Kỳ lạ bát hương di động của nữ y tá chuyên nạo phá thai

Bà Mai làm một bát hương, ngày thường thì cất đi, khi nào nạo thai xong mới đem ra thắp. Làm như vậy bà cảm thấy nhẹ lòng, không bị ám ảnh.


Bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1958, Hà Nội) là một y tá từng hơn 30 năm công tác tại nhà hộ sinh A (Hà Nội), giờ đã nghỉ hưu. Sau khi nghỉ, bà Mai về ở ẩn. Bà bảo mọi người làm nghề như bà khi về hưu thường hay mở phòng khám riêng nhưng bà thì không. Vì nhiều lý do mà bà không muốn làm cái việc rất hại não đó nữa.

Sau khi tốt nghiệp trường trung cấp Y, bà xung phong lên miền núi công tác và được phân công về công tác tại một trạm xá, thuộc trung tâm y tế huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Những cán bộ y tế như bà Mai thường xuyên phải làm việc hết công suất, ban ngày thì đỡ đẻ, nạo, hút thai, tối về lại đi tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình.

Bà Mai kể, ngày đó các chị em ở miền núi nơi bà công tác đi nạo phá thai nhiều lắm, vì ở quê, phương tiện thông tin không có. Đã vậy, các ông chồng lại không chịu dùng bao cao su, mà đặt vòng thì không phải bà vợ nào cũng hợp nên việc vỡ kế hoạch thường xuyên diễn ra.

Hồi đó, ở trạm xá xã, cơ sở vật chất thiếu thốn, cả trạm không có gì ngoài tủ thuốc với cái bàn đẻ. Ai vào cũng thấy trống trơn, chẳng có dụng cụ, phương tiện gì, nhiều ca đỡ đẻ, nạo, hút thai đều phải làm tay bo. Nhiều bà, nhiều chị mải làm mải ăn, chẳng kiêng cữ, đặt vòng gì nên lần nào có thai cũng không biết. Đến khi thai to mới tá hỏa chạy đến trạm xá nhờ cán bộ y tế giúp đỡ, lúc đó chúng tôi cũng không thể làm khác được, đành phải liều chứ biết làm sao”, giọng bà Mai chùng xuống.

Ngày đó, sinh con thứ ba là bị phạt nhiều, phạt nặng, nhiều cặp vợ chồng do kinh tế khó khăn, không có tiền phạt nên bằng mọi cách phải phá thai. Bà Mai vẫn bị ám ảnh mãi với trường hợp một chị phụ nữ ngoài 40 tuổi, khi đến khám thai thì biết đã mang thai đến gần 6 tháng. Chị này nằng nặc đòi phá nhưng vì trạm y tế xã thấy thai to quá, lại không có phương tiện, dụng cụ y tế nên không thể làm được, do đó đã bảo chị về hoặc lên huyện giải quyết.

Thấy xã từ chối, chị này về nhà dùng đủ mọi cách để cho thai ra, thậm chí chị còn liều đến mức leo lên đống rơm cao ngút rồi nhảy xuống ngã bất tỉnh. May mắn là người nhà phát hiện ra, vội đưa đến trạm y tế xã cấp cứu. Lúc đưa chị này đến trạm, nhìn thấy chị máu me bê bết, mặt trắng bệch, bà Mai sợ run bắn người. Hôm đó, không còn cách nào khác, chị trạm trưởng trạm y tế phải dùng thủ thuật cô-vắc (phương pháp hủy thai, bơm nước vào để làm căng cổ tử cung, tạo những cơn co thắt nhằm đẩy thai nhi ra ngoài) để đưa thai ra, cứu tính mạng người mẹ.

Sau khi về hưu, bà Mai không mở thêm phòng khám như nhiều đồng nghiệp vì không muốn tiếp tục làm công việc hại não này nữa. Ảnh minh họa
Sau khi về hưu, bà Mai không mở thêm phòng khám như nhiều đồng nghiệp vì không muốn tiếp tục làm công việc hại não này nữa. Ảnh minh họa

Khi cái thai ra ngoài, mọi người có mặt ở đấy thấy đứa bé mở mắt nhìn mọi người làm mấy chị em, cô cháu tái mặt, còn chị kia thì khóc òa lên. Đứa bé đó mở mắt rất lâu, chị trưởng trạm phải khấn mãi bé mới chịu “đi”. Chị trưởng trạm khấn: “Thôi số cháu không được làm người thì cháu sớm siêu thoát. Đây là việc bất đắc dĩ các bác phải làm, cháu đừng oán bác”.

Sau khi chị trưởng trạm xá khấn xong, đứa bé mới nhắm mắt ra đi, bà Mai ôm mặt khóc tu tu như thể mình vừa mất đi cái gì quý giá. Hôm đó, mấy chị em trong trạm xá bảo nhau mang đứa trẻ đi chôn cất cẩn thận. Làm xong, mặc dù không ai bảo nhưng bà Mai vẫn ra cây đa sau trạm xá để thắp hương.

“Các cụ cứ bảo cây đa có thần, cây gạo có ma nên ngày rằm, mùng một, mấy chị em trong trạm y tế chúng tôi hay ra đó thắp hương. Các cô các chị lớn tuổi trong trạm vẫn dặn chúng tôi rằng, dù những bào thai chỉ là giọt máu nhưng cũng là một sinh linh, mình tuy không cố ý làm ác nhưng cũng nên thắp cho chúng nén hương cho siêu thoát. Chứ làm nghề này không có tâm thì nó vận vào người mệt lắm”, bà Mai thở dài trải lòng.

Hồi còn làm ở trạm xá trên Phú Thọ, bà mới biết ở quê vẫn còn nhiều tư tưởng lạc hậu. Có chị được chồng đưa đi đẻ với dáng điệu mong ngóng, sốt ruột không để đâu cho hết. Hóa ra vợ chồng chị này đã có 3 cô con gái trước đó, nên lần này đưa vợ đi đẻ ông chồng rất hy vọng vợ sẽ đẻ con trai. Chẳng ngờ lần đó chị vợ lại sinh con gái. Khi nghe cán bộ y tế xã thông báo, ông chồng liền lao vào đánh vợ tới tấp, mồm chửi vợ là đồ không biết đẻ và dọa sẽ đi lấy vợ khác. Chị vợ chỉ biết khóc ròng, ngày hôm sau bế con về nhà ngoại.

Thường thì những người mới ra trường chỉ được làm những ca thai nhỏ, khoảng hơn một tháng. Ngày đó đoán tuổi thai chủ yếu là dựa trên kinh nghiệm chưa có siêu âm như bây giờ, nên không phải không có lúc bị nhầm. Bà Mai kể, có trường hợp lúc khám thì đoán là mới hơn một tháng, ai dè lúc cho dụng cụ vào mới biết thai gần 3 tháng.

Lần đó tay bà run bần bật và không biết nên xử lý như thế nào, đã vậy cô bác sĩ chính lại lên huyện họp. Mà cái việc thai sản đã động vào dao kéo mà không làm còn nguy hiểm hơn, do vậy, lần đó bà Mai cố gắng nhớ lại từng bước có lần nhìn bác sĩ chính làm mà nín thở dò dẫm làm theo. Mất gần tiếng đồng hồ mới xong. Xong ca đó, bà Mai cũng mất ngủ mấy đêm.

Bà chia sẻ rằng: “Không biết các bà mẹ khi đi nạo thai thì họ cảm giác như thế nào, nhưng chúng tôi thì nhiều lúc khổ tâm lắm. Chối không làm cho họ thì không được, mà làm thì nặng nề, mệt mỏi lắm“. Có nhà tham con trai, nghe lời thầy lang bắt mạch thế nào lại bảo đang mang thai con gái. Thế là đùng đùng ông ta dắt vợ đang mang thai 6 tháng ra trạm y tế để xử lý.

Chị vợ vừa đi vừa khóc, chúng tôi không ai dám làm. Lần đó, trưởng trạm phải lên tiếng khuyên giải anh chồng. Chưa kịp nghe trưởng trạm nói hết, anh chồng liền xông vào chỉ mặt bác sĩ tuyên bố: ‘Nếu vợ tôi đẻ con gái thì các bà bế về mà nuôi’. Sau đó, anh ta đùng đùng lôi vợ về. May mà phúc nhà anh ta lớn, lần đó chị vợ lại sinh con trai, không thì chúng tôi phải nuôi thật đấy chứ”, bà Mai kể lại.

Theo bà, ở miền núi không có tục chôn trẻ con, nếu có cháu nào mất hoặc thai nhi sinh non, chết yểu là người dân cứ mang lên đồi để. Nhiều lần các bác sĩ phải lén theo sau rồi đào hố chôn các cháu cẩn thận vì không làm thế thì áy náy. Ngày nào cũng có ca nạo thai, bà Mai đều phải cho vào hộp kín rồi đem đi chôn chứ không dám vứt lung tung.

Bà tâm sự: “Nói thật, vì đã trót theo nghề nên tôi cứ phải tiếp tục, chứ nhiều lúc nghĩ cũng nản lắm. Mình cũng là đàn bà yếu mềm, làm nhiều thì quen tay nhưng không phải như thế là vô cảm. Từng làm bao nhiêu năm, chứng kiến nhiều ca sợ lắm, nếu không vì công việc thì chắc buông tay rồi”.

Sau 3 năm công hiến, trải nghiệm ở miền núi, bà Mai được chuyển về Hà Nội công tác. Sau thời gian dài ở tỉnh, đã quen với cách làm việc trên đó, nên khi về thành phố, cái gì bà Mai cũng cảm thấy lạ lẫm. Làm nghề này nên bà cẩn thận việc khói hương, thờ cúng. Ngày xưa, ở miền núi có cây đa sau trạm xá, bà cùng mọi người vẫn hay ra thắp hương. Nhưng từ khi chuyển về Hà Nội, ở bệnh viện không ai cho phép thắp hương nên bà Mai cũng không dám tùy tiện.

tho-phung-10Tuy nhiên, bà vẫn có cách riêng. Bà làm một bát hương di động, ngày thường thì cất đi, khi nào có việc bà mới đem ra thắp. Bà bảo làm như vậy thấy nhẹ lòng, đó như là liều thuốc an thần giúp bà thêm vững lòng với công việc mình đã lựa chọn.

Bà Mai chia sẻ, các đồng nghiệp của bà phần lớn đều mở phòng khám hoặc làm thêm, riêng bà thì không. Chủ yếu là do bà luôn bị ám ảnh bởi đôi mắt của những đứa trẻ bị đưa ra khỏi cơ thể của người mẹ, rồi luật nhân quả, tốt xấu liên quan đến công việc này đã khiến bà cảm thấy sợ.

Bà bảo, ở miền núi thì những người đến nạo phá thai chủ yếu là gái đã có chồng, còn ở Hà Nội thì hầu hết là những cô gái trẻ, những em gái mới lớn kéo nhau đến nạo thai. Đã không biết bao nhiêu lần bà cứ thắc mắc không hiểu tại sao họ lại làm như vậy, vì đứa con là tài sản vô cùng quý giá mà họ lại coi nhẹ tênh. Có cô cặp bồ với chồng người ta, khi mang thai bị vợ người ta bắt đi phá. Hôm đi, cô vợ cả cứ kè kè sát cạnh, sợ cô kia trốn mất, bà Mai phải gắt lên thì chị ta mới ra ngoài.

Trẻ con bây giờ cũng bạo lắm, lớp 9 lớp 10 đã dắt nhau đến nhà hộ sinh. Nhìn cậu con trai lấm lét ngoài cửa mà giận quá. Chúng cũng như con mình nên đành giải quyết cho xong. Nhưng nhiều đứa chả ngại ngùng gì, cứ điềm nhiên như không. Lỗi cũng tại bố mẹ không quan tâm đến con, giao phó hoàn toàn cho nhà trường, xã hội, đến khi con có bầu 3 – 4 tháng rồi mới tá hỏa mang con đến khóc lóc xin chúng tôi cứu, lúc đó thì biết làm gì. Không làm thì họ cũng dắt nhau đi chỗ khác, mà nếu có chuyện gì xảy ra thì mình cũng khổ tâm lắm”, bà Mai buồn bã chia sẻ.

Theo Hôn Nhân Pháp Luật

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x