Một phụ nữ ngoài 50 tuổi, mẹ của năm đứa con, hơn mười năm qua đã cưu mang, chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm bé gái mang thai, sinh nở ngay tại nhà mình.
- 20 bức ảnh xúc động ghi lại khoảnh khắc bé yêu chào đời
- Ca sinh 5 kỳ diệu : người mẹ dũng cảm không phá thai
- Những dấu hiệu mang thai sớm cần biết
- “Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”
Với bà (ở khu Thanh Ða, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) , mỗi đứa trẻ đến đây đều mang theo một câu chuyện về nhân tình thế thái mà đôi khi chúng còn chưa đủ sức để hiểu…
Trẻ con bây giờ không đơn giản
Một bé gái mới 14 tuổi được ba mẹ đưa đến nhà tôi cách đây chưa lâu. Bé bị tắt kinh bốn tháng, bụng hơi to. Khi ba mẹ về rồi, bé hồn nhiên kể: “Ba mẹ kinh doanh lớn, bận rộn suốt ngày, con chỉ ở nhà một mình. Bạn trai con là anh hàng xóm, hơn con 4 tuổi. Tụi con ngủ với nhau từ ba năm nay rồi, mỗi tuần khoảng 5-6 lần nhưng chẳng bị sao cả. Biết chuyện, ba mẹ con mướn người nện cho anh chàng kia một trận gần chết, rồi đưa con vào đây. Con buồn lắm”.
Nhưng kết quả kiểm tra lại cho thấy cô bé không hề có thai mà chỉ bị rối loạn kinh nguyệt. Ba mẹ nghe tin lên đón em về ngay. Trước khi chia tay em còn nói nhỏ với tôi: nhất định con phải đi tìm ảnh, chỉ có ảnh mới là người thương con nhất. Chuyện của em làm tôi cứ suy nghĩ mãi.
Vậy là em bắt đầu làm chuyện người lớn khi mới 11 tuổi, là học sinh lớp 6. Thành thục, tinh quái và thản nhiên… như một phụ nữ đã có gia đình. Tôi cũng không rõ câu chuyện “đi tìm người yêu” của em về sau thế nào.
Ðôi lúc sự “sống chết cho tình yêu” của các em làm tôi xót xa. Em Quyên, mới 16 tuổi, bỏ nhà theo bạn trai. Hai em đi thật xa, thuê nhà sống chung. Cậu này sau thời gian mặn nồng hiện nguyên hình là một kẻ vũ phu, sẵn sàng đánh đập “vợ” kể cả khi cô bé đã mang bầu sắp tới ngày sinh nở.
Trên đường đi trốn, cô bé kiệt sức quỵ ngã giữa đường, có người đi qua nhìn thấy đưa vào nhà tôi. Vậy mà vừa sinh xong, cô bé đã đòi tôi đưa về “nhà”.
Em nói rằng: “Chỉ cần nhìn thấy con, chắc ảnh sẽ thương chứ không đánh đập gì nữa đâu. Ba con là một người lịch lãm thành đạt, nói nhiều lời hay, nhưng rốt cuộc vẫn phản bội mẹ, cặp kè với những cô gái khác. Còn “chồng” con dù có nóng tính nhưng rất thật thà, thương con, dù thế nào con cũng không bỏ ảnh”.
Nói cho cùng, những anh chàng này thường cũng là trẻ con hoặc mới lớn. Có anh biết được bạn gái “nhí” của mình vừa sinh xong cũng chạy đến bệnh viện, nhưng chỉ ngó qua một cái rồi về, cứ như là mình không liên quan gì đến đứa bé ấy.
Ðối với một người đàn ông, khi họ lớn lên, câu chuyện về đứa con rơi rớt thời niên thiếu chỉ là một kỷ niệm mà tháng năm sẽ xóa mờ. Chỉ khi nào người vợ mới không thể sinh được con, họ lại tìm mọi cách để truy lùng, bắt đứa bé về để có người nối dõi.
Tôi cảm nhận trẻ con bây giờ không đơn giản. Dạn dĩ hơn, thoáng hơn, liều hơn. Nhưng ở thời nào trẻ con vẫn là trẻ con, vẫn mong manh dễ bị tổn thương và những tổn thương ấy có thể đi theo các em đến suốt cuộc đời nên tôi thường không chủ động hỏi chuyện mà các bé tự ngồi kể với nhau. Mấy đứa cùng cảnh ngộ dễ thông cảm, dễ nói chuyện hơn. Có đứa nói mạnh miệng lắm, nhưng chỉ đến đây ba ngày là bụng đã phát tướng lên. Là vì sao?
Chỉ có những người hiểu chuyện mới biết rằng người mẹ trẻ con ấy vừa trút được một gánh nặng ngàn cân, tâm lý thoải mái nên bụng mới lớn nhanh như vậy. Người có kinh nghiệm ai mà không biết khi tâm lý ức chế, phải giấu giếm, áp lực, cái thai chậm phát triển, bụng không lớn lên nhiều.
Có người trước khi làm lễ cưới, sợ bị họ hàng khinh khi, trách phạt nên cái thai không phát triển được, bụng cứ nhỏ xíu. Ðến khi làm lễ xong, mấy ngày sau gặp lại bụng đã tròn xoe. Ðó là chuyện rất thường.
Nhận cháu làm con
Ðó là cách ứng phó của một số bà mẹ khi con mình mang thai và sinh nở lúc tuổi đời còn quá nhỏ. Họ mang con về, làm giấy khai sinh và biến đứa cháu ngoại thành con mình. Cách ấy thật ra chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài sẽ đẩy đứa bé vào một bi kịch thân phận không rõ ràng. Mẹ thì biến thành chị, bà ngoại lại biến thành mẹ.
Tôi cảm thấy nhiều cha mẹ đang hoang mang với cách dạy dỗ con thời buổi này. Tôi nói rồi, trẻ con bây giờ không đơn giản, chỉ cần cha mẹ lơi lỏng một chút, nó đã không còn là con mình nữa. Nhưng phải dạy dỗ thế nào?
Rất khó. Có người “giam lỏng” con trong nhà quanh năm suốt tháng, cuối cùng con vẫn có bầu. Có đánh đập, chửi bới cũng đã muộn. Tôi còn biết có những em bị cha mẹ dồn ép đến mức phải phá thai, tự tử. Nhưng dù làm thế nào, đó cũng là một sự thất bại của cha mẹ.
Chỉ có bố mẹ mới có thể hỗ trợ con hết lòng. Chỉ có con mới thật sự gắn kết với gia đình và bố mẹ. Nhưng để cho mối quan hệ này luôn nhẹ nhàng và thuận lợi, rất cần cả hai bên đều cởi mở. Hãy xác định đây là việc chung của gia đình.
Nói chuyện với con là cả một nghệ thuật, những người bố, người mẹ phải tự rời khỏi “cái tôi” của mình để làm bạn với con. Nói chuyện với bố mẹ đòi hỏi con phải có đủ dũng cảm để vượt qua rào cản của sự ngại ngần, sợ sệt.
Các bạn tuổi mới lớn, chúng ta cùng nhau học kỹ năng nói chuyện với bố mẹ. Học và thực hành luôn mới thấy được hiệu quả. Cứ nói chung chung, phiên phiến sẽ quên ngay và chẳng đâu vào đâu cả. Có bốn bước mà các bạn có thể áp dụng để tiếp cận bố mẹ: xác định chủ đề, chọn thời điểm thích hợp, đi vào câu chuyện nhẹ nhàng nhưng rõ ràng, hãy là người biết đặt câu hỏi thông minh.
Chuyên gia tâm lý VÕ THỊ MINH HUỆ
Tôi mở cửa đón các em đã 12 năm nay, có em tự tới, có em gia đình đưa vào. Nuôi nấng, chăm bẵm các em đến ngày mẹ tròn con vuông, ở cữ thêm vài ba tháng, khỏe mạnh rồi thì rời nhà để có chỗ cho chị em khác vào ở. Tôi nhận thấy càng ngày độ tuổi các em gái mang bầu vào nhà mình càng giảm. Nghĩa là chuyện đó xảy ra khi các em vẫn còn sống chung với gia đình.
Vậy thì trong việc giáo dục các em tránh xa những lầm lạc về giới tính tuổi đầu đời, vai trò của gia đình mới là quan trọng nhất. Internet? Nhà trường? Chương trình giáo dục?
Từ góc độ của mình, tôi nghĩ rằng gia đình vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Nếu ba mẹ luôn sát cánh cùng con mình, hiểu được từng chút sự thay đổi, lắng nghe tâm tư của con mỗi khi chúng hoang mang, sợ hãi, lo âu, tò mò… thì chẳng có một cơn sóng nào ở bên ngoài ập vào tàn phá cuộc đời các em khi còn quá nhỏ như vậy.
Có những ông bố bà mẹ khi đưa con vào tới đây vẫn còn hết sức giận dữ và không hiểu nổi chuyện gì đã xảy đến với gia đình mình. Có người nói con tôi ngoan lắm, ngoài giờ đi học chỉ biết quanh quẩn ở nhà, mà đi học cũng là ba mẹ đưa đi, sao có chuyện đó được?
Sao tôi thương nó, chiều nó hết sức mà nó lại… Những câu hỏi tại sao đó nhiều lắm. Tôi cũng không trả lời hết được. Chỉ nói rằng các anh chị thương con như vậy bằng mười hại con. Anh chị có biết được con mình thật sự cần điều gì, có bao giờ lắng nghe con?
Anh chị hãy dành thêm cho con mình chút thời gian, để con cảm thấy có chỗ dựa. Rằng các anh chị hãy đứng đắn để làm gương cho con. Rằng dù các em có lỡ mắc sai lầm, cha mẹ hãy coi đó là lỗi của chính mình và tiếp tục yêu thương các em nhiều hơn, cho các em một con đường quay về ít đau đớn nhất…
Theo Tuoitre.vn