Đó là câu chuyện thật đau lòng tại nghĩa trang hài nhi Đồi Cốc, nơi yên nghỉ của biết bao em thơ vô tội.
- Chúa Nhật Với 700 Thai Nhi – Lễ thai nhi Gp.Xuân Lộc tháng 07/2023
- Bà bầu uống sữa: Thừa, thiếu đều nguy!
- Teen phá thai – Nhầm tưởng phá thai để phòng ngừa!?
- Bài hát về thai nhi bị chối bỏ vượt mặt Sơn Tùng MTP trên Youtube
Ghé thăm nghĩa trang Đồi Cốc vào một ngày cuối tháng 3, điều đầu tiên tôi nhìn thấy là hình ảnh của hai người phụ nữ với vóc dáng nhỏ nhắn vừa làm xong một công việc mà theo cách gọi của hai cô: “Làm từ tâm”. Thoáng thấy tôi, như đã thành một thói quen, hai cô ngậm ngùi chia sẻ: “Vào đây cháu, giá cháu đến sớm hơn chút nữa, cô vừa chôn 5 em xong đó”.
Tôi bắt đầu được nghe kể câu chuyện về những hài nhi vô tội bị chối bỏ quyền được sống của hai người phụ nữ ấy: Cô Nguyễn Thị Lập và cô Nguyễn Thị Chín.
700 – 800 sinh linh chung một nấm mồ
Rửa đôi bàn tay vừa chôn cất các em, hai cô chia sẻ về câu chuyện xót xa đến cháy lòng về những hài nhi không được nhìn thấy ánh mặt trời: “Tháng Tết, bọn cô xin được 65 em về chôn cất, còn tháng này được 55 em rồi đấy”. Nói rồi cô lặng lẽ thắp nén nhang, cắm lên đó nhành hoa cúc trên nấm mồ chung của 5 em nhỏ. Bàn tay cô, đôi bàn tay quanh năm cày ruộng còn nguyên màu vàng ố của đất bùn khẽ vun gọn những hạt cát cho nấm mồ được thêm phần sạch sẽ.
Vừa làm hai cô vừa chia sẻ: “Nhưng cháu có đến sớm chắc cũng chẳng dám nhìn. Thương tâm lắm cháu ạ! Có em đã thành hình, như một em bé vậy mà cũng phải chết đấy. Hôm rồi còn có em đến tay bọn cô vẫn thở nhưng chỉ vài phút sau là mất. Tội nghiệp lắm”. Đôi mắt của người phụ nữ thuần nông thoáng nhìn xa xăm, che giấu đi đôi mắt đang ầng ậc nước. Làm cái công việc ấy 7 năm rồi nhưng cô vẫn không khỏi xúc động, bùi ngùi khi tự tay mình chôn cất những hài nhi vô tội.
Cô đưa tay chỉ bao quát toàn bộ khu nghĩa trang, chỉ cho tôi thấy cả vài chục nấm mồ. Một vài nấm mộ có bia, còn lại hầu như đều chỉ là mộ vô danh. Giải thích về điều này, cô Nguyễn Thị Chín nói: “Em nào có người nhà ghé thăm thì được làm bia cho, còn những nấm mộ không có tuổi, có tên ấy là đều không có người nhà thăm nom nữa”.
Trên những tấm bia chỉ khác dòng tên nghe đã thấy nhói lòng: “Bé Đỏ”; “Bình An”, “Vũ Phong”… Điểm chung duy nhất giữa những tấm bia là các em chỉ có ngày mất mà không có ngày được sinh ra. Thoáng thấy trên những mồ, có vài hộp sữa nhỏ được đặt lên. Theo lời các cô chia sẻ, đó là gia đình các em đến thăm đặt như vậy để an ủi cho những vong hồn.
Nhìn hộp sữa đặt ngay ngắn, ai cũng không khỏi chạnh lòng thương cảm. Những người cha, người mẹ đã tước đoạt đi quyền sống của các em, không cho các em được áp vào bầu ngực ấm nóng của mẹ, tận hưởng dòng sữa mát lành. Giờ đây, những hộp sữa đặt trên nấm mộ như một điều an ủi nhưng liệu vong hồn của các em có bớt đớn đau?
Nhìn vài chục nấm mộ trong khuôn viên nhỏ của nghĩa trang, trong giây lát tôi đã thấy nhẹ lòng hơn đôi chút vì nghĩ con số cũng không quá khủng khiếp. Nhưng rồi khi nghe cô nói: “Dưới mỗi nấm mộ này có khoảng 700 – 800 em nằm chung dưới đó. Bọn cô phải để các em nằm cùng vì đâu có nhiều đất. Nhiều khi một mộ chưa đủ số lượng, bọn cô chỉ chôn tiểu sành để tạm đó rồi phủ lớp cát lên. Cứ từng lớp, từng lớp như vậy cho tới khi cảm thấy đủ để xây thành mộ thì thôi. Mỗi nấm mộ thường đào xuống bên dưới rất sâu nên trông bề ngoài nhỏ vậy thôi nhưng chứa rất nhiều. Vì đất đâu ra mà xây nhiều cơ chứ. Tính vậy thôi, trong cái nghĩa trang nhỏ này có tới cả 60 – 70.000 em nhỏ đấy”. Tôi bàng hoàng về một con số sao mà chua xót.
Rùng mình tủ lạnh đựng xác hài nhi
Hai cô dẫn tôi vào thăm ngồi nhà nhỏ ngay cạnh nghĩa trang để nói cho tôi biết về một sự thật chưa bao giờ tôi hình dung đến. Sự thật về chiếc tủ lạnh đựng xác hài nhi.
Tôi đã ngạc nhiên đôi chút khi chỉ cách nơi chôn các em khoảng 15 – 20m, một căn nhà nhỏ được dựng lên. Ngôi nhà không có cửa và giữa nhà bày một chiếc tủ đá khá lớn. Nó là một chiếc tủ như bao chiếc tủ bình thường khác mà tôi vẫn thấy. Ngay cạnh đó, một bát hương được đặt ngay ngắn.
Và rồi tôi đã phải rùng mình ớn lạnh khi nghe hai cô kể về tác dụng của chiếc tủ ấy: “Hầu như ngày nào có một chú bên đội của cô cũng đi xin xác các em ở bệnh viện, các cơ sở phá thai. Họ cũng không thích cho đâu, cũng chẳng hiểu vì sao nữa. Nhưng rồi bọn cô năn nỉ mãi họ mới đồng ý, mà đi phải kín đáo thì mới được. Mỗi ngày, chú ấy đi thu lượm xác hài nhi, người của bệnh viện thường để ở một chỗ cố định, sau bờ tường, hàng rào chẳng hạn, mình quen rồi, cứ tới nơi, lẳng lặng thò tay vào lấy. Sau đó bọn cô đem về, bỏ vào cái tủ lạnh này. Được khoảng vài chục em, các cô mới đem chôn. Nhưng cũng có khi nhiều em to quá, để vài ngày đã bốc mùi hôi thối nên bọn cô đem chôn luôn”.
Như sợ rằng người khác không hiểu được cho việc làm nghĩa cử của mình, cô Chín bùi ngùi: “Chắc họ nghĩ bọn cô mang các em về không chăm lo tử tế hay sao mà không cho, chứ các cô thương các em còn không hết. Về đây, bọn cô phải bọc vải trắng sạch sẽ, cho vào túi nilon rồi mới đem chôn. Bọn cô còn sắm cả áo quần cho các em nữa. Nhiều em lớn rồi, phải mặc quần áo cho các em chứ. Mà toàn quần áo mới đấy chứ đâu có dám để các em mặc cũ, mặc bẩn đâu”.
Cô mang chỗ đồ dùng để khâm liệm cho các em ra: “Vải trắng tính bọn cô mua mới, đắt ra phết đấy. Còn áo quần là do một số người bán quần áo họ làm từ thiện, họ cho để mình mặc cho các em cho đỡ tủi”.
Cũng theo cô Chín chia sẻ, thời gian đầu khi chưa có tiền, các em được chôn cất trong những chiếc niêu nhỏ, sau đó bít xi măng lên trên. Sau này, nhờ có sự quyên góp của nhiều người, các em đã được chôn cất trong những chiếc tiểu sành. Trung bình, với những hài nhi còn ít tháng tuổi, sẽ có khoảng 4 em trong 1 tiểu. Với những em đã thành hình, sẽ là 1 em.
Đứng trong căn nhà nhỏ, chỉ cao hơn đầu mình vài chục phân, cạnh chiếc tủ đá bên trong chứa tới vài chục sinh mạng nhỏ, tôi bỗng cảm thấy rùng mình ớn lạnh và thương thay cho những kiếp người chẳng được một lần nhìn thấy mẹ cha.
Những đứa trẻ may mắn được cứu rỗi
Như một điểm sáng duy nhất lé lên trong câu chuyện buồn, cô Chín chợt nhớ ra và vội nói với ánh mắt rạng ngời niềm vui: “Bọn cô cũng cứu được 4 em đấy. Đó là mấy cháu gái mang bầu khi chưa lấy chồng, gặp bọn cô, các cô khuyên nhủ hãy giữ lấy cháu bé. Rồi bọn cô gửi các cô gái đó vào một nhà thờ, nuôi tới ngày sinh nở. Ngày đứa bé chào đời cũng là ngày người mẹ khăn gói ra đi để sống cuộc đời khác. Bọn cô chăm cho các cháu bé cứng cáp, giờ thì có người nhận nuôi cả rồi. Mà đứa nào đứa nấy kháu khỉnh lắm nhé”. Vừa nói cô vừa chỉ cho tôi tấm ảnh chụp các em may mắn được sống sót trên cuộc đời này.
Khi được hỏi vì lí do gì các cô làm công việc này, cả hai cô đều cười gượng: “Những ngày đầu tiên, nhặt được xác các em, bọn cô mang chôn cho đỡ tội nghiệp. Và rồi nhận thấy rằng đó là điều nên làm vì thế bọn cô cứ làm thôi. Cũng đã 7, 8 năm rồi. Bọn cô làm hoàn toàn từ tâm. Việc nhà, việc đồng áng cũng đầy ra đấy nhưng cũng vẫn tranh thủ lo cho các em có mồ yên, mả đẹp để đỡ tủi cuộc đời. Bọn cô cũng nói với gia đình, mình làm vì cái tâm, cái đức, cũng là vì để phúc đức cho con mình sau này”.
Một câu chuyện khá dài được chia sẻ, hai cô xin phép ra về vì chiều nay còn bận ra đồng làm nốt thửa ruộng. Nhìn bóng dáng nhỏ của hai người phụ nữ vừa làm công việc quá đỗi thiêng liêng ấy trong lòng tôi không khỏi ngậm ngùi.
Niềm tin vào những tấm lòng của người trẻ
Trước khi rời khỏi nghĩa trang, điều làm tôi dừng chân nán lại là hình ảnh của một chàng trai còn khá trẻ, trên vai vẫn mang túi xách như sinh viên. Vừa xuống xe, chàng trai châm hương rồi lặng lẽ đi thắp cho những nấm mồ hài nhi. Một khoảnh khắc, chàng trai ấy cúi đầu, chắp tay cầu nguyện trước một nấm mồ nhỏ.
Cùng lúc đó, 3 cô gái trẻ còn khoác trên mình áo học sinh ghé qua thăm nghĩa trang. Nhìn thấy người thanh niên trẻ ấy, cả ba khẽ mỉm cười chào nhau. Một cô bé sinh năm 1993 chạy lại bắt chuyện với tôi. Theo lời kể của cô bé, chàng trai ấy là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở Hà Nội. Từ ngày biết về nghĩa trang hài nhi này, hầu như cuối tuần nào chàng trai ấy cũng về đây, để thắp những nén nhang, để cùng mấy cô gái nhỏ trong thôn, trong xóm này dọn cỏ, đắp lại mộ cho những em nhỏ.
Còn 3 cô gái ấy, tuổi đời rất trẻ, là người dân sinh sống nơi đây. Có cô bé còn đang học, có cô bé vừa mới đi làm, nhưng cứ chiều chiều cuối tuần, cả ba cùng ra đây làm cỏ, dọn dẹp và thắp nhang cho những linh hồn bé bỏng nơi đây. Nhìn hình ảnh của những người trẻ biết động lòng trước một thực tế đầy nhức nhối, đôi mắt tôi cay xè.
Chia tay tôi, cô bé vẫy tay chào không quên lời gợi nhớ: “Chừng nào rảnh, hãy quay lại đây thăm các em nhỏ, chị nhé!”.
Theo Eva