13 điều thường sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Chăm sóc đứa con đầu tiên nhiều khi là một việc làm quá sức nhất là những bà mẹ trẻ. Gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi và nhiều khi phạm phải sai lầm khi giải quyết những khó khăn vượt quá sức này. Sau đây là những sai lầm mà bạn có thể dễ dàng tránh để có thể chăm sóc đứa con bé bỏng của mình một cách an toàn.


1. Nằm phòng tối sau sanh: mẹ và em bé nằm trong căn phòng tối lờ mờ sẽ gây nhiều khó khăn trong chăm sóc và ảnh hưởng xấu đến trẻ. Trong căn phòng tối này, bạn khó phát hiện vàng da sớm ở bé. Nhiều trường hợp khi mang bé ra ánh sáng thì nhận ra bé bị vàng da nặng tới lòng bàn tay bàn chân, hậu quả là nguy cơ tử vong và di chứng thần kinh tâm thần rất cao. Thiếu ánh sáng mặt trời sẽ làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D, sẽ làm trẻ khóc đêm liên lục, dễ giật mình, ọc sữa, còi xương. Trong phòng tối bạn cũng khó phát hiện những bất thường ở trẻ như mụn mủ da, khó nhìn rõ để chăm sóc bé được tốt và nhiều khi phòng tối lại kèm quá kín gây không khí tù đọng, hôi hám nên nguy cơ nhiễm trùng sẽ rất cao.

2. Mẹ kiêng ăn: một số người nghĩ rằng bà mẹ phải kiêng ăn mới tốt cho sức khoẻ bà mẹ và có nguồn sữa tốt cho bé. Nhiều trường hợp chỉ cho bà mẹ ăn cơm với muối, hay thịt kho thật mặn, kiêng cữ canh, rau, trái cây. Điều này làm cho bà mẹ khó ăn uống, thiếu năng lượng, mệt mỏi, táo bón, thiếu canxi. Trong khi nhu cầu dinh dưỡng bà mẹ cao để bù năng lượng mất do cuộc sanh và phải cho bú mẹ. Làm sao mẹ có được nguồn sữa mẹ tốt nếu ăn uống quá kiêng khem! Do đó, cách tốt nhất là cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho bà mẹ đang cho con bú. Ăn uống đủ thành phần thịt, cá, trứng, rau, trái cây. Cho mẹ uống sữa thêm, uống nhiều nước, nghỉ ngơi hợp lý mới khỏe mạnh và có nhiều sữa nuôi con khỏe mạnh được.
3. Kiêng tắm: đây là tập quán thường gặp vì sợ bà mẹ bị lạnh. Dĩ nhiên sau sanh bà mẹ mất máu, mệt mỏi nên dễ bị lạnh. Cách tốt nhất là “bồi bổ” bà mẹ bằng cho ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tạo tinh thần thoải mái. Mẹ sẽ khỏe và chống được lạnh. Việc không vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nguy hiểm cho mẹ và con. Chúng ta biết rằng, mọi người cần tạo ra và chăm bé trong môi trường thông thoáng vệ sinh, tuân thủ rửa tay trước và sau khi chăm sóc bé.
4. Nằm than: đây là biện pháp thường dùng giúp bà mẹ và em bé được ấm. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, có nhiều biện pháp hiệu quả và khoa học hơn giúp giữa ấm bà mẹ và em bé. Trong khi đó nhiều trường hợp bé bị ngộ độc do khí CO từ than, bị bỏng, hoặc mụn mủ, viêm mô tế bào vùng lưng rất nguy hiểm. Do vậy, không nên nằm than sau sanh.
5. Băng kín rốn: nhiều người nghĩ rằng băng kín rốn giúp bảo vệ rốn. Thực sự việc băng kín rốn sẽ “giúp tạo môi trường tốt cho sự sinh sôi vi trùng” gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn. Bạn nên để hở rốn sau khi chăm sóc rốn, quấn tả dưới rốn, chỉ phủ lớp mỏng áo lên rốn để dễ quan sát rốn, rốn sẽ mau khô, nhanh rụng, ít nhiễm trùng, ít tạo chồi rốn.
6. Đắp rốn với sái á phiện, phân bò: Những biện pháp này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn, hoặc làm trẻ chướng bụng, ngưng thở do ngộ độc á phiện.

cham soc tre so sinh
7. Cho trẻ uống nước cam thảo để trẻ ọc sạch đàm nhớt. Uống cam thảo sẽ làm tăng nguy cơ xuất huyết nguy hiểm ở trẻ do đó không được dùng.
8. Rơ miệng ở các “bà thầy lang” khi trẻ bị đẹn miệng làm cho trẻ bị trầy xước hầu họng, chảy máu nguy hiểm. Như chúng ta biết, đẹn miệng hay tưa lưỡi là do nấm gây ra, thường xảy ra ở trẻ bú bình. Đẹn miệng có thể điều trị an toàn và dễ dàng bằng rơ lưỡi nhẹ nhàng với Mycostatin.
9. Cắt lễ khi trẻ bệnh: thói quen cắt lễ khi trẻ bệnh không chỉ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là viêm gan siêu vi, HIV, còn gây chảy máu không cầm rất nguy hiểm. Cắt lễ không có tác dụng gì cho việc điều trị bệnh cho em bé.
10. Mang trẻ “đi phán” khi trẻ bệnh: việc này làm chậm trễ việc điều trị cho em bé. Nhiều lúc bé bị những biến chứng do những “thủ thuật” sử dụng khi “phán”, chẳng hạn như bỏng.
11. Cho rằng tất cả trẻ sơ sinh bị vàng da là “vàng da sinh lý”, và “sẽ khỏi” sau 1 tuần: như chúng ta biết, 20 – 50% trẻ sau sinh có vàng da, nhưng vàng da sinh lý chỉ là một trong những nguyên nhân. Nhiều trường hợp trẻ vàng da rất sớm trong 1 – 2 ngày đầu, vàng da nặng lan tới bàn tay, bàn chân. Đây không phải làvàng da sinh lý và sau một tuần không tự khỏi được mà sẽ chết hay di chứng vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, hàng ngày cần quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng mặt trời để phát hiện vàng da. Nếu trẻ vàng da sớm trong 1 – 2 ngày đầu sau sanh, hoặc vàng da qua rốn, vàng da tới lòng bàn tay, bàn chân, vàng da kèm bú kém, bỏ bú, gồng người bạn cần mang đến cơ sở y tế để được điều trị vì đây là vàng da nặng.
12. Dễ dàng thay thế sữa mẹ bằng sữa bình: sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Cho trẻ bú mẹ là bạn mang đến cho trẻ nguồn dinh dưỡng, tình thương và sự an toàn. Trẻ sẽ thông minh hơn, ít bệnh hơn. Bạn nên cho trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn, không ăn hay uống thêm thứ gì khác. Bà mẹ cho bé bú theo nhu cầu của trẻ, kết hợp chế độ ăn uống và nghỉ ngơi tốt cho bà mẹ, chắc chắn bà mẹ sẽ đủ sữa cho con bú.
13. Không rửa tay khi chăm sóc trẻ sơ sinh: Rửa tay là biện pháp đơn giản và hiệu quả phòng chống nhiễm trùng trong đó có nhiễm trùng sơ sinh. Bạn nhớ rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ sơ sinh.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x