“Viêm phổi xảy ra ở trẻ dưới 3-5 tuổi được xem là bệnh lý nghiêm trọng, gây tác động nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Việc nhận biết sớm các triệu chứng viêm phổi, nhằm kịp thời đưa bé đến bác sĩ là rất quan trọng!
- “Sưởi ấm” hài nhi mùa Noel
- Hiện tượng Trương Tâm Nhi khoe thành tích phá thai, một dạng tâm thần phân liệt nặng có ý thức!
- Nghẹn lòng câu chuyện về nghĩa trang đặc biệt của 7.000 hài nhi
- Bà mẹ phá thai vì chiều theo ý muốn của con gây phẫn nộ
Viêm phổi là tình trạng phổi bị nhiễm trùng bởi sự tấn công của các loại siêu vi (virus), vi khuẩn. Các triệu chứng viêm phổi có thể xuất hiện khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên kéo dài nhưng không được điều trị như: cảm cúm, viêm họng, viêm mũi… Thông thường viêm phổi xảy ra ở những trẻ có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng hoặc có sẵn bệnh nền (suyễn, dị ứng…) nên không thể vượt qua được các “trận” ho cảm. Tắm đêm hay “nhiễm lạnh” không phải là nguyên nhân gây viêm phổi!
Các triệu chứng của viêm phổi thay đổi khác nhau ở những độ tuổi, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nếu có biểu hiện sốt cao kéo dài 1 – 2 ngày và kèm theo một trong những triệu chứng sau:
– Sốt cao kèm ớn lạnh
– Ho nhiều, ho nặng tiếng
– Thở nhanh bất thường (một số trường hợp chỉ có duy nhất triệu chứng này)
– Thở mệt, hoặc hổn hển, nặng nhọc và co rút lồng ngực (còn được miêu tả là co lõm lồng ngực, co kéo cơ liên sườn)
– Thở rít.
– Có thể bị đau bụng, đau ngực, ói, khó bú…
– Môi tái
Viêm phổi ở trẻ dưới 3-5 tuổi được xem là một dạng bệnh nặng cần được chăm sóc tích cực và thời gian điều trị có thể kéo dài từ 7-10 ngày. Việc chi định điều trị và phương thức điều trị như: khi nào cần thuốc chích, thuốc uống, sử dụng khí dung… phải được bác sĩ chuyên khoa Nhi quyết định. Đặc biệt lưu ý: cha mẹ không nên tự ý mua thuốc điều trị cho bé, đặc biệt là thuốc ức chế ho vì có thể xảy ra tác dụng phụ khó lường như suy hô hấp, ngưng thở. Vai trò quan trọng nhất của phụ huynh là dành thật nhiều thời gian chăm sóc bé khi bệnh với một số cách thức như:
– Cho bé dùng thức ăn dễ tiêu (soup, cháo, sữa, nước trái cây tươi), kèm theo các biện pháp hút mũi, rơ miệng (bằng nước muối sinh lý) trước khi ăn nhằm giúp bé thoải mái, tránh ói.
– Khuyến khích bé uống nước để loãng đàm tự nhiên.
– Theo dõi nhiệt độ, nhịp thở, sắc da (hồng hào hay tím tái).
– Đưa bé đi tái khám đúng hẹn. Nếu bé trở nặng có thể cho đi khám sớm hơn.
Ba mẹ cũng có thể phòng ngừa viêm phổi cho bé bằng cách:
– Cho bú mẹ sớm sau sinh để bé tăng sức đề kháng
– Cho bé ăn dặm đủ bốn nhóm: đạm, bột, dầu ăn và rau củ quả.
– Chích ngừa mũi 6 trong 1 (bao gồm ho gà, viêm phổi do HIP) vào lúc 2-3 tháng tuổi lặp lại 15 tháng. Trường hợp bé từ 2 tuổi trở lên nên chích chống viêm phổi do phế cầu. Nếu gia đình có người lớn bị viêm phổi thì cần cách ly với trẻ và tránh việc hôn hít mặt trẻ, hắt hơi hay ho trước mặt trẻ, vì viêm phổi lây qua đường hô hấp và những giọt nước bọt.
– Rửa tay sạch trước khi săn sóc bé.
Nguồn “BS CKII Đỗ Ngọc Đức Phòng khám quốc tế Victoria Healthcare.