôi cũng sẽ cố gắng nuôi các con nên người”.

 Để nuôi hai con, chị Thủy làm thuê, chăn nuôi và đi nhặt phế liệu.
Để nuôi hai con, chị Thủy làm thuê, chăn nuôi và đi nhặt phế liệu.

Không có việc làm, gia đình không khá giả, chị Thủy chỉ biết làm thuê, nhặt ve chai kiếm tiền mua sữa cho các con. Cảm phục tấm lòng của chị, nhiều người trong xóm tìm cách giúp đỡ khi thì bó rau, lúc bát gạo phụ chị nuôi con. Suốt 5 năm vui vẻ với “sứ mệnh” của mình, chị Thủy đã nhận được sự ủng hộ của gia đình và người thân. Ông Nguyễn Văn Chế (sinh năm 1940), bố chị Thủy, giãi bày: “Khi thấy con gái dẫn mấy người mang bầu về chăm, tôi lo lắm. Tôi không lo thiếu ăn hay tốn tiền mà chỉ sợ lỡ xảy ra chuyện gì thì mình lại mang tội. Về sau thấy con kiên quyết với việc mình làm, tôi chỉ biết âm thầm ủng hộ. Đến giờ tôi đã có hai đứa cháu xinh xắn, đáng yêu như thế này là điều tuyệt vời”.

Những năm gắn bó, cứu giúp những trẻ bị bỏ rơi, người mẹ đơn thân này có một chuyện luôn ám ảnh bên mình. Đó là vào ngày 2/1/2013, chị đi thăm người thân nằm viện về. Khi đi đến đoạn rẽ từ quốc 7 vào đường xã, lúc đó, trời tối, lạnh chị Thủy nghe tiếng khóc của trẻ em. Linh tính mách bảo có trẻ bị bỏ rơi, chị nhanh chóng tìm kiếm và thấy một bé gái bị bỏ trong thùng carton. Đứa bé được bọc vải trắng, quấn nilon. Chị Thủy đưa về nhà chăm sóc, nhưng do bé gái đã quá yếu nên qua đời sau đó 1 tiếng. Lần đó, gia đình chỉ Thủy đã làm lễ mai táng cho bé gái này đầy đủ như người thân của mình.

Ông Trần Văn Kiên, xóm trưởng xóm 7, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, cho biết: “Ban đầu, việc chị Thủy làm khiến nhiều người bàn tán, họ nói chị bị điên khi mình còn chưa đủ ăn mà lại đi nuôi người khác. Về sau, khi những đứa bé được nuôi khôn lớn họ cảm phục và họ tin tình yêu thương mà chị Thủy dành cho những đứa trẻ này là thật lòng. Bây giờ mọi người đều yêu thương hai đứa bé con của chị Thủy. Chúng tôi rất ủng hộ và mong có nhiều người giúp đỡ để chị Thủy nuôi hai con khôn lớn”.

Theo An Ninh Thủ Đô

* Tên các bà mẹ đơn thân đã được thay đổi

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x