Con tôi 22 tháng tuổi, nói gì cũng hiểu, làm theo, hay bắt chước, từ nhỏ rất vui vẻ hay cười. Cháu chậm nói, nói vài tiếng “ba ơi”, “cha cha”, lâu lâu thì nói “mẹ mẹ”.
- Cuộc chiến người mẹ giành cơ hội sống cho con trai
- Nữ sinh phá thai, tự vẫn vì yêu học viên Học viện Cảnh sát
- Cần biết về thiếu nước ối khi mang thai
- Chiếc tủ đông lạnh đặc biệt chứa hàng nghìn thai nhi vô tội
Mấy ngày nay cháu nói được chó, xe, cái ca, thích kêu nói thì nói, không thích thì thôi. Cháu rất thích đi chơi, đá banh, ra ngoài chơi là không chịu về. Cháu rất biếng ăn, đến nay mà chưa ăn cơm, thích thì ăn một ít thôi.
Cháu hay giận, mỗi lần bố mẹ nói hay la mắng là giận, hay ăn vạ. Mỗi lần cháu bị ho hay sổ mũi đi khám bác sĩ là khóc. Cháu chơi với bạn hay xô đẩy bạn, giật đồ chơi bạn. Tôi rất lo không biết làm sao, có nên cho con đi khám tâm lý không? (Huỳnh Hương)
Trả lời:
Chào bạn,
Trước hết, chúng tôi xin gửi bạn thông tin về những yêu cầu kỹ năng cần đạt được đối với bé 22 tháng tuổi theo tiêu chuẩn test Denver II như sau:
Lĩnh vực cá nhân – xã hội: Trẻ đã thành thạo trong các kỹ năng như biết tương tác chơi với người kiểm tra, có hành động bắt chước, thực hiện được một số mệnh lệnh đơn giản như nhặt đồ, cất đồ, uống nước bằng cốc, sử dụng thìa/dĩa. Trẻ đã hình thành được các kỹ năng cởi quần áo, cho búp bê ăn. Và có thể đã có kỹ năng mặc quần áo, đánh răng có trợ giúp, rửa tay lau khô.
Lĩnh vực vận động tinh tế thích ứng: Trẻ đã thành thạo trong các kỹ năng: bỏ khối vào cốc, vẽ nguệch ngoạc, đổ hạt ra khỏi lọ, xếp chồng 4 khối. Và có thể đã có kỹ năng xếp chồng 6 khối.
Lĩnh vực ngôn ngữ: Trẻ đã hình thành được các kỹ năng ngôn ngữ như: chỉ được 2 hình trong số 5 hình (cá, ngựa, chim, chó, người) mà người kiểm tra gọi tên và gọi tên được ít nhất 1 hình trong 5 hình đó khi nhìn hình, chỉ được 6 bộ phận cơ thể khi người kiểm tra gọi tên, nói được ít nhất 1 câu ghép 2 từ. Và có thể đã có kỹ năng chỉ được 4/5 hình như trên, nói mà người khác hiểu được lời nói của mình.
Lĩnh vực vận động thô: Trẻ đã hình thành được các kỹ năng: chạy, bước lên bậc thang, đá bóng về phía trước. Và có thể trẻ đã có kỹ năng ném bóng cao tay, nhảy tại chỗ.
Dựa vào những gợi ý trên, bạn tìm hiểu kỹ để đối chiếu với trường hợp của trẻ nhà mình xem các kỹ năng của trẻ đã đạt được như yêu cầu tiêu chuẩn test chưa. Nếu bạn thấy lo lắng vì có nhiều tiêu chí trẻ chưa đạt được thì nên đưa trẻ đến các nhà chuyên môn để kiểm tra và có thông tin tư vấn cần thiết cho trẻ.
Bên cạnh đó, với những thông tin bạn chia sẻ về đặc điểm cảm xúc và hành vi của trẻ như trẻ hay giận, hay ăn vạ, xô đẩy, giật đồ của các bạn… thì đối với trẻ 22 tháng tuổi có thể đây chỉ là những đặc điểm cảm xúc và hành vi bình thường, chỉ cần người lớn quan tâm, giúp trẻ khắc phục những hành vi, cảm xúc chưa tốt, khuyến khích những hành vi tốt ở trẻ thì trẻ sẽ dần khắc phục được.
Cuối cùng, nếu gia đình đã cố gắng giúp trẻ nhưng trẻ không khắc phục được hay bên cạnh những hành vi, cảm xúc đó gia đình còn thấy trẻ có những biểu hiện tâm lý không tốt như thu mình không chịu chơi, không chịu tương tác với bạn, tránh giao tiếp mắt với người khác, không chịu ngồi yên mà luôn tay chân, quá phụ thuộc vào người lớn… thì cần đưa trẻ đi khám, thông qua những bộ công cụ đánh giá phù hợp các nhà chuyên môn sẽ chỉ cho bạn thấy được chính xác trẻ mắc phải vấn đề tâm lý gì hay không.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC