GN – Đó là những chia sẻ, những góc nhìn của chư tôn thiền đức Tăng Ni, Phật tử trên cơ sở của lời Phật dạy về lòng từ bi, không sát sanh, trân quý sự sống cũng như điều kiện của hạnh phúc…
- Cách đơn giản trị thói ăn cắp của bé
- Người phụ nữ đẻ mướn bỏ trốn bảo vệ thai nhi khuyết tật
- 4 loại thức ăn tuyệt đối tránh khi mang thai
- Mẹ ơi, đây là hành trình làm người của con trong bụng mẹ suốt 9 tháng 10 ngày!
Sư cô THÍCH NỮ HUỆ ĐỨC, Phó Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM: “Phá thai là tội ác!”
Đạo Phật tuyệt đối không chấp nhận việc nạo phá thai. Trong kinh Diệt tội trường thọ, Đức Phật có nói về tội nạo phá thai là một trong những trọng tội, sẽ phải chịu quả báo rất nặng nề.
Hơn nữa, Đức Phật dạy chúng ta phải có tâm từ bi yêu thương muôn loài, không sát sanh hại vật bởi tất cả chúng sanh đều ham sống sợ chết, đều có cảm thọ đau đớn hay hạnh phúc, từ con vật lớn cho đến con vật nhỏ như con kiến con gián đều không được sát hại, vật đã không sát hại thì làm sao có thể chấp nhận việc sát hại chính đứa con máu mủ của mình? Đó là chưa nói các thai nhi sau khi bị đau đớn về thể xác thì rồi thần thức hương linh lại bị lang thang vất vưởng, vừa đói, vừa lạnh, không ai cúng bái, không nơi nương tựa, thế là đi phá phách người này người kia, để lại hậu quả khôn lường.
Theo thống kê của Bộ Y tế thì tỷ lệ phá thai chiếm đa số ở tuổi sinh viên – học sinh là những người chưa lập gia đình. Lý do là, ngày nay các bạn trẻ bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, thích sống vội, sống thử nên đã mắc phải tội nạo phá thai. Chúng tôi cũng tiếp xúc nhiều các bạn trẻ lâm vào tình trạng này, có nhiều bạn không muốn tự tay giết đứa con máu mủ của mình nhưng vì sợ cha mẹ biết, sợ bạn bè đồng nghiệp biết, sợ bị ô nhục thanh danh gia đình và dòng họ, vì tương lai và hạnh phúc sau này của mình… nên không còn sự lựa chọn nào khác là phải nạo phá thai, sau đó họ rất đau khổ và dằn vặt về việc làm nhẫn tâm này.
Có những bạn sau khi nạo phá thai thì sau đó lập gia đình, nhưng lập gia đình danh chính ngôn thuận rồi, mong có con để gia đình ấm êm thì lại không thể có con được. Có những cặp vợ chồng thì vì hoàn cảnh kinh tế hay công danh sự nghiệp nên cũng bỏ đứa con máu mủ của mình, rồi sau đó bị hương linh các thai nhi đi theo quấy phá, thế là gia đình lại lục đục, cuộc sống không yên.
Để ngăn chặn và hạn chế việc nạo phá thai, ngoài việc giáo dục cho giới trẻ về sự nghiêm túc trong tình cảm và quan hệ giới tính thì chúng ta cũng cần phải giáo dục cho họ về việc giữ gìn truyền thống đạo đức trong hôn nhân và tình yêu thương chân thật, tức là tình yêu thương có sự thấu hiểu và cảm thông. Đồng thời, khuyến khích giới trẻ đến thăm và chia sẻ với các trẻ em mồ côi, tật nguyền để giúp các em tăng trưởng tâm yêu thương, sự thấu hiểu và cảm thông.
Đối với những trường hợp đã nạo phá thai thì cần phải biết ăn năn sám hối bằng cách đến chùa tụng kinh bái sám, phóng sanh, ấn tống băng đĩa kinh sách, bố thí cúng dường để sám hối nghiệp xưa. Bên cạnh đó, xin gửi hương linh thai nhi về chùa để hương linh có nơi nương tựa và tu tập để mau được siêu thoát. Có thế mới mong tiêu nghiệp giải tội và cuộc sống mới được yên ổn.
TT.THÍCH NHẬT TỪ, UV dự khuyết HĐTS, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM: “Không sai về luật nhưng tổn hại đến đạo đức lối sống”
Chuyện sinh con đẻ cái là chuyện của tình yêu, hôn nhân gắn liền với luật pháp và đạo đức cá nhân. Phật giáo khích lệ các thế hệ giới trẻ không nên trải nghiệm “trái cấm” khi tuổi chưa đến, thậm chí khi tuổi đã đủ theo luật pháp cho phép cũng không nên, vì quá sớm sẽ ảnh hưởng đến tương lai.
Ngay cả tình huống lỡ làng, không còn sự lựa chọn nào khác, Đức Phật cũng không khuyến khích phá thai. Thay vì phá bỏ cái thai, người đó sinh con ra, nếu không có điều kiện nuôi thì có thể gửi đến các trung tâm nuôi dạy trẻ từ thiện.
Trên cơ sở đó, đòi hỏi người ta phải có tinh thần trách nhiệm, có đạo đức trong hành vi của mình. Bên cạnh đó, hưởng thụ “trái cấm” cần phải có những kiến thức về an toàn tính dục để có thể tránh được những tình huống không hay xảy ra. Cái đó không sai về luật, nhưng về đạo đức thì có những vấn đề phương ngại và chủ yếu là ảnh hưởng đến lối sống cá nhân, đến núm ruột của mình chứ không ảnh hưởng đến người khác.
Như Danh – Nhã An ghi – Theo Giác Ngộ
Đừng để rồi mãi dằn vặt…
Tôi muốn nói ra lời khẩn thiết này là vì tôi từng chứng kiến một người bạn, vì điều kiện công việc, bị vỡ kế hoạch nên trong lúc cạn nghĩ đã hai lần phá bỏ thai nhi mà mình “lỡ” mang. Một vài năm sau, khi nghĩ lại điều tội lỗi mà mình đã thực hiện, bạn ấy đã rất đau đớn, dằn vặt, thường xuyên gặp ác mộng.
Nhất là, kể từ khi thất bại trong việc làm, bạn ấy nghĩ tới việc hy sinh đứa con để đổi lấy một chỗ ổn định hóa ra lại là “tính già hóa non” vì mất con mà công việc còn ảnh hưởng do tâm lý bị suy sụp, sức khỏe không tốt (hệ lụy từ hai lần phải vào bệnh viện để phá thai). Sự tổn thương tinh thần ấy làm cho người bạn đó rất khủng hoảng.
May mắn là sau một thời gian, bạn được sự hướng dẫn của một người quen, tới chùa tụng kinh, niệm Phật, sám hối cũng như nhờ quý thầy quy linh các thai nhi về chùa nên phần nào được thanh thản. Song, điều bạn ấy đau đáu và mong muốn gửi tới những người trẻ, những ai sắp hoặc có ý định phá thai, dễ dãi trong đời sống tình dục là hãy biết thương mình mà gìn giữ. “Gìn giữ bản thân không sa đọa và gìn giữ giọt máu của mình nếu lỡ làng, nếu vỡ kế hoạch… Nếu không, bạn sẽ không thể nào có bình yên, hạnh phúc được!”, đó là chia sẻ mà bạn gửi gắm, tôi chép ra để bạn đọc cùng cảm nhận.
Đỗ Thị Hiền